(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nghe nói đoàn chúng tôi gồm những người yêu văn chương tới thăm, nhà thơ Hữu Loan ra tận ngõ tiếp đón, ông người gầy dáng cao, tóc bạc như tiên ông, đôi mắt có ánh nhìn thiêu cháy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm lại bóng người

(VH&ĐS) Nghe nói đoàn chúng tôi gồm những người yêu văn chương tới thăm, nhà thơ Hữu Loan ra tận ngõ tiếp đón, ông người gầy dáng cao, tóc bạc như tiên ông, đôi mắt có ánh nhìn thiêu cháy.

Nhà thơ Hữu Loan.

Tôi đã hai lần về thăm quê Hữu Loan. Bài thơ Màu tím hoa sim của ông đã được lũ học trò đọc chuyền tay. Những câu thơ... Tôi về/ không gặp nàng/ Má tôi ngồi bên mộ con/ đầy bóng tối/ Chiếc bình hoa ngày cưới/ thành bình hương/ tàn lạnh/ vây quanh... mãi còn ám ảnh thế hệ chúng tôi. Thời đó, bài thơ này không được phổ biến rộng rãi vì chiến tranh phá hoại của Mỹ đang diễn ra ác liệt trên toàn miền Bắc.

Thăm quê Hữu Loan lần đầu, tôi đi cùng nhà thơ Văn Đắc. Lối vào nhà ông là một con ngõ nhỏ khá sâu. Nhà có ao vườn, cây cối mọc lên nương tựa dằng dịt như người dân xóm quê; nhưng ấn tượng phải kể là cây dừa thân dưới ôm già nửa vòng tay, da mốc trắng, dáng thẳng cao ngất phía trước sân. Nghe bà con ở đây kể, lúc vào tuổi tám mươi, cụ Tú vẫn khoẻ trèo dừa hái quả, con cái phải lạy xin cụ mới xuống; họ còn kể thêm cụ Tú người văn nhưng tướng võ, thời làm gia sư cho một nhà giàu trên tỉnh, anh giáo người quê này có lần bị mất việc, bởi dám xô ngã lão chủ nhà, khi nhìn thấy cảnh lão bà đánh đuổi định nuốt tiền công của một bé làm thuê.

Nghe nói đoàn chúng tôi gồm những người yêu văn chương tới thăm, nhà thơ Hữu Loan ra tận ngõ tiếp đón, ông người gầy dáng cao, tóc bạc như tiên ông, đôi mắt có ánh nhìn thiêu cháy. Văn Đắc nhanh tay lấy chiếc chiếu nơi đầu giường trải xuống nền nhà, nhà thơ Hữu Loan mời mọi người vào chỗ và ông là người ngồi sau cùng. Cũng không ai ngờ đó lại là lần cuối chúng tôi được gặp ông, gần bốn năm sau - ngày 18/3/2010 - nhà thơ Hữu Loan đã đi vào cõi người hiền. Mộ phần của ông đã được con cháu xây cất, lưng dựa vào núi, hướng nhìn phía sông Hoạt, triền đồi chẳng thấy hoa sim - những đồi hoa sim tím - mà chỉ có hoa mua tím ngắt phủ dọc triền đồi.

