(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn hoá công vụ là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, giá trị chuẩn mực, hành vi ứng xử nhằm định hướng, điều chỉnh ý thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá công vụ, thời gian qua đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường của thành phố Thanh Hoá đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện nghiêm các quy định về văn hoá công vụ, góp phần quan trọng xây dựng nền công vụ từng bước chuyên nghiệp, hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.

Xây dựng văn hoá công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường ở TP Thanh Hoá

Văn hoá công vụ là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, giá trị chuẩn mực, hành vi ứng xử nhằm định hướng, điều chỉnh ý thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá công vụ, thời gian qua đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường của thành phố Thanh Hoá đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện nghiêm các quy định về văn hoá công vụ, góp phần quan trọng xây dựng nền công vụ từng bước chuyên nghiệp, hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.

Xây dựng văn hoá công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường ở TP Thanh Hoá

Một lớp cập nhật kiến thức đạo đức công vụ, văn hóa công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức TP Thanh Hóa.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng văn hóa công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Theo Người: Công chức phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc. Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đây không chỉ là nguyên tắc bất biến, mà còn là chuẩn mực của văn hóa công vụ. Đồng thời, Người căn dặn cán bộ, đảng viên đối với đồng nghiệp phải thân ái, giúp đỡ. Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Ngoài ra, Người căn dặn đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành chỉ dẫn để mỗi cán bộ, công chức phấn đấu, rèn luyện và thực hiện chức trách, bổn phận, hết lòng hết sức phục sự Tổ quốc, phụ vụ Nhân dân.

Hiện nay, thành phố Thanh Hoá có 34 đơn vị hành chính xã, phường (30 phường, 04 xã). Tổng số cán bộ, công chức xã, phường là 327 người, trong đó: Cán bộ là 331 người; công chức 392 người. Về trình độ chuyên môn: Thạc sỹ 59 người, đại học, cao đẳng 652 người; trung cấp 12 người. Trong nhiều năm qua, các cấp uỷ, chính quyền thành phố luôn quan tâm đến văn hoá công vụ và xây dựng văn hoá công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức xã, phường nói riêng. Theo đó, văn hoá công vụ của cán bộ công chức phường, xã ngày càng được nâng lên, cụ thể ở các mặt như:

T ận tụy phục vụ nhân dân : Theo quy định của pháp luật, cán bộ, công chức phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; có trách nhiệm với nhân dân; tận tuỵ phục vụ nhân dân; không được gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Đánh gá về mức độ tận tụy phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức phường, xã cho thấy có tới 83.3% ý kiến đánh giá ở mức độ rất tốt và tốt, điều đó cho thấy đa số cán bộ, công chức phường, xã của thành phố đã tận tuỵ, hết lòng, hết sức phụng sự Nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận nhỏ 3.3% ở mức độ trung bình, đòi hỏi cần phải quyết tâm khắc phục.

Tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ : Có tinh thần cầu thị, lắng nghe; tâm huyết, tận tụy, gương mẫu, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc; sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó; Không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân; Chấp hành nghiêm các quy định về việc phải làm và không được làm khi thi hành nhiệm vụ, công vụ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Chấp hành nghiêm nội quy, quy chế làm việc và các quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị. Theo số liệu điều tra, khảo sát, khi đánh giá về tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, cong chức xã, phường có 61.4% ý kiến đánh giá ở mức độ rất tốt và tốt, không có ý kiến đánh giá ở mức độ yếu, kém. Điều đó cho thấy, tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức tương đối cao, cần tiếp tục được phát huy.

Tinh thần phối hợp, giúp đỡ trong thực thi công vụ : Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức xã, phường nói riêng không thể giải quyết công việc một cách độc lập, tách rời mà cần phải có sự phối hợp, trao đổi thông tin và hỗ trợ, giúp đõ nhau trong thực hiện nhiệm vụ. Theo số liệu điều tra, khảo sát, có tới 56.3% ý kiến đánh giá tinh thần phối hợp của cán bộ, công chức ở mức độ rất tốt và tốt, không có ý kiến đánh giá ở mức độ kém. Tuy nhiên vẫn còn 12% ý kiến đánh giá ở mức độ trung bình, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả trong quá trình thực thi công vụ cần được quan tâm khắc phục.

