Gần đây, xuất hiện nhiều vở diễn hoành tráng với mong muốn mang đến cho công chúng những món ngon trên bàn tiệc nghệ thuật. Tuy nhiên, dù có thể đầu tư cả trăm tỉ cho sân khấu, kỹ xảo… nhưng vấn đề bản quyền tác phẩm lại chưa được chú trọng dẫn đến những tranh chấp không đáng có.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vở diễn trăm tỉ và câu chuyện bản quyền

Gần đây, xuất hiện nhiều vở diễn hoành tráng với mong muốn mang đến cho công chúng những món ngon trên bàn tiệc nghệ thuật. Tuy nhiên, dù có thể đầu tư cả trăm tỉ cho sân khấu, kỹ xảo… nhưng vấn đề bản quyền tác phẩm lại chưa được chú trọng dẫn đến những tranh chấp không đáng có.

Một cảnh trong vở Tinh hoa Bắc Bộ. Ảnh: Na Sơn

Những vở diễn trăm tỉ

"Tinh hoa Bắc Bộ"-vở diễn thực cảnh vừa ra mắt vào ngày 28/10 tại Hà Nội-dẫn dắt khán giả trở về với những không gian văn hóa của vùng nông thôn Bắc Bộ, qua những miền thi ca, cõi Phật, hoài cổ, nhạc họa, an vui và ngày hội.

Vở diễn có sự hài hòa của yếu tố thiên nhiên và ngũ hành, đan xen cảnh thực và ảo trên nền nhạc dân ca. Không gian trên mặt nước tạo cảm giác mềm mại, thanh thoát. Những rặng tre bao quanh sân khấu thấm đẫm tinh thần làng quê Việt Nam. Bên cạnh nghệ thuật rối nước, những di sản văn hóa lần lượt được trình diễn trên sân khấu mặt nước như chèo, quan họ, ca trù...

Những nếp sinh hoạt truyền thống của làng quê Bắc Bộ được tái hiện trong khung cảnh dân chài nhộn nhịp trên sông nước, cảnh đồng áng của dân quê, cảnh đô hội chốn thị thành, cảnh trường thi ồn ào tấp nập của sĩ tử, cảnh rước kiệu nhộn nhịp trong hội làng…

Sân khấu biểu diễn là thực cảnh, cách trung tâm Hà Nội 25 km, nằm ngay dưới chân núi Thầy. Đây cũng chính là ý tưởng tạo nguồn cảm hứng của vở diễn, với cốt truyện tập trung vào ông tổ nghề múa rối nước Việt Nam, thiền sư Từ Đạo Hạnh và đời sống phong phú của vùng Bắc Bộ.

“Tinh hoa Bắc Bộ” được xây dựng bởi ê-kíp lên tới 300 người này có sự tham gia tương tác của 180 diễn viên, họ chính những nông dân của vùng đất Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), sinh viên nghệ thuật đến từ Trường Cao đẳng Múa Hà Nội.

Sau "Tinh hoa Bắc Bộ", đạo diễn Mai Soái Nguyên (người Trung Quốc) đã tới Việt Nam và sẽ tổng đạo diễn chương trình biểu diễn thực cảnh "Ký ức Hội An" tại dự án công viên chủ đề "Ấn tượng Hội An" nằm trọn vẹn trên một cù lao của sông Thu Bồn. Dự kiến vở diễn sẽ ra mắt vào ngày 30/12 tới.

Ông Mai Soái Nguyên cho biết tham gia trình diễn có khoảng hơn 500 diễn viên, chủ yếu là người địa phương, trên sân khấu thực cảnh có chiều dài khoảng 1 km bao gồm cả dòng sông và các cù lao xung quanh, kỹ xảo âm thanh, ánh sáng và công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ vở diễn nhằm tái hiện lịch sử, làm sống lại sự sầm uất của thương cảng Hội An năm xưa. Đạo diễn tin tưởng "Ký ức Hội An" sẽ là một điểm nhấn quan trọng thu hút du khách đến và dừng chân tại thành phố di sản nổi tiếng thế giới.

Nguy cơ tranh chấp, vi phạm bản quyền

Ngay khi "Tinh hoa Bắc Bộ" của đạo diễn Hoàng Nhật Nam ra mắt, đạo diễn Việt Tú đã lên tiếng việc bản quyền vở diễn này có nhiều điểm trùng với "Thuở ấy xứ Đoài" trước đó do anh làm đạo diễn và cũng kết hợp với Tập đoàn Tuần Châu (đơn vị đầu tư 2 vở diễn).

