Bảo tồn và phát huy giá trị hát ru của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa
Hát ru là một trong những loại hình dân ca, các dân tộc trên đất nước ta nói chung và Thanh Hóa nói riêng, dân tộc nào cũng có những điệu hát ru của dân tộc mình. Hát ru là đưa trẻ thơ đi vào giấc ngủ. Đặc trưng cơ bản của hát ru là giọng điệu êm ả, chậm rãi, dàn trải và thường có những tiếng đưa hơi. Nội dung lời ru thường gần gũi, mộc mạc, chứa chan tình cảm, tình nhân ái, dạy con cách đối nhân xử thế, lòng hiếu thảo, những bài học rút ra từ cuộc sống và gửi gắm, nhắn nhủ con trẻ hướng tới những điều tốt đẹp... của người ru là cha mẹ với con, ông bà với cháu yêu...
Hát ru con của đồng bào Mường huyện Ngọc Lặc.
Ngoài những làn điệu hát ru thông thường, Thanh Hóa còn có một số làn điệu hát ru khác mang nét đặc trưng riêng của xứ Thanh và Hát khúc Tĩnh Gia là một trong những loại hình hát ru khá độc đáo.
Tĩnh Gia xưa, nay là thị xã Nghi Sơn nằm ở ven biển phía Nam tỉnh Thanh Hóa, giáp ranh với địa phận tỉnh Nghệ An. Có lẽ vì vậy mà hát ru ở đây chịu ảnh hưởng của hát giặm Nghệ Tĩnh và hát đồng dao xứ Thanh. Bởi hát ru Tĩnh Gia có thổ ngữ và âm điệu phảng phất hát giặm Nghệ Tĩnh và phần ca từ cấu trúc giống với những bài đồng dao ở các làng quê xứ Thanh xưa hoặc gần với hát ru của dân tộc Thổ huyện Như Xuân.
Hát ru Tĩnh Gia có lời ca phần mở đầu và kết thúc là một câu thơ lục bát (6/8) và hát theo nhịp tự do, phần giữa là những câu thơ 4 chữ (đôi khi có câu 5 hoặc 6 chữ) được hát theo nhịp 3 phách, tạo cho giai điệu hát ru vừa vui tươi như đồng dao, vừa dịu êm bồng bềnh hòa với nhịp võng đưa.
Hát ru Tĩnh Gia phản ánh cuộc sống lao động vất vả, hiểm nguy của những người chồng, người con lênh đênh trên biển cả, đánh cá để nuôi sống gia đình và cả cộng đồng, hoặc kể chuyện tình duyên, mơ ước về hạnh phúc lứa đôi... những ước mong ấm no, bình an, hạnh phúc được gửi gắm, thổ lộ tình cảm của người ru thông qua những khúc ru đưa con trẻ đi vào giấc ngủ, nên còn gọi là hát ru: “Ngồi buồn chặt thép uốn câu/Đốn cần, xe nhợ, gọt phao, mắc mồi/Trải chiếu ra ngồi/Bờ sông đủng đỉnh/Là chốn thanh nhàn/Là chốn ngao du/Cá vược cá thu/Nghe mồi tìm lại/Cá ở dưới bãi/Cá trắng như bông/... Cá nhiều cho bõ công anh/Uốn cần, xe nhợ, buộc phao, mắc mồi”.
Với lời thơ 4 chữ được hát nhấn hai âm tiết một, ta nghe vừa cảm thấy ấm áp như một câu hát đồng dao, lại vừa thấy có vị ngọt ngào của hát giặm Nghệ Tĩnh. Đặc trưng của hát khúc Tĩnh Gia là nét riêng của hát ru xứ Thanh.
Người Việt xứ Thanh trong hát ru, phổ biến với điệu Ru hời, giai điệu đẹp, tiết tấu luyến láy có nét đặc trưng. Thông qua lời ru trẻ nhỏ, người hát muốn gửi nhắn, khuyên nhủ về lòng thủy chung: “Tay nâng chén muối, đĩa gừng/Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau”. Đặc biệt, không chỉ ru trẻ ngủ mà còn có cả làn điệu ru cho người lớn ngủ trong những chuyến dò ngược xuôi sông Mã với điệu Hò ru ngủ. Điệu hò lao động nhưng êm ả, trữ tình, điệu hò ngân lên từ nửa đêm đến sáng để ru ngủ khách đò trong khung cảnh mênh mang của sông nước, trời mây, gió ngàn sau một ngày hành trình đầy vất vả, lo âu vượt thác, băng ghềnh, sóng to, nước xoáy trên dòng Mã giang.
Miền núi Thanh Hóa là địa bàn của 6 dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng bào đã sáng tạo và thực hành nhiều làn điệu hát ru của dân tộc mình với những làn điệu ru nhiều luyến láy, lên bổng xuống trầm, mộc mạc trong lành như tiếng suối reo, êm ả mướt xanh như sắc lá đại ngàn, phù hợp với tâm tình của người ru đối với bé thơ, hoặc nỗi niềm mong ngóng, nhớ thương của người ở lại với người xa bản, xa mường.
Đồng bào dân tộc Mường có các làn điệu hát ru mang hơi thở nồng ấm hòa lẫn với âm điệu xường ngân lên khắp các bản Mường.
Lời của các điệu ru Mường thường theo thể thơ tự do, tính chất âm nhạc chậm, du dương. Người ru thường vừa hát nựng con trẻ ngủ vừa làm công việc gia đình như nấu cơm, giặt giũ, giã gạo... hay địu con trên lưng để cấy lúa dưới ruộng, làm cỏ trên nương rẫy.