T ính kỷ luật của cán bô, công chức: Tính kỷ luật của cán bộ, công chức phường, xã của thành phố từ số liệu điều tra cho thấy vẫn có tới 16.3% ý kiến đánh giá ở mức trung bình, nếu không khắc phục điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực thi công vụ, ảnh hưởng lớn đến uy tín của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.

Đánh giá về mức độ sự hài lòng của người dân: Để đánh giá mức độ hài lòng của người dân về sự phục vụ của cán bộ công chức cấp xã, phường với 22 tiêu chí và 5 cấp độ: rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không hài lòng, rất không hài lòng. Kết quả cho thấy, Nhân dân đã đánh giá cán bộ, công chức có thái độ giao tiếp, ứng xử với các mức độ như: Rất hài lòng chiếm 25%; hài lòng 18%; bình thường 23,6%; cán bộ, công chức cấp xã lắng nghe ý kiến của người dân: Rất hài lòng chiếm 66,6%; hài lòng 20,3%; bình thường 14,7%; về sự tận tình hướng dẫn của cán bộ, công chức cấp xã, người dân đánh giá rất hài lòng 15,3%; hài lòng 28,6%, trung bình chiếm 22,6%. Nhất là, khi được hỏi về cán bộ, công chức thực hiện về tuân thủ đúng quy trình trong giải quyết công việc, Nhân dân đã đánh giá về mức rất hài lòng chiếm 11,3%; hài lòng 19%, bình thường 34%. Như vậy, Nhân dân đánh giá khá tốt về thái độ, trách nhiệm phục vụ; làm việc đúng quy trình của đội ngũ cán bộ, công chức. Điều đó khẳng định đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã của thành phố Thanh Hoá đã có nhiều sự chuyển biến tích cực, có trách nhiệm với Nhân dân hơn, tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thái độ, trách nhiệm phục vụ; tính quy trình trong giải quyết công việc còn thấp, chưa đáp ứng sự hài lòng của người dân, cần tiếp tục có nhiều biện pháp để khắc phục, phấn đấy xây dựng nền công vụ với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thực sự tận tụy, trách nhiệm phục vụ Nhân dân; tuân thủ đúng quy trình làm việc theo đúng pháp luật.

Những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế:

Những hạn chế: (1) Cán bộ, công chức phường, xã của thành phố vẫn còn một bộ phận tinh thần phục vụ nhân dân còn nhiều bất cập (theo số liệu điều tra khảo sát là 3.3% về thái độ phục vụ nhân dân trong thực thi công vụ ở mức độ trung bình), đòi hỏi cần phải quyết tâm khắc phục; vẫn còn tình trạng gây khó dễ cho các cá nhân, tổ chức công tác đến liên hệ công tác, chưa thực sự đáp ứng được sự hài lòng của người dân trên một số mặt công tác (2) Tình trạng cán bộ, công chức bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc sai quy định, hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân một cách lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc hời hợt, thiếu nhiệt tình và thiếu hẳn tính thân thiện hoặc thiếu nhiệt tình trong việc tiếp công dân. (3) Về đạo đức, lối sống, một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái phẩm chất, đạo đức; còn vi phậm đạo đức, vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân của những hạn chế: Thể chế về văn hoá công vụ cho cán bộ, công chức phường, xã chưa đồng bộ; chư quy định rõ theo từng vị trí việc làm; Sự phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị trong việc phổ biến, giáo dục văn hoá công vụ cho cán bộ, công chức phường, xã trên địa bàn thành phố còn chưa chặt chẽ, chư liên tục; việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giá trị về văn hoá công vụ còn buông lỏng, nhất là thực hiện tinh thần thái độ giao tiếp với nhân dân như 4 luôn, 4 xin. Ngoài ra, một nguyên nhân chính là vẫn còn những cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của văn hoá công vụ, trách nhiệm trong thực thi công vụ; chưa chủ động vươn lên để theo kịp yêu cầu hiện nay.

Để nâng cao việc thực thi văn hoá công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại và trong sạch; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính cấp uỷ, chính quyền của Thành phố cần tập trung vào những giải pháp sau:

Một là: Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện văn hoá công vụ

Văn hoá có vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng đến việc xây dựng nền công vụ minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Đồng thời, còn là những nguyên tắc, giá trị chuẩn mực góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội của thành phố Thanh Hoá, quản lý trực tiếp đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường cần nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc thực hiện văn hoá công vụ hiện nay. Từ đó có những cách làm cụ thể như: xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá văn hoá công vụ công vụ gắn với từng vị trí, chức danh của cán bộ, công chức đảm nhiệm; lựa chọn cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng; quyết liệt trong quản lý và xử lý cán bộ, công chức vi phạm; xây dựng môi trường làm việc tạo động lực cho cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ, công chức phải tự nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện văn hoá công vụ để không ngừng rèn luyện, phấn đấu và hoàn thiện bản thân với tinh thần hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc; đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết.

