(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ góp phần khôi phục và phát triển mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Thế nhưng ở một số làng nghề trên địa bàn Thanh Hóa do nhiều nguyên nhân nên việc xây dựng thương hiệu sản phẩm còn chưa được chú trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống: Tại sao không?

(VH&ĐS) Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ góp phần khôi phục và phát triển mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Thế nhưng ở một số làng nghề trên địa bàn Thanh Hóa do nhiều nguyên nhân nên việc xây dựng thương hiệu sản phẩm còn chưa được chú trọng.

Khi thương hiệu không “đồng hành” cùng làng nghề

Những năm qua, công tác phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn luôn được các ngành, các cấp chính quyền địa phương quan tâm, nhờ đó số lượng làng nghề trên địa bàn tỉnh tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê từ các ngành chức năng, Thanh Hóa hiện có 155 làng nghề, nghề truyền thống trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua cũng cho thấy cơ cấu ngành nghề nông thôn và làng nghề mặc dù phát triển đa dạng, thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được mở rộng hơn song chưa đáp ứng được thực tế phát triển làng nghề hiện nay. Trong số hàng chục sản phẩm làng nghề, chưa có sản phẩm nào mang tính mũi nhọn vươn ra thị trường với sức cạnh tranh cao. Số làng nghề tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm còn quá khiêm tốn, bởi vậy, có không ít làng nghề đang chới với trong việc tìm hướng phát triển bền vững bởi chưa xây dựng được thương hiệu riêng hoặc chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, dẫn đến khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giảm giá trị sản xuất.

Huyện Nông Cống có 28 làng nghề, nghề truyền thống, nhưng đến nay mới có riêng làng nghề nón lá Trường Giang được công nhận thương hiệu, còn lại các làng nghề và nghề truyền thống mới chỉ dừng ở việc được người dân biết đến bởi tính lâu đời vốn có. Tìm hiểu sâu về vấn đề này chúng tôi tìm đến làng nghề làm miến gạo ở xã Thăng Long (Nông Cống). Với việc được hình thành, phát triển cách đây từ rất lâu đời nghề làm miến gạo ở đây đã trở nên “nổi tiếng” và khá quen thuộc đối với người dân các vùng lân cận, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng khi đã vượt qua địa giới tỉnh nhà thì tên tuổi của làng nghề lại chẳng mấy ai biết đến bởi công tác quảng bá thương hiệu còn quá hạn chế.

Hơn nữa, dù sản phẩm miến gạo có mặt ở nhiều địa phương trong tỉnh nhưng khi được tung ra thị trường, khách hàng không phân biệt được đâu là sản phẩm của làng nghề. Ông Trương Hữu Hoa, thôn Tân Giao, người đã gắn bó từ rất lâu đời với nghề này chia sẻ: “Bây giờ vẫn cứ nhờ vào việc nghe tiếng tăm, người nọ truyền người kia để giới thiệu sản phẩm của mình thôi chứ làm quảng bá lớn thì còn xa lắm. “Tôi cũng hy vọng thời gian tới làng nghề miến gạo sẽ sớm được công nhận thương hiệu để bà con yên tâm gắn bó với nghề và hơn hết để cho sản phẩm làm ra có chỗ đứng vững trên thị trường” - ông Hoa nói.

Làng nghề làm miến gạo xã Thăng Long (Nông Cống) dù đã có từ lâu đời nhưng đến nay sản phẩm làm ra vẫn chưa có thương hiệu.

Hay như ở Hoằng Hóa hiện toàn huyện có 14 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống nhưng cũng chỉ mới xây dựng thương hiệu cho làng nghề nước mắm Khúc Phụ (xã Hoằng Phụ), chính vì vậy hầu hết các sản phẩm làm ra tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện chưa có sức vươn ra thị trường và chưa có chỗ đứng bền vững.

Không chỉ ở hai làng nghề trên mà hiện tại trên địa bàn tỉnh ta rất nhiều làng nghề đang chới với trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ và không ít làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền chỉ vì sức cạnh tranh trên thị trường quá “yếu đuối”. Những làng nghề như đan lát Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), sản xuất chiếu cói xã Tượng Sơn (Nông Cống)... là những ví dụ điển hình. Ngoài việc khan hiếm nguyên liệu, thì tình trạng "bí đầu ra" là nguyên nhân chính khiến các làng nghề này lâm vào ngõ cụt. Sản phẩm làm ra không tiếp cận được với nhiều thị trường đa dạng mà chỉ "quẩn quanh" phục vụ nhu cầu cho người dân địa phương nên không phát huy hết giá trị, giá thành thấp là điều dễ hiểu. Đó là thực tế buồn không chỉ đối với một số huyện kể trên mà là tình trạng chung.

Đi tìm lời giải?

Theo đánh giá của các ngành chức năng, để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường thì việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề là điều vô cùng cần thiết. Không có thương hiệu sẽ không tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời, làng nghề còn chịu nhiều thiệt thòi về giá cả.

Tuy nhiên, để làm được điều này không phải là chuyện dễ. Theo ông Vũ Tuấn Anh - chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nông Cống: Để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường, việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mỗi địa phương, mỗi làng nghề cần có cái nhìn toàn diện và quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Chiến lược dài hơi để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là đăng ký nhãn hiệu độc quyền và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là internet (qua các website). Điều này đòi hỏi chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có kiến thức maketting, tin học, ngoại ngữ. Thế nhưng, thực tế cho thấy những đòi hỏi này đang "làm khó" không ít làng nghề.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó phòng NN&PTNT huyện Hoằng Hóa: Chuyện các làng nghề không mấy mặn mà với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm có nhiều nguyên nhân mà có lẽ nguyên nhân đầu tiên phải nói đến chính là tâm lý "dựa dẫm truyền thống". Tâm lý nghĩ rằng nghề của mình có truyền thống lâu đời nên sẽ nhiều người biết đến sản phẩm. Vì thế, họ chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu.

Thêm vào đó, việc các làng nghề ở Thanh Hóa không mấy mặn mà với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là do lối sản xuất thủ công, manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, phần nhiều là kinh doanh theo lối riêng rẽ “mạnh ai nấy làm” nên sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao. Trong khi việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm phải mất nhiều chi phí... Ngoài ra còn do nhận thức của một số địa phương còn hạn chế, chưa hiểu rõ việc bảo hộ sở hữu công nghiệp cũng như chưa biết lựa chọn hình thức, cách thức bảo hộ sở hữu công nghiệp nào phù hợp với thực trạng sản xuất sản phẩm của làng nghề mình...

Từ thực tế đó, có nhiều ý kiến cho rằng muốn xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề, trước mắt cần nâng cao nhận thức của làng nghề về tầm quan trọng của thương hiệu. Làng nghề cần xác định thương hiệu là vũ khí cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng thương hiệu trước tiên là sự đầu tư để mang lại những sản phẩm có chất lượng, thể hiện uy tín của đơn vị sản xuất kinh doanh.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]