(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau tập truyện ngắn "Chuông chùa đồng vọng" (NXB Quân đội nhân dân, 2016) thì nữ nhà văn Ngân Hằng lại đến với độc giả bằng tập truyện và ký "Ngôi nhà ba lá" (NXB Quân đội nhân dân, 2020). Truyện ngắn của Ngân Hằng luôn gây được ấn tượng mạnh mẽ bởi một cách nhìn nhận và lý giải về thân phận con người mang dấu ấn riêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thân phận con người và nghệ thuật dùng từ láy trong truyện ngắn của Ngân Hằng

Sau tập truyện ngắn "Chuông chùa đồng vọng" (NXB Quân đội nhân dân, 2016) thì nữ nhà văn Ngân Hằng lại đến với độc giả bằng tập truyện và ký "Ngôi nhà ba lá" (NXB Quân đội nhân dân, 2020). Truyện ngắn của Ngân Hằng luôn gây được ấn tượng mạnh mẽ bởi một cách nhìn nhận và lý giải về thân phận con người mang dấu ấn riêng.

Thân phận con người, dù ở thời kỳ nào, luôn là đề tài được các nhà văn quan tâm với ý thức trách nhiệm cao cả của người cầm bút. Giữa thời hiện đại, khi sự phân hóa giàu nghèo càng trở nên rõ rệt, tệ nạn xã hội bủa vây, rình rập thì thân phận con người càng phải được nhận diện một cách đầy đủ trong muôn mặt của đời sống phong phú, đa dạng. Cùng với các nhà văn đương đại, nữ nhà văn Ngân Hằng đã góp thêm một tiếng nói, một sự phản ánh sâu sắc, đa chiều về cuộc sống và con người... Truyện ngắn chị chính là sự phát hiện ra bản chất, nguyên nhân của những thân phận con người với một cách nhìn riêng.

1. Có thể nhận thấy ngay rằng, hầu hết các nhân vật chính trong truyện ngắn của Ngân Hằng đều là những người phụ nữ phải chịu số phận khổ đau, bất hạnh. Nhưng cũng chính từ trong những khổ đau bất hạnh đó, họ lại ngời sáng lòng yêu thương, nhân văn hơn bao giờ hết. Mỗi nhân vật phụ nữ là một số phận, một cuộc đời mỏng manh, may nhờ rủi chịu. Những bất hạnh của họ là do hậu quả của chiến tranh, do những tác động xã hội như nạn cờ bạc, lô đề, đào vàng trái phép, đô thị hóa...biến họ thành những người tàn tật, những người vợ góa khi tuổi còn xuân. Nhưng theo sự diễn biến của cốt truyện, cuối tác phẩm các nhân vật đều được thấy ánh sáng phía chân trời, một cách kết mang tính hướng thiện và có hậu. Bởi chính những phụ nữ ấy đã phải gồng lên để chống chọi với cái ác, cái xấu (Sân ga hội ngộ). Chính họ đã dám dứt bỏ cái định kiến lạc hậu để được sống là chính mình (Cà phê nhì nhằng chuyện)...

Trong các truyện ngắn của Ngân Hằng, cái ác, cái hèn nhát, cái bất lương, tầm thường... được núp bóng trong những nhân vật phụ, vai phụ. Nhưng lại đại diện cho những tệ nạn xã hội để vùi dập tình yêu và hạnh phúc của những người phụ nữ. Đó là một anh chồng đánh bạc, thua lỗ phải bán nhà trong phố để mua ra ngoại ô (Cà phê nhì nhằng chuyện). Một ông bố trịch thượng gia trưởng đòi bán cả căn hộ của con gái trên phố vì vỡ hụi; và thằng con trai cờ bạc, buôn đất, cá độ phải vào tù cùng lúc vợ bị sảy thai, khi anh ta biết hối hận thì tất cả đã muộn rồi (Xúc xắc mặt người). Một anh chồng khác bỏ cả bằng đại học đi theo đám đào vàng trái phép, bị chết vì sập hầm để lại vợ góa con côi bơ vơ giữa sân ga trong đêm giao thừa (Sân ga hội ngộ)...

Tệ nạn xã hội như một cái bẫy gài sẵn cho những ai nhẹ dạ, thiếu bản lĩnh, ham chơi, hư hỏng. Truyện ngắn của Ngân Hằng còn là một lời cảnh tỉnh cho những hiểm họa luôn rình rập ấy.