Lần sau về thăm quê nhà thơ, không còn sự bỡ ngỡ nhưng thêm nỗi bâng khuâng trước cái được cái còn của một kiếp người. Bạn tôi - Mai Thế Dương là tay lái cứng - anh là con cô con cậu với Hữu Loan. Dương gọi ông theo cách của người nhà là bác Tú. Xe mới lăn bánh được vài phút, anh đã rủ rỉ dốc bầu tâm sự, bác Tú làm thơ không nhiều, và chỉ thực sự chói sáng ở một số thi phẩm như Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Thánh mẫu hài đồng... nhưng cuộc đời, văn nghiệp thì đầy trắc ẩn, bác tham gia khởi nghĩa tại quê, đầu Cách mạng làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến lâm thời của tỉnh Thanh Hóa; vào quân ngũ thuộc biên chế sư đoàn 304; năm 1954 về Hà Nội làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam, 1958 rời bỏ công việc để về cày ruộng thồ đá tại quê. Biết tôi muốn tìm hiểu sâu kỹ ngành ngọn gia cảnh bác Tú, Dương đưa tôi tới thăm nhà người con rể của bác - anh Mỵ Duy Soạn - chị Hương vợ anh là con gái đầu của bác, hiện chị là giáo viên môn Ngữ văn. Nghe Dương kể, anh Soạn xưa học giỏi, được cử đi du học ở Ba Lan, sau không rõ lí do gì phải về nước làm dân tự do. Anh Soạn có thể dạy luyện thi cả bốn môn Văn, Toán, Lý, Hoá, bọn trẻ xóm quê rất mê lối giảng bài của anh. Anh chị sống trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng. Tôi đang băn khoăn sao danh tiếng như cụ Tú Loan lại có chàng rể một thời cù bơ cù bất, tính khí lại kiêu bạc lất ngất thì cũng vừa lúc chị Hương ở trường về. Thấy chúng tôi, chị vội xuống xe vào nhà tìm ấm đun nước, anh Soạn phải tạm cho học trò nghỉ giải lao để sắp lại bàn trà tiếp khách. Tôi hỏi Hương chắc chị được người cha hướng cho nghiệp dạy văn học, chị lắc đầu nói, cha phải vất vả nuôi mười anh chị em tôi, nên ông chẳng có thì giờ rỗi rãi răn dạy sự đời cho con cái, cha là người không ưa sự sắp đặt, ông thích sự phát triển tự nhiên. Thấy như tôi còn băn khoăn, Hương nói thêm, anh Soạn đến với chị không việc làm, không bằng cấp, nhưng cha mẹ lại thương anh nên thuận ý cho thành vợ chồng.

Trên đường trở lại thành phố, Dương còn bật mí thêm, bác Tú học giỏi tài hoa lại điển trai, gái trong làng khối em mê, việc đi bước nữa của bác sau khi người vợ đầu đuối nước là cả một vấn đề. Người vợ sau của bác Tú là con ông Ký Thành từ Thái Bình vào Thanh Hoá ngụ cư, tính khí ông Ký điềm đạm, không làm điều gì gian ác, quanh năm chỉ làm một việc là bán rượu do người Pháp cung cấp nên được gọi là Ký rượu. Vậy nên, ông có điều kiện giao du với tầng lớp quan lại của chính quyền cũ và được bầu làm “Tỉnh hạt hội viên” huyện Nga Sơn. Ông Ký Thành, do vậy mà đã trở thành cụ Hội Thành. Dựa theo lời kể của Dương thì điều đáng nói là, hai người vợ của Hữu Loan đều xuất phát từ thành phần thuộc tầng lớp “trên” trong xã hội cũ, vợ đầu là cô Lê Thị Đỗ Ninh con ông Lê Đỗ Kỳ, Tổng Thanh tra Nông Lâm Đông Dương, sau này là đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; và vợ sau, xuất thân từ gia đình có máu mặt nhất nhì hàng tổng. Rõ ràng cái sự Ngông của Hữu Loan đã ẩn tàng ngay cả trong việc chọn bạn trăm năm cũng như chấp nhận tìnhduyên của con cái.

Nhà thơ Lê Quang Sinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Nhà văn kể lại, một lần ông về gặp con cháu Hữu Loan mong tìm lại những kỷ vật cho bảo tàng thì được biết, sau khi mai táng, gia đình tìm người nhờ đốt các vật dụng như quần áo, giường ghế, cái xe đạp thồ đá,…của nhà thơ lúc sinh thời thì nhờ đến bốn năm người không ai dám nhận. Người nhà đành gói ghém cất kỹ trong góc nhà, có người bảo linh hồn ông không cho đốt. Thật may mắn cho hậu thế yêu văn học, bên cạnh Hữu Loan thi phẩm, những kỷ vật trân quý về nghiệp về đời của ông do vậy mà vẫn còn, nó đã góp phần phản ánh đời sống cùng phẩm giá của văn nghệ sỹ một thời.

Suy ngẫm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, ta thấy hiện lên thật sáng rõ một Hữu Loan thẳng thắn, ngang tàng, không cầu danh lợi, một Hữu Loan gian nguy lòng không nhạt (thơ Hữu Loan), có bản tính kẻ sỹ, không chấp nhận sự bày đặt cũng như điều giả dối. Ai đó thật có lý, khi đã gắn mác cho ông là nhà thơ “Ngang” cùng sự “Ngông” đậm đặc căn tính người xứ Thanh. Và, nếu có cái gọi là số mệnh cùng đức năng thắng số thì minh chứng rõ nhất -thơ Hữu Loan, tinh thần và cốt cách thi nhân Hữu Loan - luôn hiện hữu trong nền văn học nước nhà.

Lê Vạn Quỳnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]