Để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường trên địa bàn thành phố về văn hoá công vụ, đòi hỏi phải đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục những nguyên tắc, quy tắc, giá trị chuẩn mực, nội dung văn hó công vụ cho cán bộ, công chức xã, phường; chú trọng sự nêu gương về ý thức thái độ, trách nhiệm, sự tận hiến trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức; thể hiện niềm tin, trách nhiệm công vụ; hiểu biết về giá trị, chuẩn mực của nền công vụ phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đồng thời, thông qua kết quả việc thực hiện nhiệm vụ để làm cơ sở thực tiễn đánh giá về văn hoá công vụ của cán bộ, công chức trong phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Hai là: Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đánh giá việc thực hiện văn hoá công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định, văn bản luật nhằm cụ thể hóa về những nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, công chức xã, phường; quy định cụ thể những điều cán bộ, công chức được, không được và không nên làm. Xác định rõ những tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức; năng lực của cán bộ, công chức làm căn cứ để khen thưởng hoặc kỷ luật nếu vi phạm. Phải xử lý kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, công chức, trách tình trạng nẻ nang, né trách, ngại va chạm. Tuy nhiên, những giá trị về văn hoá công vụ của cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức xã, phường nói riêng chỉ mới dừng lại mang tính tự nguyện là chính, chưa thực sự trở thành căn cứ pháp lý, quy định cụ thể về hành vi của mỗi cán bộ, công chức xã, phường trong thi hành công vụ. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và gắn liền với cuộc sống hàng ngày, nếu những quy phạm về văn hoá công vụ không được hệ thống hóa thành những qui định mang tính bắt buộc thì mọi hoạt động sẽ không được công khai, minh bạch, dân chủ và nó không thể trở thành động lực cho quá trình xây dựng và phát triển ở mỗi xã, phường.

Thực tế, trong những năm qua nhiều xã, phường trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng và ban hành một số quy chế về văn hoá công sở. Nhưng chưa ban hành được bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, việc xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể việc thực hiện văn hoá công vụ để đánh giá cán bộ, công chức xã, phường là yêu cầu cần thiết hiện nay. Căn cứ vào bộ tiêu chí, sẽ tránh được tình trạng đánh giá cán bộ, công chức chung chung, hình thức, tùy tiện và cảm tính. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phải căn cứ vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tiễn của xã, phường để xây dựng cho phù hợp với từng chức danh cụ thể.

Nội dung bộ tiêu chí phải đề cao trách nhiệm cá nhân, ý thức tổ chức kỷ luật tự giác học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần tận tuỵ phục vụ Nhân dân; cách ứng xử; tác phong, phong cách làm việc quần chúng, gần dân, sát dân; công khai, minh bạch, thực hiện đúng các chế độ chính sách. Chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu; chống tham ô, lãng phí; chống chia rẽ, bè phái, cục bộ, coi thường kỷ cương pháp luật. Có cơ chế bảo đảm việc giám sát cán bộ, công chức xã, phường trong thực hiện quy chế văn hoá công vụ.

Ba là: Xây môi trường làm việc lành mạnh, tạo động lực cho cán bộ, công chức xã, phường thực hiện nhiệm vụ

Đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường có vị trí, vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Để tiếp tục phát huy hết tâm lực, trí lực, thể lực của đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường cần phải tập trung xây dựng môi trường làm việc tạo động lực để đội ngũ cán bộ, công chức phát huy hết khả năng trong thực thi công vụ, góp phần xây dựng thành phố Thanh Hóa phát triển phồn thịnh.

Môi trường xã hội của cán bộ, công chức là quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đồng cấp với nhau; giữa cán bộ, công chức với Nhân dân; về cơ chế điều hành, quản lý, đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức. Trong đó, cán bộ, công chức xã, phường cần làm việc trong một môi trường xã hội thân thiện, đoàn kết, tin tưởng, bình đẳng, minh bạch; đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của mỗi cán bộ, công chức; đồng thời sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức đúng năng lực, sở trường.