“Thuở ấy xứ Đoài” được công bố hồi tháng 6/2017, lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, diễn viên là 140 nông dân Sài Sơn. Tuy nhiên, vở diễn đã đóng lại sau chưa đầy 10 buổi công diễn.

Trả lời về việc tại sao lại "đốt tiền" đập đi xây lại 2 sản phẩm tương tự, đại diện Tập đoàn Tuần Châu, ông Nguyễn Cao Sơn cho biết: "Thuở ấy xứ Đoài" chưa đáp ứng được nhu cầu kỳ vọng của nhiều khán giả nên dù đã đầu tư rất nhiều chi phí, chúng tôi cũng phải buộc lòng ngưng hoàn toàn để mở ra vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ".

Bên cạnh tranh chấp về ý tưởng, chương trình sau còn bị tố vi phạm bản quyền của chương trình trước trong sử dụng không gian, thiết kế sân khấu, chất liệu nghệ thuật truyền thống. Ðạo diễn Hoàng Nhật Nam đã bác bỏ các cáo buộc của đạo diễn Việt Tú và cho rằng hai chương trình có thể cùng chung không gian sân khấu của nhà đầu tư và một số chất liệu dân gian, nhưng khác nhau về tư duy nghệ thuật, nội dung cũng như cách xử lý chất liệu để đưa vào chương trình.

Hiện tại, hai chương trình đều đã đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL). Vì vậy, sự phân định và kết luận cuối cùng sẽ thuộc thẩm quyền của đơn vị này.

Ðây chỉ là một trong nhiều vụ việc tranh chấp bản quyền chương trình, tác phẩm sân khấu xảy ra thời gian qua. Có những chương trình, vở diễn dưới dạng "bình cũ, rượu mới", phục dựng từ các kịch bản trước hoặc mượn ý tưởng, cốt truyện, song đã sửa chữa, thêm thắt để phù hợp đời sống hiện tại và công diễn dưới những tên tác giả, đạo diễn hoàn toàn khác.

Một số chương trình, vở diễn sân khấu xiếc và múa rối "ăn khách" cũng từng gây tranh cãi giữa các tác giả và đạo diễn bởi na ná giống nhau trong ý tưởng và sử dụng chất liệu nghệ thuật. Nổi cộm gần đây là vụ vi phạm bản quyền tác phẩm “Nửa đời hương phấn”, tranh chấp kịch bản vở “Ngôi sao lạc”, “Dâu đất khách” hoặc bản quyền loạt vở cải lương giữa hai tác giả Nguyễn Phương và Nhị Kiều...

Những vụ việc nêu trên cho thấy nguy cơ tranh chấp, vi phạm bản quyền chương trình, tác phẩm sân khấu ngày càng cao và diễn biến khá phức tạp. Phần lớn các tác giả, đạo diễn sân khấu Việt Nam chưa thật sự chú trọng việc đăng ký bản quyền để có được sự công nhận và bảo hộ pháp lý cho công trình, tác phẩm của mình.

Không ít tác giả có một cách hiểu đơn giản là chương trình, tác phẩm được biểu diễn thì nghiễm nhiên họ được thừa nhận là tác giả mà không tính đến nhiều yếu tố sở hữu khác hoặc những sự trùng lặp ngẫu nhiên. Chính vì vậy, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng tác giả vô tư "mượn" ý tưởng hoặc một phần nội dung cho công trình tác phẩm của mình, dẫn đến những tranh chấp kéo dài.

Bên cạnh đó, cách giải quyết mang tính nội bộ, "vị tình" không dựa trên những quy định pháp luật, trong hoạt động bảo vệ bản quyền tác phẩm sân khấu đang tồn tại phổ biến, càng khiến cho những quy định pháp luật về quyền tác giả bị coi nhẹ.

Cũng từ thực trạng tranh chấp, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực sân khấu, đã có nhiều ý kiến về sự cần thiết phải có những trung tâm đại diện pháp lý cho các tác giả nhằm bảo vệ bản quyền tác phẩm, thúc đẩy thực thi nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ. Khi đó, để sử dụng các chương trình, tác phẩm sân khấu phải có giấy ủy quyền hoặc văn bản cho phép của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Thực hiện điều này sẽ góp phần đưa tác phẩm đến với công chúng, giúp đơn vị dàn dựng tiếp cận được kịch bản gốc để có thể thương lượng xin phép dàn dựng hay điều chỉnh kịch bản và thanh toán tác quyền một cách thuận lợi hơn.

Theo baochinhphu.vn


Theo baochinhphu.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]