(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghề báo đến với tôi như một cái duyên. Mặc dù là lấn sân nhưng khi đã dấn thân vào nghề, càng làm tôi càng thấy say mê.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Niềm vui khi gặp nghệ nhân dân gian

Nghề báo đến với tôi như một cái duyên. Mặc dù là lấn sân nhưng khi đã dấn thân vào nghề, càng làm tôi càng thấy say mê.

Đối với phóng viên phụ trách mảng văn hóa, điều tâm đắc với tôi là những chuyến đi đến các huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Bản thân được khám phá nhiều danh lam thắng cảnh, hiểu hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa của cha ông; đồng thời được hòa mình trong nhiều lễ hội đặc sắc với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian vẫn đang được bảo tồn và phát huy. Mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi những kỷ niệm. Và một trong những kỷ niệm đẹp đó chính là việc được gặp, nghe câu chuyện kể của các nghệ nhân dân gian trong việc khôi phục, gìn giữ các bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Nhà báo Thu Thủy.

Cách đây khoảng 3 năm, khi thực hiện loạt bài về “Gian nan bảo tồn nghệ thuật truyền thống”, tôi đã rất vui khi được gặp rất nhiều nghệ nhân trong tỉnh để hiểu hơn về các bộ môn nghệ thuật truyền thống ông cha để lại. Người đầu tiên tôi gặp là nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình. Lúc này ông đã bước bước sang tuổi 91 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn và “say” ca trù. Điều tôi khâm phục ở ông không phải bởi ông vừa đánh đàn, vừa hát nhiều điệu hát cổ như cung bắc, thiên thai, hát ru, đại thạch, bỏ bộ... mà ông còn viết nhiều lời mới cho làn điệu ca trù. Không chỉ “say” ca trù mà bằng cái tâm của mình ông đã có nhiều cách làm “độc nhất vô nhị” để truyền lại sự yêu thích, niềm đam mê đối với bộ môn ca trù này cho tất cả mọi người.

Từng nghe kể về ông nhiều, nhưng khi được gặp và nghe câu chuyện từ ông kể về câu chuyện đến với ca trù và việc truyền dạy nghề của ông cũng khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Bởi cách gìn giữ và truyền dạy nghề của ông có lẽ hiếm người làm được. Khi còn khỏe, ông làm nghề quay tông đơ, mài dao kéo trên phố Lê Hoàn để duy trì hoạt động của CLB dân ca và Ca trù Thành Hạc (TP Thanh Hóa). Thậm chí trước buổi đi thi do kinh phí của CLB có hạn hẹp, ông lại bỏ tiền túi của mình lo cho hội viên CLB. Không tính toán thiệt hơn, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với ông, đó chính là những tấm huy chương vàng trong các hội diễn cấp Quốc gia. Rồi khi về sống trong ngôi nhà nhỏ vui vầy với con cháu, ông lại treo biển “Dạy nghề miễn phí cho những ai có nhu cầu” và thậm chí nhờ người lên mạng để tìm người học. Và nếu không có sự yêu nghề, đam mê với nghề, chịu hi sinh vì nghề thì tôi tin rằng khó có ai có thể làm được như cụ.

Và rồi tôi cũng được gặp và trò chuyện thêm nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Chi, hay còn gọi là ông Chi chèo ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa. Ông là người có thể biểu diễn thành thạo tới 30 làn điệu chèo cổ, đồng thời có khả năngsử dụng điêu luyện nhiều loại nhạc cụ dân tộc gắn với bộ môn chèo như: Sáo, nhị, đàn nguyệt... Không chỉ truyền dạy nghề cho những hội viên trong CLB nghệ thuật dân gian thị trấn Bút Sơn, mà ông còn sẵn sàng lên đường để truyền dạy cách chơi nhạc cụ dân tộc, các điệu múa, hát chèo cho những người yêu chèo khắp mọi nơi. Đi từ bất ngờ nay đến bất ngờ khác, tôi nghe câu chuyện của ông thật mà như đùa bởi sự “chịu chơi” của ông. Bởi ông làm được bao nhiêu thì dốc hết để đầu tư cho nghệ thuật, mua nhiều loa, đài, các loại nhạc cụ đàn, trống.

Trong loạt bài này, tôi cũng được gặp rất nhiều nghệ nhân khác hy sinh hết mình vì các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đó là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hương (nghệ danh Thiên Hương), là người đã có nhiều công đóng góp trong việc khôi phục, gìn giữ bộ môn nghệ thuật chèo, tuồng và xẩm; nghệ nhân ưu tú Bùi Xuân Hùng với trò Xuân Phả. Được trực tiếp gặp, nghe câu chuyện kể về việc khôi phục, gìn giữ giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại, tôi càng thêm yêu quý, trân trọng về sự tâm huyết và những đóng góp của các nghệ nhân cho nghệ thuật trình diễn dân gian này.

Phần lớn những nghệ nhân này đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, người ít tuổi cũng đã bước qua tuổi tứ tuần. Phần lớn là những người không có lương nhưng bằng niềm đam mê, sự tâm huyết, các nghệ nhân vẫn miệt mài sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc và truyền lại cho mai sau “hồn cốt” của dân tộc là việc làm rất đáng trân trọng.

Sau chuyến gặp gỡ đó, mỗi khi có có dịp tôi lại đến nhà hỏi thăm sức khỏe cũng như gia đình của các nghệ nhân. Và nếu không làm báo, không có những chuyến đi thực tế ấy thì tôi khó có cơ hội để gặp gỡ, trò chuyện và hiểu hơn về những “báu vật nhân văn sống” này. Chính họ là những người đã, đang gìn giữ, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống, góp một phần quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa của người xứ Thanh.

Thu Thủy


Thu Thủy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]