(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thực trạng học sinh chỉ cần tránh điểm liệt là có thể trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập; nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu mặc dù đã lấy điểm đầu vào dưới điểm trung bình… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của các trường THPT các huyện miền núi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

‘Nóng’ chất lượng đầu vào bậc THPT vùng miền núi

(VH&ĐS) Thực trạng học sinh chỉ cần tránh điểm liệt là có thể trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập; nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu mặc dù đã lấy điểm đầu vào dưới điểm trung bình… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của các trường THPT các huyện miền núi.

Cô Đỗ Thị Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Như Xuân cho biết: Nhiều năm nay, chất lượng đầu vào của nhà trường rất thấp. Năm 2015, điểm chuẩn là 4,75 điểm/3 môn. Nhiều học sinh chỉ đạt 0,25 điểm mỗi môn, cộng thêm điểm khu vực, điểm học nghề mới đạt điểm chuẩn đầu vào. Năm 2016, điểm đầu vào được cải thiện hơn với 8,5 điểm/3 môn. Tuy nhiên, vẫn còn chênh lệch khá lớn so với các trường vùng trung du và miền xuôi. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học trong nhà trường. Đặc biệt là việc chọn học sinh mũi nhọn gặp nhiều khó khăn. Mỗi khóa tuyển sinh vào, nhà trường chỉ chọn được 30 - 35 em có điểm môn Toán từ 5 điểm, khoảng 40 em có điểm môn Văn từ 6 điểm. Việc học sinh có chất lượng đầu vào thấp, khiến cho công tác nâng cao chất lượng dạy học gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với các môn học tự nhiên, khi các em bị “hổng” kiến thức ở cấp THCS sẽ rất khó để phụ đạo.

Lý giải việc học sinh ở các huyện miền núi có điểm thi đầu vào THPT chênh lệch khá lớn so với ở miền xuôi, vùng trung du, cô Phương chia sẻ thêm: Do đặc thù vùng núi, nhiều học sinh đi học xa nhà từ 10-12 km, các nhà trường đã tạo mọi điều kiện để các em đi học, học tập tốt. Song nhiều khi giáo viên động viên để các em đi học đều buổi chính khóa còn khó khăn, chưa nói đến học phụ đạo buổi chiều. Thêm vào đó, học sinh miền núi hàng ngày ngoài giờ học chính phần lớn các em đều phải lo phụ giúp công việc với gia đình, thời gian đầu tư cho học tập còn hạn chế; gia đình học sinh cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc học của con em mình… Ngoài ra, cơ sở vật chất còn hạn chế, chất lượng giáo viên cũng là những nguyên nhân khiến cho chất lượng đầu vào THPT của các trường khu vực miền núi còn thấp.

Vẫn biết, việc nâng cao chất lượng đầu vào THPT không phải chỉ tập trung ôn tập ở lớp 9, mà đó là nhiệm vụ xuyên suốt ngay từ những năm đầu học sinh vào cấp THCS. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng đại trà ở các trường THCS vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy và trò Trường THCS thị trấn Cành Nàng đang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT sắp tới.

Cô Lương Thị Liên - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) cho biết: Nhằm giúp học sinh đậu vào trường THPT, bên cạnh giờ học chính khóa, nhà trường đã tích cực ôn tập cho học sinh, phụ đạo cho những học sinh yếu để các em nắm vững kiến thức đạt kết quả cao trong kỳ thi và có nền tảng khi bước vào học THPT.

Để nâng cao chất lượng đầu vào THPT, phòng GD&ĐT huyện Như Xuân đã yêu cầu các nhà trường tổ chức ôn thi vào lớp 10 phải nghiêm túc và hiệu quả. Lựa chọn giáo viên ôn luyện; học tập nội dung, phương pháp ôn luyện của các đơn vị có kết quả tốt. Từ đó, bồi dưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh kiến thức cơ bản nhằm chuẩn bị tốt nhất cho học sinh dự thi.

Ông Lê Nhân Trí - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Xuân cho biết: Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trên địa bàn, hiện nay, Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân đang tập trung chỉ đạo đổi mới đồng bộ phương pháp, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vững mạnh toàn diện. Tập trung đánh giá chuẩn cán bộ quản lý, chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo quy định, không chạy theo thành tích. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ trường học….

Vẫn biết, nhiệm vụ nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào THPT là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hiện nay. Theo đó Ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã có Đề án riêng về “Nâng cao chất lượng giáo dục miền núi giai đoạn năm 2013-2020” và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng miền núi, vùng cao biên giới và miền xuôi vẫn còn lớn.

Hạ Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]