(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dưới chế độ ta ngày nay rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ đã được Nhà nước vinh danh phong tặng các danh hiệu: Nghệ sỹ ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghệ sỹ ẩn danh

(VH&ĐS) Dưới chế độ ta ngày nay rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ đã được Nhà nước vinh danh phong tặng các danh hiệu: Nghệ sỹ ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân...

Ông Đình, bà Tiệc luôn cống hiến cho phong trào VHVN.

Theo tôi vẫn còn nhiều người đã và đang cống hiến suốt đời cho nền văn hóa văn nghệ dân tộc. Họ thầm lặng phục vụ đàn ca cho cuộc sống nhân dân ở khắp các vùng miền hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa mà không hề mảy may có động cơ vụ lợi về vật chất. Những người ấy họ cam chịu sống cảnh vật chất rất đạm bạc, nghèo túng. Nhưng họ cũng rất khỏe, rất minh mẫn và sống lâu. Hình như họ khỏe mạnh sống lâu không phải vì vật chất, mà vì tinh thần, vì niềm vui đàn hát. Tâm ước của họ là muốn mang lại niềm vui cho cuộc đời và cho bản thân.

Nhiều năm tôi hoạt động trong ngành văn hóa có rất nhiều ký ức đẹp đẽ về những người đam mê văn nghệ như thế. Trong tâm tưởng tôi khắc ghi rất nhiều người đã và đang cống hiến thầm lặng cho VHVN.

Sau khi về nghỉ chế độ tôi có dịp giao du, có thời gian lục tìm trong trí nhớ và đi tìm những người nghệ sỹ ẩn danh như vậy. Tôi đã lục tìm khắp huyện, khắp tỉnh nhưng trong thực tế những người đàn hát dân ca cổ truyền không còn mấy.

Rồi tôi chợt nhớ ra ở thôn 4, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân có hai ông bà tên là Lê Văn Đình và Nguyễn Thị Tiệc năm nay đã trên dưới 80. Tôi hỏi thăm được biết hai ông bà vẫn sống khỏe mạnh, minh mẫn, đàn ca cả ngày. Tôi nhớ: Thuở đất nước đang đánh Mỹ phong trào hội diễn văn nghệ Tiếng hát át tiếng bom sôi nổi, năm nào huyện, tỉnh cũng tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng.

Dạo đó tôi và Phùng Gia Lộc, nghệ sỹ Xuân Tiêu cán bộ ở Phòng Văn hóa Thọ Xuân đã nhiều lần vào xã Xuân Giang trước khi tổ chức hội diễn ở huyện. Đường vào xã Xuân Giang giờ khác lắm rồi. Đường từ UBND huyện Thọ Xuân vào đây là đường nhựa nhẵn bóng như quốc lộ, tỉnh lộ. Hai bên đường san sát mái hồng, nhà cao tầng như phố xá.

Gia đình ông bà vẫn ở chốn cũ, vẫn ở trong ngõ hẻm quê, quang cảnh và vườn tược vẫn thế. Tôi đi xe máy vào đến tận sân. Tôi vào đúng lúc ông đang ngồi cặm cụi đan rổ rá tre, bà đang tỉ mẩn vuốt nan. Thấy tôi lần dò được đến tận nhà, cả hai ông bà rất xúc động mừng mừng tủi tủi bám lấy vai tôi lay lay vỗ về.

Tôi quan sát xung quanh trong nhà. Bên cạnh tấm Huân chương Kháng chiến có rất nhiều giấy khen và các bài thơ xuân bạn bè con cháu tặng ông bà. Tôi rất chú ý đến 3 cây đàn cũ còn treo đó: Một thập lục và hai ghi ta phím lõm. Tôi hỏi vui:

- Ba ông đàn này cũng đủ tuổi vào hội bảo thọ rồi chị nhỉ.

Chị Tiệc vừa rót nước vừa trả lời:

- Đúng thế, tuổi của đàn cũng đã quá 60 rồi. Nhưng không bao giờ dây đàn bị rỉ, lúc nào cũng căng đét.

- Anh chị lâu nay có còn hay hòa tấu nữa không?

- Ngày nào ông bà chúng tôi cũng chơi đàn, cứ rỗi rãi là hòa tấu vài bản. Chị Tiệc nói xen vào:

- Nghiện mất rồi anh ạ, nếu vắng đàn, thiếu đàn thì ông bà chúng tôi chết buồn mất.

Nói đoạn cả hai ông bà vội vàng lấy hai cây đàn xuống so dây. Ông ôm cây ghi ta, bà thập lục. Đầu tiên hai ông bà hòa tấu sáu câu vọng cổ, rồi ba lớp Tây Thi; tiếp theo là ngâm Kiều, lẩy Kiều; sau cùng là hòa tấu bản khúc ca hoa chúc (cải lương).

Bà Tiệc phấn chấn cởi mở:

- Ông bà tôi được mời đi phục vụ luôn, nào đám cưới, mừng nhà mới, mừng thọ, mừng sinh nhật bọn trẻ... Họ yêu cầu lúc nào ông bà chúng tôi có mặt ngay lúc đó. Chúng tôi phục vụ vô điều kiện.

Ông Đình tiếp lời: Nhiều lần xã mời đến phục vụ hội nghị, đại hội, ông bà chúng tôi sẵn sàng có mặt. Phục vụ xong họ cũng trả công nhưng chúng tôi không nhận. Chúng tôi chỉ cần mọi người hưởng ứng là vui rồi.

Được biết ông bà có 4 con gồm 3 trai, 1 gái nay nó đã có con có cháu rồi. Ba con trai đời sống rất khó khăn. Một con đi Nam lao động làm thuê mà cũng rất chật vật. Hai con trai ở nhà làm ruộng chưa đủ tiền nuôi con đi học đại học. Nói chung cả bốn con không ai cho tiền ông bà được. Vậy ông bà thường ngày sống bằng cách gì?

Tôi đang băn khoăn chờ câu trả lời thì bà Tiệc nói ngay: - Ông bà tôi chỉ có 180.000đ/ tháng, đó là tiền phụ cấp người cao tuổi của ông. Còn tôi thì chưa đến tuổi được hưởng. Các cụ xưa có câu khéo ăn thì no, khéo lo thì ấm..

Giờ đây ông Đình đã 83 tuổi, bà Tiệc đã 79 tuổi. Ông bà còn khỏe, rất minh mẫn, rất vô tư yêu đời. Chia tay ông bà, tạm biệt hai nghệ sỹ tài ba sống ẩn dật bền bỉ với đàn ca, tôi thiển nghĩ, giá như địa phương biết tranh thủ cả hai ông bà cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở nơi đây, thì tốt và vui biết mấy.

Xuân Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]