Quan hệ giữa cán bộ, công chức với cán bộ, công chức xuất phát từ sự chân thành, thân thiện, đoàn kết thương yêu, gắn bó; không có sự đố kỵ, sẵn lòng tương thân, tương ái hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống riêng. Cán bộ, công chức được làm việc trong môi trường có sự tin tưởng giữa cấp trên với cấp dưới; đồng chí, đồng nghiệp tin tưởng lẫn nhau, ai cũng thấy gần gũi, gắn bó, có ý thức trách nhiệm, có nghĩa vụ và giữ gìn bảo vệ quan hệ tốt đẹp với mọi người. Mỗi cán bộ, công chức đi làm cảm thấy thoải mái, hạnh phúc mà phát huy hết trách nhiệm, khả năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không chây lười, ỷ lại. Đó là môi trường làm việc tạo động lực, góp phần hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của mỗi cán bộ, công chức ở từng đơn vị xã, phường.

Bốn là: Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức phường, xã trong thực thi công vụ .

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có vị trí, vai trò quan trọng nhằm quản lý, giám sát, điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, Đảng và Nhà nước làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ, công chức tha hóa, suy thoái phẩm chất trong thực thi công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ luật, kỷ cương, liêm chính. Theo đó, cần đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức phường, xã theo hướng rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ ở từng vị trí công tác nhằm phát hiện và xử lý các biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức công vụ như: Nhũng nhiễu, phiền hà; tham ô, tham nhũng; suy thoái về đạo đức, lối sống ... để kịp thời ngăn chặn và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố Thanh Hóa thật sự trong sạch, liêm chính. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ ở mỗi xã, phường.

Ngoài ra, mỗi cán bộ, công chức phường, xã trên địa bàn thành phố Thanh Hóa phải luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong hoạt động công vụ. Thực hiện tốt nguyên tắc “phê và tự phê”; tự giáo dục, tự rèn luyện, tự tu dưỡng đề cao tính kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức công chức phải không ngừng học tập, rèn luyện, sáng tạo trong lao động sản xuất; tận tụy phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Từ đó, cán bộ, công chức xã, phường phải xác định những giá trị chuẩn mực của nền công vụ đóng vai trò định hướng, điều chỉnh tình cảm, hành vi trong thực thi công vụ của bản thân. Những nguyên tắc, quy tắc, giá trị chuẩn mực văn hoá công vụ tác động, chi phối đến tình cảm, tư tưởng, quan hệ và hành vi của mỗi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Năm là: Phát huy tinh thần gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện và thực hành văn hoá công vụ của cán bộ, công chức phường, xã

Xây dựng văn hoá công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức là công việc thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự tự thân rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ, công chức. Văn hoá công vụ của cán bộ, công chức là kết quả của quá trình tự giác rèn luyện và tu dưỡng, phấn đấu bền bỉ, nghiêm túc. Rèn luyện, tu dưỡng sẽ hướng cán bộ, công chức hoàn thiện về phẩm chất, nhân cách chuẩn mực trong thực thi công vụ. Vì vậy, cơ sở của việc hoàn thiện về văn hoá công vụ ngày nay là các tiêu chí về quyền và trách nhiệm liên quan đến công việc; là nền tảng của văn hoá xã hội và truyền thống văn hóa nhân văn của người Việt Nam. Tuy nhiên, công vụ có nhiều lĩnh vực và mỗi người đảm nhiệm những trọng trách khác nhau, nên yêu cầu về chuẩn mực về văn hoá công vụ cũng có sự đa dạng theo chức năng, nhiệm vụ từng vị trí công tác của cán bộ, công chức phường, xã. Bất kỳ một vị trí công tác nào của cán bộ, công chức, thì những chuẩn mực về văn hoá công vụ luôn rất cần thiết, phải rèn luyện để hoàn thiện bản thân.

Th.s Lê Thị Huyền - Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá

-----------

Tài liệu tham khảo:

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2021.

Luật cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi bổ sung 2019.

Ban Chủ nhiệm đề tài: Báo cáo tổng hợp xử lý số liệu điều tra, khảo sát về thực thi văn hoá công vụ của cán bộ, cong chức xã, phường thành phố Thanh Hoá, năm 2024.

UBND thành phố Thanh Hoá, Báo cáo 6 tháng về thực hiện văn hoá công vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố Thanh Hoá, năm 2024.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]