(vhds.baothanhhoa.vn) - Bắt nạt trên mạng, bắt nạt trực tuyến bằng ngôn từ , hình ảnh, đang là vấn đề khá nhức nhối gây ra nhiều hệ lụy đối với học sinh, sinh viên; thậm chí cả người nổi tiếng khi họ trở thành “nạn nhân” bị chỉ trích, chế nhạo trên các nền tảng mạng xã hội.

Bạo lực mạng: Lời nói “ảo” – Nỗi đau “thật”

Bắt nạt trên mạng, bắt nạt trực tuyến bằng ngôn từ , hình ảnh, đang là vấn đề khá nhức nhối gây ra nhiều hệ lụy đối với học sinh, sinh viên; thậm chí cả người nổi tiếng khi họ trở thành “nạn nhân” bị chỉ trích, chế nhạo trên các nền tảng mạng xã hội.

Hiệu ứng đám đông...

Bắt nạt mạng được diễn tả bằng thuật ngữ tiếng Anh là cyberbullying - một hình thức bắt nạt hoặc quấy rối bằng các phương tiện điện tử. Cụ thể hơn, bắt nạt qua mạng là khi một cá nhân bị đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm xấu hổ hoặc tra tấn tinh thần qua tin nhắn, trang web, mạng xã hội hay các thiết bị điện tử.

Theo đó, bắt nạt trực tuyến được thể hiện qua những hành vi như: Gửi thông điệp hoặc tin nhắn có nội dung xấu tới email hoặc điện thoại di động của ai đó; phát tán những tin đồn nhảm, có tính chất xúc phạm hoặc đe dọa qua mạng; lấy trộm thông tin cá nhân, ảnh/clip riêng tư hoặc không đẹp của ai đó rồi tung ra thông điệp gây hại; giả danh ai đó trên mạng để làm tổn thương người khác; nhắn tin gợi dục (mà chưa có sự đồng thuận) hoặc lưu hành những hình ảnh, tin nhắn gợi ý tình dục về một ai đó.

Bạo lực mạng: Lời nói “ảo” – Nỗi đau “thật”

Những lời lẽ tùy tiện làm tổn thương người khác lại là niềm vui của một số người. (Ảnh minh họa)

Trong thời đại số, mạng xã hội như “ngôi nhà thứ 2” của nhiều người, nơi chia sẻ mọi khoảnh khắc đời sống, công việc, giúp kiếm thêm thu nhập... nhưng cũng chính là “con dao” 2 lưỡi sẵn sàng “làm đau” bất cứ ai bằng chính những phát ngôn, bình luận sát thương, thậm chí là bình phẩm miệt thị, phán xét một ai đó rồi nhanh chóng biến mất.

Khác với bạo lực truyền thống, “nạn nhân” của bạo lực ngôn từ thường không biết thủ phạm là ai, không thể xác định và ngăn chặn chúng. Chưa kể, tâm lý a dua, hiệu ứng đám đông trên không gian mạng đã khiến một vài bình luận trở thành tâm bão bạo lực ngôn từ gây ra tổn thương, áp lực đối với những cá nhân đó, khiến những cá nhân bị chỉ trích rơi vào trạng thái tâm lý: Stress, trầm cảm, ám thị. Nguy hại hơn, có nạn nhân không chịu được áp lực đã tìm đến cái chết...

Bạo lực mạng: Lời nói “ảo” – Nỗi đau “thật”

Nạn nhân bị bạo lực mạng ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa)

Không chỉ lứa tuổi thanh thiếu niên, diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng cũng không nằm ngoài cuộc “phong sát” của cộng đồng mạng khi các hội nhóm, trang fanpage antifan đua nhau mọc lên thu hút hàng chục, hàng trăm nghìn thành viên. Nhất cử nhất động của người nổi tiếng đều được các thành viên cập nhật hàng ngày, hàng giờ và bị đem ra soi xét, phân tích, bàn luận trong các nhóm dạng này; từ những bình phẩm ác ý về ngoại hình đến xúc phạm gia đình và kỳ thị vùng miền. Có đến 1001 lý do người nổi tiếng phải hứng chịu “bão antifan” như: Hay nói đạo lý, xuất hiện quá nhiều trên truyền hình, gương mặt không phù hợp làm hoa hậu, đời tư tình ái... Nhiều người còn “vô tư” nói rằng người nổi tiếng thì đương nhiên phải chịu áp lực.

Cần có “vắc xin số”...

Từng là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, L.T (16 tuổi) chia sẻ: "Hồi mới vào lớp 10, em bị một số bạn trong lớp lập nhóm chat và viết confession chế giễu chỉ vì ngoại hình của em không được như các bạn. Đọc được những bình luận, đoạn chat như: cá sấu chúa, béo thế, mặt lắm mụn thế, da đen thế..., em cảm thấy vô cùng xấu hổ và có lúc muốn bỏ ngang chuyện học hành. Mỗi ngày đến lớp, em rất sợ ánh mắt của bạn bè. Dù bị như vậy, em cũng không dám nói với bố mẹ hay thầy cô mà cứ âm thầm chịu đựng. Lúc đấy em nghĩ, chắc các bạn trêu mãi rồi cũng chán thôi nhưng những câu nói ấy ám ảnh em đến tận bây giờ khiến em rất tự ti về bản thân.”

Bạo lực mạng: Lời nói “ảo” – Nỗi đau “thật”

Hội nhóm antifan mọc lên như nấm. (Ảnh chụp màn hình)

“Thủ phạm” vô tư bạo lực bằng những ngôn từ, hình ảnh mà không biết rằng những hành động đó là vi phạm pháp luật. Còn nạn nhân cứ phải cắn răng chịu đựng “nỗi đau” một mình mà không biết “kêu cứu” ở đâu.

Bạo lực mạng: Lời nói “ảo” – Nỗi đau “thật”

Nỗi đau, vết thương tinh thần đeo bám nạn nhân suốt cuộc đời. (Ảnh minh họa)

Mỗi cá nhân cần học cách chịu trách nhiệm với từng comment, nút like, share của mình, góp phần tạo ra một môi trường mạng văn minh, lành mạnh, nơi mọi người chia sẻ, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp.

Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội cần mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm soát hành vi, chặn những từ khóa nhạy cảm... như một lớp “hàng rào ảo” nhằm hạn chế tối đa nội dung độc hại. Các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra quy định rõ ràng về việc xử lý hành vi bắt nạt trực tuyến để can thiệp kịp thời đối với hành vi trên.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]