(vhds.baothanhhoa.vn) - Là vùng đất thấm đẫm huyền thoại trên quê hương xứ Thanh, Nga Sơn từ xa xưa đã làm say lòng du khách bởi những Động Từ Thức với cảnh tiên nơi cõi trần; cửa Thần Phù “Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”... Trong số đó, huyền sử về Hoàng tử Mai An Tiêm nơi đảo hoang với quả dưa hấu vẫn được hậu thế nhắc nhớ với sự ngưỡng mộ, trân trọng và biết ơn.

Về Nga Sơn nghe chuyện kể Mai An Tiêm

Là vùng đất thấm đẫm huyền thoại trên quê hương xứ Thanh, Nga Sơn từ xa xưa đã làm say lòng du khách bởi những Động Từ Thức với cảnh tiên nơi cõi trần; cửa Thần Phù “Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”... Trong số đó, huyền sử về Hoàng tử Mai An Tiêm nơi đảo hoang với quả dưa hấu vẫn được hậu thế nhắc nhớ với sự ngưỡng mộ, trân trọng và biết ơn.

Về Nga Sơn nghe chuyện kể Mai An Tiêm

Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Mai An Tiêm dựa lưng vào ngọn núi cùng tên được phục dựng, tôn tạo xứng tầm, là nơi để hậu thế bày tỏ niềm ngưỡng vọng với đức thánh Mai An Tiêm.

Chuyện kể nơi... đảo hoang

Đến hẹn lại về, hàng năm từ ngày 12 đến 14 tháng 3 (âm lịch) dòng người lại nối dài trở về Di tích văn hóa lịch sử đền thờ Mai An Tiêm, xã Nga Phú (Nga Sơn) tham gia lễ hội. Một điều thật đặc biệt, lễ hội truyền thống Mai An Tiêm diễn ra sau ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Tương truyền, Mai An Tiêm vốn không phải con trai vua Hùng. Vậy nhưng, chàng lại xuất chúng hơn người. Bởi vậy mà được vua Hùng tin yêu nhận làm con nuôi, ban cho nhiều bổng lộc. Điều đó khiến không ít kẻ xung quanh ganh ghét, đố kỵ, tìm mọi cách dèm pha.

Về phía Mai An Tiêm, dù được vua Hùng ban cho không ít đặc ân song chàng không ỷ lại. Chàng vẫn thường nói với người xung quanh, đại ý: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Có nghĩa, với Mai An Tiêm, chỉ những gì do chính tay mình làm ra, đánh đổi bằng mồ hôi, công sức bản thân mới thực đáng quý. Còn vàng, bạc châu báu có nhiều bao nhiêu, nhưng không phải do mình tạo ra thì dĩ nhiên không thể tùy tiện sử dụng. Tuy nhiên, chính thái độ xem nhẹ vật chất ngoài thân của chàng lại bị kẻ xấu lợi dụng xúc xiểm. Chúng nói với vua Hùng, Mai An Tiêm dù được vua ân sủng nhưng lại không lấy đó làm biết ơn, ngược lại còn kiêu ngạo, coi thường. Và trong suy nghĩ của bậc quân vương, thái độ của Mai An Tiêm thật đáng phải chịu sự trừng phạt.

Để Mai An Tiêm phải hối hận, Vua Hùng đã đày cả gia đình chàng ra nơi đảo hoang. Nhà vua tin rằng, đối mặt với sóng dữ biển khơi, với đói khát... Mai An Tiêm sẽ phải hối hận mà cầu xin tha thứ. Tuy vậy, bằng ý chí, khát vọng sống của con người yêu lao động, luôn tin tưởng vào đôi bàn tay, khối óc cùng sự nỗ lực bản thân, người con nuôi Vua Hùng đã làm nên điều kỳ tích. Theo đó, nơi đảo hoang, trong lúc cùng vợ con rong ruổi tìm cách mưu sinh, chàng tình cờ tìm thấy một quả lạ do chim ăn thừa để lại, vỏ quả màu xanh, bên trong ruột đỏ. Tin rằng đó là quả quý trời ban, Mai An Tiêm đã lấy hạt quả lạ gieo mầm trên đảo, dốc sức chăm sóc. Chẳng mấy chốc, từ những hạt mầm nhỏ bé đã đâm chồi nảy lộc, màu xanh mướt mát nhanh chóng phủ khắp hoang đảo. Đến một ngày, đàn chim nọ lại kéo về trên đảo, chúng ríu rít mổ ăn những quả lạ đã đến độ chín. Thấy vậy, Mai An Tiêm tin rằng, chim ăn được thì người cũng có thể. Chàng nếm thử, thấy quả lạ có vị ngọt thanh mát, ăn vào khiến cơ thể tỉnh táo, khỏe mạnh. Từ đó, những ngày khó khăn, đói rét trên đảo hoang của gia đình Mai An Tiêm không còn nữa. Thời gian thấm thoát, khi số lượng quả lạ được trồng mỗi ngày nhiều hơn, ăn không hết, chàng đã nghĩ ra cách khắc tên mình lên những quả lạ, thả trôi trên biển, nhờ sóng biển đưa vào đất liền. Quả nhiên, chẳng bao lâu sau, thuyền của các nhà buôn đã ghé đảo hoang, thu mua quả lạ, nhờ đó mà gia đình Hoàng tử Mai An Tiêm đã đổi được rất nhiều vật dụng phục vụ đời sống và sản xuất, có cuộc sống no đủ.

