(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đây là tên cuộc triển lãm của các họa sĩ trẻ xứ Thanh vừa khai mạc tối 17/11 tại Trung tâm Triển lãm và xúc tiến Du lịch do Hội VHNT, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa phối hợp tổ chức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những con đường của cuộc sống

(VH&ĐS) Đây là tên cuộc triển lãm của các họa sĩ trẻ xứ Thanh vừa khai mạc tối 17/11 tại Trung tâm Triển lãm và xúc tiến Du lịch do Hội VHNT, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa phối hợp tổ chức.

So với hai lần trước, đến lần thứ 3 này, các thành viên CLB họa sĩ trẻ Lam Sơn tham dự với số lượng thành viên lớn hơn. Điều đáng nói là những tác phẩm này hoàn toàn nóng hổi, căng tràn sự sống và có những tổn thức suy tư về cách nhìn cách nghĩ.

BTC và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Có thể nói, khi nhận được giấy mời tôi vẫn nghĩ hoàn toàn đây chỉ là cuộc triển lãm mang tính phong trào để kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam và Ngày thành lập ngành Mỹ thuật. Tuy nhiên, khi xem tranh mới nhận ra không cần gạn đục khơi trong, bằng nhãn quan của một người bình thường cũng dễ vui khi có nhiều tranh rất đáng xem. 29 gương mặt họa sĩ, nhà điêu khắc đang sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa và 9 họa sĩ khách mời đang sinh sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội đã làm cuộc triển lãm sinh khí hơn.

Những gương mặt nghệ sĩ có hình hài, có tiếng nói trong những tác phẩm của mình, ngoài một số họa sĩ ở Thanh Hóa như: Bùi Thị Ngoan, Lê Hải Anh, Phạm Văn Thắng, Nguyễn Hoàng Linh... khỏi phải nói về những cái tên như Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Thái Học, Trương Tiến Trà… tranh của họ đã khẳng định lý do tại sao họ thành đạt và có vị trí trong giới mỹ thuật trẻ Việt Nam.

Theo họa sĩ Lê Hải Anh - Phó chủ nhiệm CLB họa sĩ trẻ Lam Sơn: “Thực ra họa sĩ trẻ vẫn chưa có sự cởi mở, chính vì thế chất lượng tranh chưa cao nhưkỳ vọng. Tuy nhiên cũng cần phải khẳng định chỉ trong 3 năm trở lại đây mỹ thuật trẻ Thanh Hóa mới dám tham gia các cuộc thi”.

Có lẽ cái tâm lý ấy đã khiến các họa sĩ đang sống và làm việc ở Thanh Hóa không thể bung phá hết mình. Những bức tranh trừu tượng vẫn chưa đẩy hết biên độ, thậm chí nhiều bức tranh còn thật thà, đơn giản.

"Những con đường của cuộc sống" chắc chắn là cuộc triển lãm của người trẻ. Đơn giản người thưởng thức không buộc phải xem quá nhiều những đề tài quen thuộc, nhàm tẻ. Hầu hết các họa sĩ đã hướng đến đề tài đương đại, thậm chí là những đề tài nổi cộm và nóng hiện nay. Với lời giới thiệu: Bằng những tác phẩm đầy suy tư và khát vọng về vọng về cuộc sống hôm nay và ngày mai, các nghệ sĩ trẻ đã khẳng định sự vươn lên trong nhận thức tư tưởng, trong bản lĩnh sáng tạo, khẳng định sự đóng góp tích cực của những người sáng tác nghệ thuật trẻ trong văn học nghệ thuật đương đại Thanh Hóa; có cảm giác như các tác giả muốn nói nhiều thứ nhưng chưa nói được. Cái chưa nói được ở đây thực tế ngoài nỗi sợ đã trở thành lối mòn trong suy nghĩ, thì nguyên nhân chính yếu vẫn là từ chủ quan các tác giả chưa dám nói và chưa nói hết bằng ngôn ngữ hội họa.

Nhạc sỹ Đồng Tâm - Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa trao giải đồng hạng cho các tác giả tham gia triển lãm.

Thêm một lý do để thấy sinh khí của người trẻ. Đó là ngoài sự hỗ trợ một nguồn kinh phí rất nhỏ của Hội VHNT Thanh Hóa thì các họa sĩ phải tự lo liệu hết tất cả mọi chi phí để đến với triển lãm. Anh Phạm Văn Thắng - Chủ nhiệm CLB họa sĩ trẻ Lam Sơn chạy đôn chạy đáo, lo từ khâu nhỏ nhất như thiết kế giấy mời, lựa chọn người viết giấy mời. 9 họa sĩ trẻ Thanh Hóa đang sống ở Hà Nội đã thể hiện sự nhiệt tình và nghiêm túc. Trương Tiến Trà cùng các họa sĩ mang tranh về từ mấy ngày trước, đến ngày khai mạc các anh cũng đã có mặt. Không chỉ nhằm mục đích giao lưu, đây còn là cơ hội để các họa sĩ trẻ khác học hỏi về nghề, đồng thời cũng kích thích sự bay bổng của các nghệ sĩ đang sống ở “quê nhà”.

Khi tôi hỏi: Nếu được lựa chọn một cái tên họa sĩ trẻ yêu thích ở Thanh Hóa anh sẽ chọn ai? Một họa sĩ đã trả lời tôi: Có những địa phương xét về mặt phong trào không có thành tích gì, nhưng họ lại có những cá nhân xuất sắc. Điều cần nhất ở mỹ thuật Thanh Hóa lúc này là tìm ra gương mặt xuất sắc.

Điều đó có thể rất khó, nhưng với sự nhiệt huyết của các họa sĩ trẻ lại thêm sự tận tâm của một người chi hội trưởng Chi hội mỹ thuật Việt Nam ở Thanh Hóa như họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn, hy vọng mỹ thuật Thanh Hóa sẽ có lớp họa sĩ trẻ lấy lại và khẳng định vị thế, để họ không phải là đối tượng thường xuyên được đem ra so sánh với một lớp cha chú hầu hết là những người đã từ lâu không còn sáng tạo.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]