(vhds.baothanhhoa.vn) - Được mệnh danh là “vua của các lễ hội” với vai trò là tác giả và tổng đạo diễn của nhiều chương trình lớn như Lễ kỷ niệm 1.050 năm nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018), Đêm Hoàng Cung, Huyền Thoại Sông Hương của 4 mùa Festival Huế nhưng đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là chương trình khó nhất về mặt nội dung từ trước đến nay tôi làm”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đạo diễn Lê Quý Dương: Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa sẽ là chương trình đặc biệt thú vị

Được mệnh danh là “vua của các lễ hội” với vai trò là tác giả và tổng đạo diễn của nhiều chương trình lớn như Lễ kỷ niệm 1.050 năm nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018), Đêm Hoàng Cung, Huyền Thoại Sông Hương của 4 mùa Festival Huế nhưng đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là chương trình khó nhất về mặt nội dung từ trước đến nay tôi làm”.

Phối cảnh tổng thể sân khấu “Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa”.

PV: Là tổng đạo diễn Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật 990 năm Thanh Hóavới tên gọi “Tỏa sáng cùng non sông đất nước” chia làm 3 chương gồm 9 trường đoạn. Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc sừng sững tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa. 2.970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành 3 lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho 990 năm Thanh Hóa. Và với số lượng lên tới 500 diễn viên tham gia. Trong một chương trình 90 phút và những con số ấy, tôi nghĩ đạo diễn Lê Quý Dương quá “tham lam”, anh muốn nói gì về điều này?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Đã từng có người nói điều này với tôi, nhưng bạn nghĩ và tưởng tượng xem chỉ riêng việc thể hiện lịch sử 990 năm Thanh Hóa trong một chương trình Lễ Kỷ niệm 90 phút sao cho đầy đủ, tinh tế, không thiếu, không thừa đã là một thách thức lớn đối với bất cứ tác giả, đạo diễn nào. Hơn thế, Lễ kỷ niệm 990 năm không thể chỉ nhắc tới giai đoạn lịch sử từ khi xuất hiện tên gọi Thanh Hóa đến nay mà còn nhắc tới cả cội nguồn lịch sử ở vùng đất từ trước đó rất nhiều, để làm nổi bật ý nghĩa to lớn của sự xuất hiện tên gọi Thanh Hóa trong bức tranh toàn cảnh của một xứ địa linh nhân kiệt. Tôi không tham cũng không được. Ngoài ra, trong quãng thời gian 990 năm (1029 - 2019), từ khi tên gọi Thanh Hóa hình thành, văn hóa và lịch sử của Thanh Hóa đã là cả một kho tàng khổng lồ, trải qua nhiều triều đại gắn liền với dòng chảy của lịch sử dân tộc. Từ nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Trịnh, nhà Nguyễn tới thời đại Hồ Chí Minh với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ hàn gắn các vết thương chiến tranh, tới thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển, Thanh Hóa đã thực sự trở thành “vùng đất căn bản” của nước Đại Việt hôm qua, của nước Việt Nam hôm nay. Chương trình đặt ra yêu cầu to lớn là phải đảm bảo được chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa trong công tác xây dựng kịch bản và dàn dựng chương trình. Nhưng tham quá thì đương nhiên đạo diễn sẽ không đủ sức để ôm hết mọi thứ đâu.

Tác giả kịch bản - Tổng đạo diễn Lê Quý Dương.

PV: Hàng năm chúng ta có rất nhiều chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm, hoặc festival, vậy với kinh nghiệm của một người đạo diễn, xin anh chia sẻ một số những nét khác biệt của chương trình 990 năm Thanh Hóa so với các chương trình khác?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Đây là chương trình khó nhất về mặt nội dung từ trước đến nay tôi làm. Để chương trình mang tính sử thi, tôi làm theo phương pháp đổi mới, không theo kịch bản có sẵn mà từ sự nghiên cứu, khảo sát thực tế, mình sẽ phải tìm hiểu tài liệu, nghiên cứu từ truyền thống, từ người dân bản địa, tìm ra những gì độc đáo nhất của vùng đất đó. Chính từ quá trình nghiên cứu ấy sẽ tạo nên cảm xúc, có sự rung động, rồi bật ra ý tưởng hay để viết kịch bản. Trong đó, nhấn mạnh vào tính thiêng liêng, gắn với nhiều anh hùng dân tộc, khai thác tính hiển linh, như thần Đồng Cổ hiển linh, vua Lý Thái Tổ xuất hiện, Lê Lợi hiển linh có đọc lời Bình Ngô đại cáo, tạo thành không khí sử thi. Trong không gian vang vọng của thần Đồng Cổ, với hiệu ứng ánh sáng vàng, xuất hiện 99 thiếu nữ xinh đẹp như tiên nữ cầm lư hương trầm bước vào không gian sử thi, giống như câu chuyện được thần Đồng Cổ kể lại. Trên mặt trống đồng có hoạ tiết của trống đồng Đông Sơn, dùng đồ hoạ 3D có đèn LED, tạo cảnh như đàn chim hạc bay lên và câu chuyện bắt đầu được kể”.