Về phần Vua Hùng, khi được bề tôi dâng lên quả lạ có khắc tên của Mai An Tiêm, nhà vua đã xóa bỏ hoàn toàn định kiến với chàng. Để sửa chữa sai lầm, đấng quân vương cho người ra đảo hoang đón cả gia đình Mai An Tiêm trở lại đất liền. Câu chuyện khép lại với một cái kết có hậu xứng đáng cho Hoàng tử Mai An Tiêm yêu lao động, không đầu hàng khó khăn... Quả lạ trồng nơi hoang đảo khi xưa chính là dưa hấu và Hoàng tử Mai An Tiêm đồng thời được suy tôn là ông tổ của nghề trồng dưa hấu tại Việt Nam. Còn đảo hoang nơi gia đình Mai An Tiêm sinh sống, theo truyền thuyết chính là vùng đất Nga Sơn xứ Thanh ngày hôm nay.

Cùng với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, huyền sử về chàng Mai An Tiêm cùng sự tích quả dưa hấu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt. Để rồi khi nhắc đến Hoàng tử con nuôi Vua Hùng, ta nhớ đến nguồn gốc quả dưa hấu và ngược lại. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu còn biểu trưng cho khát vọng sống mãnh liệt tự ngàn xưa của “Con Lạc cháu Hồng”.

Dấu tích hôm nay

Về Nga Sơn hôm nay, quá trình kiến tạo địa chất, bồi lắng phù sa đã khiến cho biển lùi dần, hoang đảo ngày nào giờ đã là vùng đất trù phú, màu mỡ. Vậy nhưng trong tâm thức người dân nơi đây, ngoài niềm tự hào là “quê hương” của quả dưa hấu thì còn đó cả sự biết ơn đối với người có công khai phá vùng đất, ươm mầm sự sống trên đảo hoang. Bởi thế, Nhân dân trong vùng đã suy tôn gọi ông là Đức thánh Mai An Tiêm. Cùng với đó, người ta tin rằng sự sống đã bắt đầu ở vùng đất này từ thuở các Vua Hùng.

Đi tìm sự chính xác của truyền thuyết dân gian có lẽ là điều không thực cần thiết. Song, trên vùng đất Nga Sơn xứ Thanh hôm nay, còn đó dấu tích của huyền sử. Là lễ hội, di tích, ngọn núi, bãi đất, dòng họ... mà tên gọi đều gợi lên “chuyện xưa tích cũ”.

Về Nga Sơn nghe chuyện kể Mai An Tiêm

Những năm không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Lễ hội Mai An Tiêm diễn ra từ ngày 12 đến 14-3 âm lịch.

Theo đó, đền thờ Mai An Tiêm trên địa bàn xã Nga Phú vẫn được biết đến là địa điểm tâm linh để người dân bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân. Nơi đây gắn với lễ hội Mai An Tiêm diễn ra hàng năm, thu hút du khách thập phương về dâng hương vãn cảnh, bày tỏ sự ngưỡng vọng với tiền nhân. Trải qua thăng trầm thời gian, di tích đã nhiều lần được trùng tu. Việc phục dựng cách đây hơn 10 năm đã mang đến một diện mạo khang trang, xứng tầm cho di tích thờ bậc thánh nhân đã có công khai mở vùng đất. Anh Trần Văn Hòa, công chức Văn hóa xã Nga Phú, cho biết: Không có tài liệu chính xác nói về thời gian đền thờ Mai An Tiêm được khởi dựng. Tuy nhiên, đến nay tại di tích vẫn còn lưu giữ một số đạo sắc phong của các triều đại phong kiến có nội dung ngợi ca công đức của Đức thánh Mai An Tiêm, chuẩn phong việc thờ phụng, hàng năm tổ chức nghi lễ “quốc tế”.

Đền thờ Mai An Tiêm dựa lưng vào ngọn núi thấp mang tên ngài. Xa xa là bãi An Tiêm được phù sa bồi lắng tốt tươi. Người ta cũng tin rằng, nơi Mai An Tiêm và gia đình gây dựng sự sống là cả vùng đất rộng lớn xung quanh. Vì thế mà ở Nga Sơn hôm nay, người dân vẫn gọi tên dưa hấu Mai An Tiêm.

Không chỉ dừng lại ở truyền thuyết, cùng với nhiều dòng họ khác, sự quần cư đông đúc của dòng họ Mai trên vùng đất Nga Sơn cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu có mối liên hệ nào giữa dòng họ Mai với truyền thuyết từ thời các Vua Hùng? Câu trả lời chính xác cần đến sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu. Vậy nhưng, có một điều chắc chắn, dòng họ Mai đã có mặt ở đây từ rất sớm, thủy chung trong những thăng trầm lịch sử của vùng đất quê hương, đời nối đời cùng nhau dựng xây cuộc sống, góp sức mình cho sự phát triển, làm thay da đổi thịt của “hoang đảo” thuở xưa.

Bài và ảnh: Khánh Lộc


Bài và ảnh: Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Mai quốc Tuấn - 09:05 29/11/21

 Trả lời

Hoan hô Báo Thanh Hóa viết về sự tích Mai An Tiêm rất hay.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]