(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực tiễn cuộc sống và sử sách xưa nay đều khẳng định vai trò to lớn của giáo dục gia đình, đặc biệt là vai trò của người cha trong giáo dục con cái.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vai trò dạy học của người cha trong sử sách

Thực tiễn cuộc sống và sử sách xưa nay đều khẳng định vai trò to lớn của giáo dục gia đình, đặc biệt là vai trò của người cha trong giáo dục con cái.

Lịch sử Việt Nam và lịch sử ngành giáo dục nước nhà cũng đã khẳng định nhiều người cha đã hoàn thành xuất sắc vai trò vị trí trách nhiệm và bổn phận của mình. Đó là những tấm gương sáng soi để lại trong lịch sử như: Trần Quốc Tuấn, Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Sinh Sắc... Họ đã làm tròn nghĩa vụ một người cha và tư cách của vị quan trong xã hội. Văn học dân gian, kho tàng trí tuệ của người Việt Nam cũng dành nhiều câu ca ngợi thiên chức và công lao to lớn của người cha:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Núi cao biển rộng bao la

Làm sao cho xứng mới là đạo con

Hay:

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Một trong cách dạy học có hiệu quả nhất của người cha là sử dụng "kỷ luật sắt” và sự nghiêm khắc.

Trong cuốn sách “Văn hóa Việt Nam những điều học hỏi”- NXB Văn hóa Thông tin, Nhà nghiên cứu Văn hóa Vũ Ngọc Khánh đã nêu ra hai gương điển hình:

“Lịch sử thường nhắc nhiều đến câu chuyện của Trần Quốc Tuấn dưới triều đại nhà Trần. Ông là vị anh hùng có công lao lớn, có uy tín khắp cả nước, hơn cả các vua Trần. Một số người đã có ý khuyên ông nên giành lấy ngôi vua. Ông hỏi ý kiến các con, thì có một người tán thành điều đó, Trần Quốc Tuấn đã nổi giận rút gươm ra toan chém con. Nhiều người khuyên can, ông không giết con nữa, nhưng ra lệnh từ đó cấm cửa, không cho gặp ông. Thậm chí ông còn bảo khi ông sắp mất không được cho người này vào xem mặt. Ông không dung túng cho sự phản bội, cho những âm mưu gây loạn, để giành lấy phú quý, để cướp ngai vàng. Sự nghiêm khắc của ông được lịch sử ca ngợi và thán phục". Ông để lại nhiều chiến công hiển hách và tấm gương ngời sáng về lòng Trung quân ái quốc.

Lịch sử dân tộc cũng để lại gương của Nguyễn Phi Khanh thấm thía mà sâu sắc. Khi Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt giải đến Ải Nam quan. Nguyễn Trãi đi theo nguyện ở bên cha chăm sóc, khóc lóc van xin cha cho thực hiện để báo hiếu. Nguyễn Phi Khanh đã bảo con: Hãy quay về tìm đường cứu nước, chứ đi theo làm gì. Nguyễn Trãi đã nuốt nước mắt, gác lại nỗi niềm riêng quay về luyện tâm rèn chí chờ cơ hội. Hay tin Lê Lợi, người anh hùng áo vải dấy binh khởi nghiệp, chiêu mộ nhân tài, Nguyễn Trãi tìm đến và trở thành bậc công thần với công huân lớn lao đóng góp quan trọng cho cuộc khởi nghĩa chống quân Minh toàn thắng. Sau này Á Nam Trần Tuấn Khải trong bài Bát quan hoài đã viết về cử chỉ đẹp đẽ, lời khuyên sâu sắc ấy của người cha:

Lời cha dạy khắc xương để lại

Mấy gian lao con chớ sai nguyền

Tuốt gươm thề với hoàng thiên

Trả xong thù nước là đền ơn cha.

Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh cũng đưa ra dẫn dụ về tấm gương dạy con một cách nghiêm khắc mà hiệu quả của Nguyễn Công Hoàn (thế kỷ XVIII). Ông có con trai là Nguyễn Bá Lân (1700 - 1785). Hai cha con ở trong nhà thi nhau học tập. Ông giao hẹn ban đêm giờ học, nếu ai ngủ gật thì người kia phải lấy dùi gõ vào trán để cho tỉnh ngủ. Nguyễn Bá Lân không dám đánh cha chỉ chạm tay nhắc khẽ. Ông không đồng ý và quát mắng lại, cho rằng con không cho cha tiến bộ. Có lần hai cha con ngồi trên thuyền thi nhau làm thơ, ai xong trước thì được đẩy người kia xuống sông. Lân xong trước nhưng không dám xô cha. Ông Hoàn đã quát mắng con, rồi tự mình nhảy xuống làm cho Lân phải thuê người vớt cha lên. Chịu ảnh hưởng của cha, Nguyễn Bá Lân đã trở thành nhân vật xuất sắc thời Lê Trịnh.

Cho hay việc cha dạy con cái là phải nghiêm khắc, không phải nghiêm khắc để hăm dọa mà nghiêm khắc trong sự yêu thương, kỷ luật trong sự đòi hỏi khắt khe của sự học. Nghiêm khắc chính là đặt ra yêu cầu cao và gửi gắm niềm hy vọng dẫn dắt trẻ vượt lên thấp hèn, non yếu của bản thân để vượt lên. Sự học đòi hỏi nghiêm túc, việc dạy vì thế đòi hỏi nghiêm khắc mà nên.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]