(vhds.baothanhhoa.vn) - Những cánh cổng nào hướng tới tương lai, nơi mà AI (trí tuệ nhân tạo) hiện diện rất quan trọng trong đời sống của con người? Không chỉ là viễn tưởng khoa học mà còn là những dự báo, kịch bản cần thiết về tương lai nơi công nghệ ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn. Đó là những thông điệp quan trọng từ sự kết hợp tuyệt vời của hai bộ óc: Nguyên chủ tịch Google Trung Quốc Kai-Fu-Lee và Chen QiuFan, Chủ tịch Hiệp hội Nhà văn khoa học viễn tưởng Trung Quốc trong cuốn sách mang tên: “AI 2041-10 viễn cảnh cho tương lai”.

10 viễn cảnh cho tương lai - AI 2041

Những cánh cổng nào hướng tới tương lai, nơi mà AI (trí tuệ nhân tạo) hiện diện rất quan trọng trong đời sống của con người? Không chỉ là viễn tưởng khoa học mà còn là những dự báo, kịch bản cần thiết về tương lai nơi công nghệ ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn. Đó là những thông điệp quan trọng từ sự kết hợp tuyệt vời của hai bộ óc: Nguyên chủ tịch Google Trung Quốc Kai-Fu-Lee và Chen QiuFan, Chủ tịch Hiệp hội Nhà văn khoa học viễn tưởng Trung Quốc trong cuốn sách mang tên: “AI 2041-10 viễn cảnh cho tương lai”.

10 viễn cảnh cho tương lai - AI 2041

Tại sao họ lại chọn đích đến năm 2041. Thật ngẫu nhiên “41” viết tựa như ký tự AI, 2041 - nghĩa là gần 20 năm sau, những công nghệ hiện nay đang áp dụng sẽ ngày càng hiện diện sâu hơn vào đời sống con người. Những dự báo cũng từ đó mà nảy sinh, có thể có mặt xấu, tác động tiêu cực, nhưng trên hết là nhóm tác giả muốn củng cố niềm tin rằng con người có quyền tự quyết của mình, và chúng ta làm chủ số phận và không có cuộc cách mạng công nghệ nào thay đổi được điều đó.

10 viễn cảnh tương lai của năm 2041 là 10 câu chuyện thú vị qua thủ pháp viễn tưởng khoa học của nhà văn Chen QiuFan, ngay sau đó là những phân tích lý giải chuyên sâu về mặt công nghệ của Kai-Fu-Lee. Các câu chuyện được sắp xếp theo mọi khía cạnh của AI theo thứ tự từ công nghệ cơ bản đến nâng cao.

Không đơn thuần là giải trí, cũng không hẳn thuần túy là khoa học viễn tưởng; bức tranh mà cuốn sách đã vẽ ra có thể sẽ là hiện thực trong tương lai. Bằng cách này hay cách khác, mỗi bức vẽ sự đậm nhạt có thể sẽ khác nhau. Mà thôi, nếu tôi xác thực quá nhiều, phải chăng là tôi đang quá tưởng tượng chăng. Dù sao thì tôi đang sống vào năm 2023 thôi mà.

Viễn cảnh đầu tiên mang tên: “Con voi vàng”, bối cảnh hiện ra là ở Ấn Độ. Cốt lõi của tình huống ở đây là khi mà mỗi gia đình Ấn Độ - họ sẽ ứng xử với nhau thế nào khi có sự hỗ trợ của AI Học nhiều tầng - bước đột phá của AI. AI học nhiều tầng ứng dụng trong bảo hiểm Ganesh đã phát hiện ra rằng nếu Nayana và người trong mộng của cô ấy Sahej đến với nhau thì có nguy cơ làm tăng phí bảo hiểm của gia đình Nayana trong tương lai vì vậy nó đã ngăn cản mối tình chớm nở của đôi trẻ. Như vậy suy luận của AI trong những trường hợp này thường dẫn đến những hành động chia rẽ và làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Làm thế nào để con người có thể giải quyết vấn đề này? Nên chăng là xây dựng các hàm mục tiêu lớn hơn, khuyến khích các doanh nghiệp AI chung tay giải quyết vấn đề chung của xã hội và thêm những quy định của chính phủ để trừng phạt các công ty vi phạm. Và đích đến phải là chủ sở hữu AI đạt 100% lợi ích phù hợp với từng người.

