(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Là tỉnh có truyền thống hiếu học, dân số đông, kinh tế phát triển, Thanh Hóa được đánh giá là một thị trường kinh doanh sách đầy tiềm năng để phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, hàng loạt nhà sách lớn mọc lên không đồng nghĩa với việc tất cả nhu cầu về sách của độc giả được đáp ứng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà sách nhiều nhưng vẫn thiếu sách

(VH&ĐS) Là tỉnh có truyền thống hiếu học, dân số đông, kinh tế phát triển, Thanh Hóa được đánh giá là một thị trường kinh doanh sách đầy tiềm năng để phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, hàng loạt nhà sách lớn mọc lên không đồng nghĩa với việc tất cả nhu cầu về sách của độc giả được đáp ứng.

Một thị trường kinh doanh văn hóa đọc tiềm năng

Đó là khẳng định của đại diện một nhà sách lớn trên địa bàn thành phố mà phóng viên đã có dịp trò chuyện. Với kinh nghiệm gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sách, anh cho rằng: dân số đông, tốc độ phát triển kinh tế nhanh cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh là điều kiện thuận lợi để hoạt động kinh doanh sách “gieo mầm” phát triển.

Cùng với đó, người Thanh Hóa lại nổi tiếng hiếu học, ham học hỏi cũng là điều kiện thuận lợi cho thị trường kinh doanh sách phát triển.

Với sự xuất hiện lần lượt của hàng loạt nhà sách đình đám trên địa bàn tỉnh: Fahasha, Tiền Phong, Việt Ý… đã phần nào khẳng định cho sức hấp dẫn của thị trường kinh doanh văn hóa đọc.

Có mặt tại nhà sách Tiền Phong vào dịp đầu hè, lượng khách đến đây chủ yếu là những người trẻ tuổi, đặc biệt là các em học sinh. Em Nguyễn Châu Giang, học sinh Trường THPT Hàm Rồng cho biết: trong những ngày được nghỉ, ngoài thư viện thì nhà sách là điểm đến yêu thích của em. Tại đây, em có thể tìm mua những cuốn sách dành cho tuổi mới lớn đang rất được ưa chuộng.

Nhà sách Fahasha cũng đặc biệt đông đúc vào những tháng hè. Theo một nhân viên nhà sách thì đây là “thời điểm vàng” trong năm của việc kinh doanh. Đặc biệt là các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đọc sách thỏa thích, nhà sách đã phối hợp với Thư viện tỉnh tặng sách cho các em học sinh vượt khó vươn lên học tốt. Trong tháng thiếu nhi, nhà sách cũng sẽ tổ chức tặng sách cho các bạn học sinh đến nhà sách với nhiều hình thức khác nhau.

Nếu dạo một vòng quanh các nhà sách, nhiều người sẽ nhận ra, cùng với việc được thiết kế hiện đại thì qui mô của các nhà sách giờ đây đều lớn hơn hiệu sách truyền thống khá nhiều. Rất nhiều loại sách được bày bán: sách giáo khoa; ngoại ngữ; kỹ năng mềm, nuôi dạy trẻ… và đặc biệt, các sách văn học, giải trí chiếm số lượng lớn bởi đây được xem là dòng sách chủ đạo ở nhiều nhà sách.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại nhà sách Fahasha, liên tục trong những tháng đầu năm, các cuốn sách của nhiều tác giả Việt đã gây được sự chú ý với bạn đọc và liên tục nằm trong tốp sách bán chạy nhất tại đây. Trong đó, đặc biệt phải kể đến: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (Nguyễn Nhật Ánh); Tớ đã học tiếng anh thế nào? (Đỗ Nhật Nam); Sẽ có cách, đừng lo! (Tuệ Nghi); Chúng ta rồi sẽ ổn (Gào)…

Trong xu hướng truyện ngôn tình của các tác giả Trung Quốc bị đánh giá là “đầu độc” độc giả Việt Nam thì sự xuất hiện, gây dấu ấn của một tác giả Việt được xem là tín hiệu vui cho thị trường văn hóa đọc hiện nay.

Nhà sách nhiều nhưng vẫn thiếu sách

Các nhà sách mọc lên ở nhiều vị trí vàng nơi trung tâm đã phần nào đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy vậy, số lượng nhà sách nhiều, qui mô lớn có lẽ không đồng nghĩa với việc tất cả mọi loại sách đều được bày bán tại đây.

Chị Vân, giảng viên Trường ĐH Hồng Đức đang làm nghiên cứu sinh. Chị cho biết: những tài liệu chị cần cho việc tham khảo làm luận án tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học xã hội của mình dù đã đi hỏi khắp các nhà sách lớn nhưng đều không có, bởi vậy chị buộc phải tìm mượn chúng ở Thư viện tỉnh. Tuy nhiên, mượn tại thư viện thì thời gian lại bị hạn định.

Tương tự, bạn Nguyễn Phương Trang, sinh viên Trường ĐH Hồng Đức cũng cho biết: phần lớn các tài liệu phục vụ cho việc học, tham khảo, nghiên cứu của mình đều phải tìm mua theo kênh trong trường, hoặc gửi bạn học ngoài Hà Nội mua giúp, hầu hết các nhà sách đều không có.

Và trong vai trò khách hàng đi tìm mua một số cuốn sách trong lĩnh vực lễ hội, di tích… đến các nhà khách thì phóng viên cũng nhận được những cái lắc đầu cùng lời ngỏ: nếu thực sự cần thì đặt để nhà sách tìm giúp ở những nơi khác.

Nói về sự “khan hiếm” của một số dòng sách chuyên biệt trên kệ nhà sách, anh Phạm Văn Tuấn, cửa hàng trưởng nhà sách Fahasha thẳng thắn cho biết: các dòng sách chuyên biệt đó phần đa nhu cầu chỉ tập trung ở một nhóm đối tượng, số lượng không nhiều bởi vậy nếu nhập về kinh doanh thì khả năng bị “xếp giá phủ bụi” là rất cao.

Trong khi đó, dù kinh doanh lĩnh vực văn hóa đọc nhưng suy cho cùng thì các nhà sách vẫn là những đơn vị kinh doanh, phải đặt “lợi nhuận” lên trên hết, có như vậy mới duy trì được hoạt động bền vững. Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng, các loại sách chuyên biệt được in với số lượng rất hạn chế, chủ yếu lưu thông qua các kênh thư viện, biếu, tặng… nên không có nhiều nguồn hàng để nhà sách nhập về.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]