(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phi-líp-pin, tối 18/8, tại Nhà hát Lam Sơn (TP Thanh Hóa), Bộ VH,TT&DL phối hợp với Ủy ban quốc gia về Văn hóa và Nghệ thuật Cộng hòa Phi-líp-pin, Đại sứ quán Cộng hòa Phi-líp-pin tại Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Những ngày văn hóa Phi-líp-pin tại Việt Nam”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ngày văn hóa Phi-líp-pin tại Việt Nam: Tình yêu sẽ trở lại

(VH&ĐS) Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phi-líp-pin, tối 18/8, tại Nhà hát Lam Sơn (TP Thanh Hóa), Bộ VH,TT&DL phối hợp với Ủy ban quốc gia về Văn hóa và Nghệ thuật Cộng hòa Phi-líp-pin, Đại sứ quán Cộng hòa Phi-líp-pin tại Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Những ngày văn hóa Phi-líp-pin tại Việt Nam”.

Âm nhạc như một thứ ăn sâu vào máu thịt của người Phi-líp-pin. Trên đất nước này từ bác tài xế taxi đến cô bán trái cây ở sạp chợ thậm chí chỉ cần lòng vòng ngoài phố bạn có thể được nghe nhạc miễn phí cả ngày. Do chịu ảnh hưởng văn hóa từ Mỹ và các nước phương Tây nên người dân ở đây ngoài âm nhạc truyền thống thì họ rất chuộng các thể loại nhạc Âu Mỹ sôi động.

Đến với Việt Nam, với xứ Thanh lần này, các nghệ sĩ Phi-líp-pin lại giới thiệu một gương mặt khác của âm nhạc, một góc khác trong nền văn hóa của họ. Không xô bồ, không pha tạp đó là điều đầu tiên tôi cảm nhận được khi xem và nghe “Những ngàyvăn hóa Phi-líp-pin tại Việt Nam”. Rất nhiều người mong chờ một sự hoành tráng của chương trình, với vô vàn những đạo cụ, những màn múa rộn ràng, hay ít nhất là một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu. Và có lẽ sự thất vọng hiển hiện trên gương mặt của một số ít người.

Tuy vậy, ngay từ khi tiếng guitar vang lên, không gian nhà hát chùng xuống, khán giả được âm nhạc của J.S. Bach dẫn dụ qua bàn tay điêu luyện của nghệ sĩ C.A Juaz. 12 nghệ sĩ tham dự chương trình đã mang đến cho người xem đầy đủ không khí của văn hóa của một đất nước. Có thể không phải là những nghệ sĩ hot nhưng tôi chắc chắn họ là những nghệ sĩ trẻ tài năng. Trong đó là 11 nghệ sĩ chơi các loại nhạc cụ như violin, cello, guitar, piano, sáo, viola...

Một tiết mục đặc sắc tại chương trình. (ảnh: Ngọc Huấn)

Họ là những người còn rất trẻ và đã được nhận các giải thưởng lớn trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế. Mỗi người đã nhẹ nhàng giới thiệu với khán giả Thanh Hóa một không gian âm nhạc cổ điển. Và chỉ có thực sự để cho âm nhạc tan chảy róc rách như tiếng sáo, lướt nhẹ như tiếng piano, da diết như tiếng violin và dịu dàng như tiếng guitar thì khán giả mới có thể sống thực sự trong không gian đó.

Điều bất ngờ và hấp dẫn khán giả xứ Thanh nhất có lẽ là giọng nữ cao của nghệ sĩ Stephanie Aguilar. Cô đã có những chuyến lưu diễn với tư cách là solo giọng nữ cao trong các buổi hòa nhạc ở Nhật Bản; Singapore. Cô đã có buổi biểu diễn solo đầu tiên trong chuỗi hòa nhạc của các nghệ sĩ trẻ thuộc Dàn nhạc Thính phòng Manila vào năm 2014. Còn rất trẻ Stephanie Aguilarđã thu phục khán giả ở kỹ thuật hát. Với phần trình diễn tác phẩm Sa Nayon Ko, cô có sự chuyển giọng điêu luyện tạo cho giai điệu nghe tươi mới với phần chơi chạy đuổi giữa giọng hát và sáo tạo nên sự đối thoại âm thanh thú vị cùng với hòa âm sinh động từ phần đệm piano. Càng cuối tác phẩm, người nghe đều nhận ra sự cao trào qua kỹ thuật ngân rung của nghệ sĩ này. Hay như trong tác phẩm Mutya ng Pasig, với câu chuyện kể về đất nước đã từng bị đánh mất trong tay thực dân, than khóc về tình yêu bị tan vỡ, dẫn đến đất nước bị suy sụp. Giọng ca của Stephanie Aguilar đã giúp khán giả Việt Nam nói chung và khán giả Thanh Hóa chìm đắm trong không gian văn hóa của đất nước Phi-líp-pin và trong không gian âm nhạc.

Với điều kiện tự nhiên và đời sống không thuận lợi; người dân sống trong cảnh nghèo đói và bươn chải nhưng họ sẵn sàng chấp nhận, không hề than vãn về những lo lắng mưu sinh trong cuộc sống. Người ta cảm nhận được sự vui vẻ và hài lòng từ sâu trong ánh mắt của họ, chính là nhờ âm nhạc. Âm nhạc không những giúp họ sạch sẽ trong tâm hồn mà còn giúp xua tan mọi khoảng cách.

Nhờ âm nhạc, chỉ với một khoảng thời gian ngắn, trong một không gian nhỏ nhắn xinh xắn của Nhà hát Lam Sơn, nhưng khán giả xứ Thanh phần nào cảm nhận được về đất nước con người và văn hóa Phi-líp-pin. Có lẽ tình yêu của khán giả xứ Thanh cho một đất nước này chưa thật đậm sâu, nhưng tôi hy vọng sẽ lan tỏa. Để rồi có một ngày tình yêu đó sẽ quay trở lại nơi này, để một ngày nào đó chúng ta lại được tiếp đón những người bạn Phi-líp-pin. Giống như những giai điệu trong bài hát cuối cùng của Chương trình Những ngày văn hóa Phi-líp-pin tại Việt Nam: Nếu bạn muốn khôi phục quốc gia của chúng tôi, tình yêu cũng phải được trở lại.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]