(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cái rét ngọt, khi những cánh hoa đào khoe sắc thắm thì cũng là lúc các chiếu chèo ở khắp vùng quê xứ Thanh thêm rộn ràng tiếng trống, tiếng phách, tiếng nhị réo rắt, mượt mà, trầm bổng làm say đắm lòng người lúc xuân sang.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng quê vang tiếng hát chèo

Trong cái rét ngọt, khi những cánh hoa đào khoe sắc thắm thì cũng là lúc các chiếu chèo ở khắp vùng quê xứ Thanh thêm rộn ràng tiếng trống, tiếng phách, tiếng nhị réo rắt, mượt mà, trầm bổng làm say đắm lòng người lúc xuân sang.

Những ngày đầu xuân, chúng tôi lại có dịp trở lại xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, là vùng quê có truyền thống hát chèo nức tiếng xa gần. Xã có 2 làng: Vĩnh Gia và Phượng Mao đều có CLB hát chèo. Trong đó CLB hát chèo làng Vĩnh Gia đã để lại ấn tượng qua các hội diễn văn nghệ quần chúng, hội làng, sự kiện lớn của quê hương.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hương (nghệ danh: Thiên Hương) tự hào kể cho chúng tôi nghe truyền thống hát chèo của quê hương. Được biết chèo ở đây đã có từ rất lâu đời. Các thế hệ được sinh ra đều “tắm mình” trong tiếng hát của các ông, bà, cha mẹ cũng như những người dân trong làng, trong xã. Hát chèo được diễn ra ở hội làng, hội diễn, trong đời sống sinh hoạt đời thường... Và cứ như thế, những làn điệu chèo quê hương đã ngấm vào mạch máu tâm hồn của họ lúc nào không biết và chỉ chờ dịp là ngân lên tha thiết. Chèo Hoằng Phượng nói chung và chèo làng Vĩnh Gia nói riêng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu khi đến lễ hội hay vào xuân của người dân địa phương nơi đây.

“Không thù lao, lương bổng, nếu không có tình yêu, niềm đam mê thì họ không thể “cháy” hết mình với nghệ thuật truyền thống này như vậy. Kỷ niệm về các thành viên thì rất nhiều, nhưng ấn tượng nhất đó là nhiều hôm trời mưa giá rét nhưng tối đến các thành viên trong CLB chèo làng Vĩnh Gia đều có mặt đông đủ để tập luyện. Thật sự cảm động khi chứng kiến có những người đã lên chức ông, chức bà, nhưng hát vẫn “say” như ở độ tuổi đôi mươi” - nghệ nhân ưu tú Thiên Hương chia sẻ thêm.

Tiết mục hát Chèo của CLB Chèo làng Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa).

Qua tìm hiểu được biết, CLB làng chèo Vĩnh Gia được thành lập năm 2009 với 20 thành viên, người cao tuổi nhất 70 tuổi và người trẻ tuổi nhất là 35 tuổi. Qua 10 năm thành lập, số hội viên đã được tăng lên gần 40 người đam mê với nghệ thuật chèo của quê hương. Một trong những nguyên nhân quan trọng để CLB duy trì và phát triển, đó chính là sự yêu mến của bà con. Đây là niềm động viên, khích lệ mọi người trong CLB thêm say mê và nhiệt huyết với môn nghệ thuật chèo truyền thống.

Nếu như chèo ở các địa phương khác đệm bằng chữ“i” để luyến láy cho óng mượt câu hát thì chèo thờ làng Mưng, xã Trung Thành, huyện Nông Cống lại mang một sắc thái văn hóa riêng. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ hội (ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch) người dân trong vùng lại tạm gác mọi công việc để đến với hát chèo thờ trong Lễ hội làng Mưng. Khi các thuyền chuẩn bị xuất phát cũng là lúc người dân hai bên bờ hò dô, cổ vũ. Sau mõ lệnh, các thuyền xuất phát, đi cách nhau đúng 100m (đo bằng dây thừng). Đi trước là hai thuyền phát đường, kế đến là thuyền hương án, tiếp theo là thuyền chính ngự và cuối cùng là thuyền phù giá. Đội thuyền dời bến Đá (sau đền Mưng) đến đâu thì trên bờ, voi nan, ngựa giấy, người đeo mặt nạ, lính cầm bát bửu theo hầu trò đến đấy. Đoàn thuyền theo dòng Lãng Giang uốn lượn xuôi xuống đền vua bà (cách đền Mưng 10km), đến mỗi làng trên khúc sông thuyền xuôi qua, theo thói quen các nữ chèo lại cất lên những câu hát quen thuộc trong 28 làn điệu chèo cổ làng Mưng...

Ông Đỗ Quang Trung - Bí thư Chi bộ thôn 3 làng Côn Sơn cho biết, sự khác biệt, đó là nếu như các địa phương khác hát chèo thì luyến láy bằng âm “i” thì chèolàng Mưng lại dùng toàn âm “a” ở mỗi đoạn, mỗi câu. Văn trong kịch sử dụng các thể thơ 6/8, thơ 8 chữ cùng những đoạn văn xuôi đối thoại, nhưng phần lớn là sử dụng thể thơ 4 chữ. Thứ nữa, chèo làng Mưng mặc dù có sử dụng một số làn điệu chèo đồng bằng Bắc bộ như nói lối, nói sử, hát cách, nhưng chủ yếu dùng các làn điệu mang sắc thái, âm điệu của dân ca Thanh Hóa.

Gặp bà Nguyễn Thị Dụng, thôn 3, làng Côn Sơn, thành viên cao tuổi trong đội hát chèo thờ làng Mưng của xã vào một ngày đầu xuân, qua cách nói chuyện mới thấy được niềm say mê chèo của bà dường như chưa bao giờ cạn. Là nòng cốt trong các buổi tập của đội văn nghệ, bà luôn ý thức trong việc truyền dạy và vun đắp tình yêu nghệ thuật chèo cho thế hệ trẻ. Bà đã đi đến tận các gia đình có những cháu học sinh có năng khiếu để tuyên truyền, vận động cho các cháu học hát. Chỉ đôi ba câu thôi, nhưng thấy các cháu học được, bà vui lắm. Tiếng chèo du dương, văng vẳng trong những ngày hội làng, giờ đã có những cháu 8 tuổi biểu diễn trong lễ hội.

Không chỉ có chèo ở làng Vĩnh Gia, chèo thờ làng Mưng, mà nhiều vùng quê khác ở xứ Thanh, chèo từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt vào mỗi độ tết đến xuân về, các tổ, đội, CLB chèo trong tỉnh đều sôi nổi tập luyện các tiết mục chuẩn bị diễn trong dịp Tết Nguyên đán. Tiếng trống, tiếng phách, tiếng nhị lại thúc giục bà con mau chóng sắp xếp công việc ra nhà văn hóa, đình làng nghe hát chèo. Để tăng phần hấp dẫn cho các tiết mục “đón xuân”, nhiều xã đã tổ chức hội hát, múa, diễn chèo để các chiếu chèo tranh tài phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Từ phong trào đó, các chiếu chèo rộn ràng tiếng trống, ngân nga tiếng hát chào đón xuân sang.

Cứ thế, những nghệ sĩ nông dân ấy đã đưa câu hát, điệu múa trở nên gần gũi với đời sống quần chúng nhân dân, góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Nghệ thuật chèo đang sống trong hơi thở nhân dân và những người nghệ sĩ quần chúng ấy đã góp phần gìn giữ, phát huy giá trị một loại hình nghệ thuật đặc sắc của quê hương.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]