(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với bút danh Minh Trang, Vũ Duy Hòa từ lâu đã được biết đến là một nhà thơ tràn đầy năng lượng. Thế nhưng, thật bất ngờ khi trên văn đàn gần đây, bạn đọc lại thấy xuất hiện tên tuổi của cây viết này qua tập bút ký “Đường đời” và đặc biệt là tập truyện ngắn mang tên “Chuyện cũ kể lại” với mong muốn mỗi người hãy tìm ra cho mình những lẽ sống giá trị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giá trị sống đích thực qua “Chuyện cũ kể lại” của Vũ Duy Hòa

(VH&ĐS) Với bút danh Minh Trang, Vũ Duy Hòa từ lâu đã được biết đến là một nhà thơ tràn đầy năng lượng. Thế nhưng, thật bất ngờ khi trên văn đàn gần đây, bạn đọc lại thấy xuất hiện tên tuổi của cây viết này qua tập bút ký “Đường đời” và đặc biệt là tập truyện ngắn mang tên “Chuyện cũ kể lại” với mong muốn mỗi người hãy tìm ra cho mình những lẽ sống giá trị.

“Chuyện cũ kể lại” của Vũ Duy Hòa bao gồm 11 truyện. Viết về chiến tranh hay thời bình, tình yêu - hôn nhân hay sự giàu sang - nghèo khó…, tác giả vẫn khiến người đọc tò mò ngay từ những dòng chữ đầu tiên ở mỗi câu chuyện. Và cứ thế tập truyện cuốn hút cho đến khi gấp sách lại, ta vẫn hình dung rõ mồn một về mặt trái của cơ chế thị trường qua “Ảo vọng vàng đen”, “Biến sắc”, “Cồng bà”, “Đại gia”, “Vị đắng”…

Ta nhận ra, để có được cái danh, cái lợi, thay vì phải nỗ lực làm việc và phấn đấu không mệt mỏi thì các nhân vật trong các câu chuyện này lại sử dụng những thủ đoạn lừa lọc, mánh khóe và bội bạc ngay cả với chính những người đã nâng đỡ, cưu mang mình. Đến khi, giấc mộng sang giầu đã trở thành hiện thực, họ càng có cơ hội để bộc lộ bản chất ham vui, quen thói hưởng thụ, xem thường đạo lý ở đời.

Sự tồn tại của họ chẳng những không mang lại nguồn lợi cho xã hội mà còn là mầm họa cho những hệ lụy khó lường. Nhân vật Son và Đa trong “Đại gia” là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó. Hai con người này có hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng lại đều là những kẻ cơ hội và thủ đoạn.

Đặc biệt là Đa, anh ta từ một người nghèo khó phút chốc đã trở thành “đại gia” chỉ bởi những chiêu bài xảo quyệt, trong đó phải kể đến là thủ đoạn lợi dụng, chiếm đoạt vốn của ngân hàng để mua sắm, ăn chơi sa đọa.

Điều đáng buồn là nhiều người vẫn bị “lóa mắt” bởi cái vẻ hào nhoáng của thiên hạ nên xã hội đây đó mới xảy ra những vụ việc đáng tiếc khiến cho người trong cuộc mất tiền, mất tình và nhiều khi còn mất cả tính mạng.

Câu chuyện của Hương trong “Ảo vọng” là một ví dụ. Từ ngày được vinh danh là sinh viên duyên dáng thanh lịch, cô bỏ lại một tình yêu đẹp, những người bạn tốt bụng và bỏ luôn cả sự học để bước vào một thế giới đầy cám dỗ với những người đàn ông nhiều tiền nhưng chưa hề biết gì về họ.

Tiếc thay, Hương bị lợi dụng biến thành một món hàng trao qua đổi lại khiến cho nhan sắc nhanh chóng tàn tụy đến nỗi người thân khi gặp lại cũng không khỏi tiếc nuối, ngỡ ngàng.

Viết về chuyện người, nhưng có cảm giác như Vũ Duy Hòa rất buồn. Không buồn sao được khi nhìn ở đâu và ở lĩnh vực nào trong thời buổi cơ chế thị trường này cũng có chuyện người lừa người, coi thường pháp luật.

Càng buồn hơn khi sống giữa sự bao phủ của các phương tiện thông tin đại chúng mà vẫn có những người thiếu sự cảnh giác và dễ dàng bị cám dỗ bởi những dục vọng tầm thường đến không ngờ. Phải chăng vì muốn góp phần mình thay đổi điều đó, “Chuyện cũ kể lại” còn được Vũ Duy Hòa khéo léo đan xen cả những câu chuyện viết về tình đời, tình người hết sức xúc động.

Đó có thể là những chuyện đã xảy ra trong chiến tranh như tình yêu, tình người của Liên và Hân trong “Kiếp phận”, của Thủy và Tám trong “Ước hẹn không lời”. Hoặc khi đã ở giữa thời bình ai cũng muốn gạt đi những nỗi âu lo, phiền muộn thì vẫn có một ông Cung trong “Chiếc khăn rèn” luôn thao thức về trách nhiệm chưa tròn với đức hi sinh của người yêu; hay ở “Vành khăn trắng”, tình bạn hết lòng giữa Thơm và Thao khiến cho ai khi đọc đến cũng khó có thể nào mà quên được.

Giờ thì tôi đã phần nào hiểu được động lực thôi thúc Vũ Duy Hòa ngoài viết thơ còn có xu hướng viết nhiều ở cả mảng văn xuôi. Bởi dường như, ông hiểu rất rõ cuộc sống không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng, thanh thoát như thơ mà cuộc sống luôn là một cuộc chiến không khoan nhượng giữa cái xấu với cái chân - thiện - mỹ, ngay cả trong chính mỗi con người.

Đó cũng là lúc văn xuôi phát huy vai trò định hướng độc giả thông qua những câu chuyện có ý nghĩa giáo dục. Điều này đã lí giải vì sao, độc giả dễ dàng nhận ra những lẽ sống giá trị, thực chất qua “Chuyện cũ kể lại” của Vũ Duy Hòa.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]