2. Tiếp cận với lối viết truyện ngắn của Ngân Hằng người đọc sẽ nhận ra những cốt truyện đơn giản nhưng nhiều chi tiết, tình huống. Chính các tình huống truyện được tác giả khéo léo tạo nên kịch tính và sự hấp dẫn riêng cho mỗi câu chuyện. Chẳng hạn phần cuối truyện Sân ga hội ngộ, cuộc gặp gỡ bất ngờ như một định mệnh giữa hai con người đã từng là tình địch của nhau, vậy mà họ đã tha thứ cho nhau giữa thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Trong Ngôi nhà ba lá, sự xuất hiện của nữ đồng đội của mẹ đã làm cho nhiều người bất ngờ, khó chịu. Nhưng rồi, khi đã hiểu ra thì tất cả đã tạo nên một không gian cho những liên tưởng, hồi ức đầy ắpnhân văn.

Do dung lượng phản ánh và đặc điểm thi pháp truyện ngắn, việc miêu tả tâm lý nhân vật thường bị giới hạn, nên nhân vật truyện ngắn thường mờ nhạt (trừ những truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân, Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê...). Với Ngân Hằng, chị đã dành ưu tiên cho miêu tả tâm lý nhân vật. Đây là tâm trạng của nhân vật nàng sau khi bị đánh ghen: “Còn lại mình nàng, cảm giác tủi nhục, cảm giác đớn hèn khiến tâm trí nàng như tê dại đi. Nàng ôm lấy ngực, sự tức tưởi cứ nhói lên. Bóng tối ôm trọn lấy nỗi đau đớn... Nàng muốn đi thật xa, nơi không có những đôi mắt sắt xói nhìn nàng...” (Sân ga hội ngộ).

Ấn tượng nhất khi đọc truyện ngắn của Ngân Hằng còn là sự tiếp nhận một hệ thống từ láy mới mẻ do chị sáng tạo ra.

Tiếng Việt với đặc điểm là loại hình ngôn ngữ đơn lập, một lợi thế để tạo ra những lớp từ mới, đặc biệt là từ ghép và từ láy. Từ láy có sức gợi hình, gợi tả rất lớn. Trong những ngữ cảnh cụ thể, việc sử dụng các dạng thức láy phù hợp sẽtạo nên sự biểu cảm mãnh liệt và tinh tế... Tác giả Ngân Hằng trong những truyện ngắn của mình đã tạo nên nhiều từ láy bất ngờ, thú vị, góp phần tô đậm chi tiết, cảm xúc, tâm lý nhân vật. Nếu làm một công trình nghiên cứu về từ láy trong sáng tác của Ngân Hằng thì cũng là một đề tài khá hấp dẫn và cần thiết.

Ở đây, Ngân Hằng không lặp lại các từ láy đã có sẵn trong kho tàng ngôn ngữ dân tộc. Sáng tạo ra những từ láy mà vẫn rất gần gũi và chuyển tải đến người đọc nội dung cần biểu đạt. Đây là một dụng ý trong quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn. Có thể thống kê hàng loạt ví dụ về cách sáng tạo từ láy của Ngân Hằng: tiếng chị dỏn dẻn (chứ không là thỏ thẻ), cơn ngủ nhàu nhạu ập xuống mắt, tôi nhìn chồng ngần ngật niềm xót xa, cô lôi tôi lệch phệch ra khỏi nhà, tiếng cô Hoa “chích” vanh vảnh, tay chân quờ quạng, dẩn dơ đến lạ, thơm lừng lựng, chứng kiến sự hếch hoác, những đứa trẻ lon chon, đám giang hồ hămhe... Những từ láy này rất đáng suy ngẫm về khả năng gợi hình, gợi cảm. Từ hai tiếng không có nghĩa, khi kết hợp với nhau theo quy tắc láy âm hay láy vần để có thêm từ mới và mang nét nghĩa mới. Những từ mới này được cộng đồng chấp nhận, sử dụng thì nó trở thành tài sản chung. Và đó là đóng góp của nhà văn nói riêng về mặt ngôn ngữ.

Hy vọng nữ nhà văn trẻ Ngân Hằng bên cạnh việc phát triển các kĩ năng viết truyện ngắn để ngày càng hay hơn thì cũng đồng thời phát huy năng lực sáng tạo ngôn từ để tiếng Việt luôn lấp lánh trong những trang văn của chị.

Lê Xuân Soan


Lê Xuân Soan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]