Chủ động nhìn ra mặt trái của Al học nhiều tầng, nhưng cũng rất thẳng thắn và khách quan khi nhóm tác giả cho rằng: Công nghệ mới nào cũng có những mặt trái. Điều cần làm hiện nay đó chính là: thông báo cho mọi người về mức độ nghiêm trọng của các vấn đề và huy động cao nhất tìm giải pháp khắc phục.

Ở một viễn cảnh khác, trên đất nước Nigeria - một quốc gia đang phát triển ở châu Phi, thì những hệ lụy từ việc ứng dụng công nghệ đánh lừa thị giác cũng gây ra nhiều điều đáng bàn. Đó là khi AI có thể nhìn, nhận dạng, hiểu và tổng hợp các đối tượng, nó cũng có thể tạo ra hình ảnh và video không thể phân biệt được đâu là thật và đâu là giả. Đáng nói là ở tương lai khi con người không phân biệt được thật hay giả bằng mắt thường. Cuộc chiến lúc này thuộc về những người chế tạo deepfake và những người phát hiện deepfake. Nhóm tác giả đã kết luận rằng: các lỗ hổng do công nghệ gây ra luôn được giải quyết hoặc cải thiện bằng các giải pháp công nghệ mới. Chí ít là chúng ta vẫn luôn kiên định niềm tin như vậy khi nhìn về tương lai.

“Khát vọng sung túc” là lời cảnh báo sau cuối, xa hơn về viễn cảnh năm 2041 - khi mà cuộc cách mạng năng lượng, cách mạng vật liệu, Al tự động hóa có thể đưa chúng ta đi được một nửa chặng đường. Ở đó, có vẻ mô hình thiên đường Utopia đã hiển hiện: mọi nhu cầu cơ bản của con người được đáp ứng. Với năng lượng gần như miễn phí, vật liệu rẻ tiền và sản xuất tự động bằng AI, chắc chắn một thời đại thịnh vượng sẽ được mở ra.

“Khát vọng sung túc” vẫn đang nằm trong suy đoán của tác giả về một thế giới: người nghỉ hưu có được cuộc sống thoải mái, người lao động cần cù có cơ hội học tập những kỹ năng mới, những người yêu thích một điều gì đó có thể theo đuổi thứ khiến họ đam mê, những người chăm sóc đầy lòng nhân ái có thể lan tỏa tình yêu thương, người thành công có được sự tôn trọng và những người dám ước mơ có cơ hội thay đổi thế giới. Chúng ta cùng hy vọng về thế giới ấy giúp nâng càng nhiều người càng tốt lên đỉnh tháp nhu cầu Maslow.

10 câu chuyện chỉ ra vô vàn thách thức và nguy cơ từ AI mang lại, nhưng cũng truyền cảm hứng về các phẩm chất rất con người khiến chúng ta vượt qua nguy nan đi tới tương lai như: kiên trì, trắc ẩn, dũng cảm, yêu thương và công lý. Công nghệ tiến quá nhanh khiến chúng ta có cảm giác như một phép thuật, nhưng xin đừng tự biến mình thành khán giả thụ động, đừng nản lòng để tự biến tương lai thành mùa đông tuyệt vọng. Mùa xuân sẽ luôn nảy mầm từ ý chí tự do - một phẩm chất mãi mãi AI không có. Đó luôn là niềm dẫn dắt cho tất cả chúng ta đi tới 2041 bằng tình yêu, niềm tin, lý tưởng và khát vọng chân chính!

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]