Ảnh hưởng của địa lý tới vị thế của quốc gia
Công nghệ dường như có thể vượt qua khoảng cách không gian tinh thần và vật chất giữa chúng ta; nhưng chính miền đất nơi chúng ta đang sinh sống là vô cùng quan trọng. Những điều kiện tự nhiên luôn có sức mạnh ràng buộc tới nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia. Hay nói đúng hơn theo cách của Tim Marshall, bằng cách này hay cách khác, mỗi quốc gia đều bị yếu tố địa lý chi phối, ràng buộc, gây ảnh hưởng, chịu hạn định.
Địa chính trị ảnh hưởng đến mọi quốc gia dù trong thời chiến hay thời bình. Với quan điểm ấy, sách của Tim Marshall giới thiệu khái quát di sản địa chính trị từ quá khứ (sự hình thành quốc gia); những tình huống cấp bách nhất mà chúng ta phải đối mặt ngày nay (bất ổn khu vực Ukraine, ảnh hưởng của Trung Quốc hay sự cạnh tranh ngày càng tăng ở Bắc cực...).
Có lẽ vì thế, mà chưa khi nào độc giả lại nắm bắt và hiểu rõ những động thái của các quốc gia hiện nay đến thế. Đó là sự ảnh hưởng của Bắc cực và điều kiện khí hậu băng giá đã ảnh hưởng nước Nga như thế nào. Hay Trung Quốc với bài toán còn nhiều ẩn số trong việc xây dựng lực lượng hải quân toàn cầu. Hay những quyết định của Hoa Kỳ nâng tầm ảnh hưởng trên hai đại dương. Châu Âu với sự kiến tạo các giá trị của bình nguyên và các con sông, còn Châu Phi với những khó khăn nhất định trong địa chính trị...
Theo quan điểm của tác giả, bất kỳ người có lý trí nào đều nhận thấy công nghệ hiện đang bẻ cong các quy tắc thép của địa lý. Nhưng mãi mãi, địa lý và cách thức lịch sử của các quốc gia đã tự thiết lập trong địa lý ấy vẫn rất quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về thế giới hôm nay và tương lai của tất cả chúng ta.
Ở một góc độ nào đó, quan điểm này luôn khiến độc giả hiện nay phải thao thức. “Địa lý vẫn luôn luôn là một loại nhà tù - một nhà tù quy định một quốc gia là, hoặc có thể là gì, và một nhà tù mà các nhà lãnh đạo thế giới thường phải vật lộn để thoát ra”. Tất nhiên, địa lý không quyết định tiến trình của tất cả các sự kiện. Những ý tưởng vĩ đại và các nhà lãnh đạo vĩ đại là một phần trong lực xô đẩy của lịch sử. Tất thảy họ phải hoạt động trong phạm vi của địa lý.
Theo cảm nhận của chính tác giả, khi chúng ta đang vươn tới những vì sao, những thách thức đặt ra phía trước là những thách thức mà nhân loại phải chung tay đối phó. Du hành vào vũ trụ không phải với tư cách người Nga, Trung Quốc hay Mỹ mà là đại diện của nhân loại. Rõ ràng, đến nay, mặc dù thoát khỏi sự kìm hãm của trọng lực thì chúng ta vẫn bị giam cầm trong tâm trí của chính mình, bị giới hạn bởi sự nghi ngờ của mình về kẻ khác, còn bị cạnh tranh nguyên thủy về tài nguyên. Đúng là phía trước của tương lai, của nhân loại vẫn là một chặng đường dài.
Cuốn sách kết cấu gồm 10 chương, tìm hiểu từ Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Tây Âu đến Châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và Pakistan, Triều Tiên và Nhật Bản; tất nhiên có cả Châu Mỹ Latin và Bắc cực. Kho tàng kiến thức khổng lồ về lịch sử, địa lý và những kiến giải cho thách thức, hành động của mỗi quốc gia ở hiện tại, dự báo ở tương lai gần của Tim Marshall thêm một lần nữa khẳng định: một thế kỷ nữa kể từ bây giờ, nhân loại vẫn là “tù nhân của địa lý”.
Đúng là, người Nga vẫn sẽ lo âu dõi mắt về phía Tây, nơi có dải đất vẫn còn là bình nguyên dễ bị xâm nhập. Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sẽ bị cách ngăn bởi dãy Himalaya sừng sững. Địa lý sẽ xác định bản chất của những cuộc xung đột giữa hai nước trong tương lai, bất chấp sự phát triển của công nghệ và quân sự.
Nhìn xa hơn về phía trước, khi nhân loại tiếp tục bứt phá khỏi nhà tù địa lý của mình để vươn vào vũ trụ, các cuộc xung đột, mâu thuẫn về chính trị vẫn còn tồn tại trong không gian ít nhất là trong tương lai gần.
Có lần, một thầy giáo đã nói với chúng tôi rằng: Địa lý luôn là môn khoa học giao thoa giữa hai chuyên ngành tự nhiên và xã hội. Nhưng có lẽ cần phải bổ sung: tri thức địa lý luôn là chìa khóa cần thiết để mở cửa khám phá quá khứ, hiện tại và dự báo cho tương lai đối với mỗi hành động của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Suy đến cùng, như mỗi cá thể đều hoàn toàn chịu ảnh hưởng bởi cái nôi gia đình mà mình sinh ra và lớn lên thì mỗi quốc gia, dân tộc đều ảnh hưởng bởi vùng đất địa lý với các điều kiện tự nhiên và xã hội đặc trưng trong hành trình phát triển, kết nối với phần còn lại của thế giới.
Nguyễn Hường
- 2024-11-12 20:41:00
Hoa hậu Thanh Thủy đăng quang Miss International 2024
- 2024-11-12 09:27:00
“Tứ tung ngũ hoành” hay “tứ tung ngũ hành”?
- 2024-11-09 07:54:00
Hãy để tuổi trẻ viết tiếp câu chuyện văn hóa
“Hương đảng” không phải là “Phe cánh trong làng”
Tướng quân Nguyễn Phan
Tác phẩm về sự sáng tạo trong việc học ngôn ngữ giành giải cuộc thi Pháp ngữ
Người trẻ và sứ mệnh giữ gìn văn hóa dân tộc: Khi người trẻ giữ “lửa”
Triển lãm nghệ thuật “Phan Huỳnh Điểu-Cánh chim bay về”
Niềm vui với Toán học
UNESCO xem xét công nhận kỹ thuật nấu rượu sake là di sản văn hóa phi vật thể
“Bản giao hưởng sắc màu” Festival Hoa Đà Lạt 2024 hấp dẫn với nhiều hoạt động
Trở lại chuyện chính tả “xán lạn” hay “sáng lạn”