PV: Điều gì làm anh hài lòng nhất khi làm chương trình này?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Điểm nhấn của chương trình là không gian sân khấu có sự kết hợp giữa mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động với kỹ thuật hiện đại. Một mặt trống đồng lớn được thiết kế giữa trung tâm sân khấu, tôn vinh thần trống đồng hiện còn được thờ ở đền Đồng Cổ, ngôi đền lâu đời nhất trên xứ Thanh. Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyện kể của thần Đồng Cổ. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), Mô hình biểu tượng của tỉnh, Cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc sừng sững tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa.

Điều thú vị nhất khi tôi quan tâm và làm chương trình chính là lịch sử và văn hóa của mảnh đất này. Tôi cảm thấy chúng ta sẽ chỉ là loài ký sinh sống bám vào đất nếu không hiểu những gì đã từng sống, từng diễn ra trên những vùng đất nơi chúng ta sinh thành. Chính sự hiểu biết về lịch sử và văn hóa hôm qua đang mở ra cho hiện tại của chúng ta những bài học to lớn để đi tới tương lai vững vàng.

Tôi thấy cần có thêm nhiều những chương trình sự kiện về truyền thống văn hóa và lịch sử của dân tộc trên mọi miền của đất nước để các thế hệ hôm nay nhận thức sâu sắc về thế hệ cha ông từng sống, từng chiến đấu, xây dựng đất nước ra sao. Chương trình cũng là cơ hội vô cùng ý nghĩa không chỉ với khán giả mà còn cho chính bản thân tôi được học hỏi, chiêm ngưỡng một dân tộc Việt Nam lạc quan, cần cù, chịu khó, anh hùng và bất khuất.

PV: Đến sát giờ chương trình diễn ra, có điều gì anh thấy còn chưa ổn, hay lo lắng về chương trình không?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Đến giờ này tôi nghĩ chẳng có gì phải lo lắng, bên cạnh tôi là cả một ekip nghệ sĩ và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Dù là tổng đạo diễn nhưng tôi không làm việc đơn lẻ mà làm việc với nhiều người với các cá tính khác nhau. Và điều quan trọng nhất là chúng tôi ý thức rõ về trách nhiệm và bổn phận đối với công việc của mình, không phải vì tiếng tăm thương hiệu, mà vì đông đảo khán giả và những người tin tưởng trao chương trình cho mình làm. Tất cả cũng chỉ vì một điều là chương trình phải để lại dấu ấn và cảm xúc, phải mang tới một giá trị trong đời sống tinh thần và nhận thức của con người.

“Chúng tôi đã có nhiều thời gian đi điền dã, thực địa, khảo sát và trải nghiệm tại Thanh Hóa. 990 năm là sự tổng hoà, giao thoa, đan xen, tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các nét văn hóa đặc sắc giữa truyền thống và hiện tại. Chúng tôi đã vận dụng những nét văn hoá nghệ thuật đặc trưng của trống hội, tuồng cổ, hò sông Mã, chèo truyền thống, đồng dao đến các ca khúc cách mạng và trữ tình... Tất cả mọi thứ đều quyện hoà trong một thời lượng có hạn định, vì thế sự chắt lọc, chuẩn mực, sự khéo léo thận trọng để kết nối mềm mại uyển chuyển. 990 năm Thanh Hóa - tỏa sáng cùng non sông đất nước sẽ thực sự gây xúc động, ấn tượng với công chúng. Sẽ không gân cốt, nặng nề nhưng lan toả vang vọng sự hùng thiêng một cách tinh tế, sâu lắng, tôn vinh văn hoá truyền thống và rộn rã hơi thở của thời đại mới. Tôi tâm niệm rằng làm việc bằng trái tim sẽ đến với trái tim. Điều tôi mong muốn là thông qua các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật âm nhạc sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu biết trân trọng lịch sử văn hoá của quê hương mình, dân tộc mình một cách sâu sắc, dễ hiểu và trọn vẹn hơn” - NSƯT Mạnh Tiến (Giám đốc âm nhạc của lễ hội 990 năm Thanh Hóa).

“Tôi từng tham gia nhiều chương trình lễ lớn của đất nước, những chương trình dấu ấn lịch sử như “1000 năm Thăng Long” “Lễ hội Đền Hùng” “Lễ hội Tràng An”... Nhưng lần này thì vô cùng vinh dự, tự hào và vui mừng vì được hát trong chương trình quan trọng của quê hương mình. Một chặng đường lịch sử gần ngàn năm và một vùng đất đầy tiềm năng cho một tương lai phát triển mạnh mẽ. Tôi không bị áp lực mà chỉ thấy vô cùng tự hào và háo hức được trở về với quê hương trong dịp ý nghĩa này. Tham gia chương trình với ca khúc Chào sông Mã anh hùng, tôi nghĩ âm nhạc như chính tính cách của con sông Mã quê tôi, chảy êm đềm nơi hạ lưu nhưng cũng mạnh mẽ cuồn cuộn nơi thượng nguồn, con sông là cả lịch sử của đất Thanh Hóa anh hùng” - NSUT Trọng Tấn.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]