Đồng bào Mường cho rằng hát ru không đúng nội dung và thời điểm thì vía của con trẻ dễ bị lạc và gặp điều run rủi, nên hát ru phải quy ước thành 3 loại: hát ru ban ngày, hát ru ban đêm và vừa ru ban ngày vừa ru ban đêm, phổ biến là 2 loại ru ngày và ru đêm. Theo các cụ già cho biết, những bài hát ru ngày không được ru ban đêm, nhưng các điệu hát ru đêm thì có thể hát ru ngày được.
Những hát ru ngày vang xa theo nhịp võng đưa và thường có câu mở đầu là Chôống lêu lêu...; Chôống... dá dá...; Ru ru là rày rày...; Rú ru ời rãy... Rú ru là ru... hoặc Chôống lêu lêu làng làng: “Chôống lêu lêu làng làng/Diều hâu bắt gà trên chóp đồi Tô/Mặc áo hoa dành lo áo xám/ Khóc cái gì con? Khóc cái chi con à, con ơi! /Mẹ tiếc đứt ruột gan mẹ lắm/Ai theo chồng về từ tháng sáu/Ai theo bạn về trong tháng năm/Bẻ lìa đôi vòng bạc/Về thăm nom bạn lứa đẹp đôi”.
Những bài hát ru đêm cũng có câu mở đầu riêng như: Túc cùn, túc kha...; Ru ru là rãy...; Tập bồng bông...; Quắc cu, quắc queeng... với nhịp điệu trầm ấm, dịu dàng, tâm tình, vỗ về. Nội dung những lời ru đêm rất đa dạng, nhưng thường đung đưa trong những vần thơ của các chuyện cổ dân tộc Mường, như: chuyện Nàng Ờm, Nàng Nga hoặc Út Lót...
Hát ru của đồng bào dân tộc Thái với giai điệu chậm rãi, êm ái, mang hơi thở của những làn điệu khặp; lời ca là những câu thơ tự do, nhắn nhủ, dạy con trẻ những điều tốt đẹp: “Ngủ ngoan, con à/ Ngủ trên nôi mây con à/Ngủ say trưa lại tối/Rồi ăn uống cho ngoan/Nào nhắm mắt lại ngủ cho ngoan/Mẹ lên nương lấy trứng về cho con/Bố ra ruộng bắt cá/Đào lấy cả củ từ về cho con ăn/Ngủ ngoan con à!”.
Hát ru của đồng bào dân tộc Dao có giai điệu mộc mạc, mang âm hưởng đặc trưng riêng của dân tộc mình. Lời ru dùng thể thơ 4 - 5 chữ và giai điệu gần giống với thể loại đồng dao: “Ơ ơ! Ngủ ngoan nào/ Ngủ lâu nhé hỡi em/ Bước chân mẹ lên đồi/Trồng lúa xanh tươi/Trồng sắn tốt rẫy/Đến chiều về bắt được /Mẹ cho con cua rừng nhé/Ngủ ngoan, ngoan/Ơ ới ngủ ngoan nào!”.
Hát ru của đồng bào Thổ mở đầu là những câu tự do, mềm mại, với tiếng đưa hơi “ơ” “a” như hát ru vùng đồng bằng, phần tiếp theo lời ru có tiết tấu và âm hưởng của dân ca Thổ nhưng lời ru về cơ bản là những câu thơ 5 chữ, gần với hát đồng dao: “Ơi à!... Con cá cụt đuôi/Mẹ chẳng nuôi, mẹ nấu/Nấu canh bồi cho ngon/Múc cho con hai bát/Còn lúc khác, đói ăn/Chớ nhăn nhăn mẹ mắng/Ơi à!... ngủ ngoan cho mẹ cha/Phát cái rẫy cái nương/Ở bên này đầu truông/Quả chuối đang chín vàng/Quả chàng ràng chín đỏ.../Ơi à!... Ngủ cho bố đi rừng/Ngủ cho mẹ ra đồng. Ơi à!...”.
Hát ru của đồng bào dân tộc Mông ở Thanh Hóa mở đầu với giai điệu mềm mại, nhẹ nhàng, luyến láy theo âm hưởng của dân ca Mông, lời ru tự do, chứa chan nghĩa tình mẫu tử: “Con nhỏ ơ ơ ơ... đừng khóc, ngủ ngoan ơ ơ ơ.../Con ngủ cho ngoan ơ ơ ơ.../Mẹ thương yêu con rất nhiều ơ ơ ơ!.../Con ngủ ơ ơ ơ... để mẹ đi làm ơ ơ ơ... /Con ngủ cho ngoan ơ ơ ơ... /Về mẹ cho bú, cho ăn ơ ơ ơ!”.
Cuộc sống hôm nay với các phương tiện hiện đại đã làm lu mờ lời ru à ơi mộc mạc, nặng nghĩa tình của bà, của mẹ, của chị... dành cho bé thơ. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống bộn bề lo toan khiến người ta sao lãng hát ru. Tuy nhiên, ý nghĩa nhân văn và giá trị nghệ thuật của những lời hát ru ấm áp tình người vẫn có sức sống trường tồn và lan tỏa. Hát ru của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh chính là “sữa nuôi phần xác, hát ru phần hồn” nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn các thế hệ người dân quê Thanh ta khôn lớn, trưởng thành cần phát huy giá trị không chỉ hôm qua, hôm nay mà còn mãi mai sau.
Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-06-01 08:18:00
Phát triển du lịch cộng đồng ở Thành Lâm
“Chung đỉnh” là gì?
Đánh thức tiềm năng, lợi thế từ rừng để phát triển du lịch cộng đồng
Nhà sách Fahasa Lam Sơn - “điểm hẹn” mùa hè
Sách thiếu nhi dịp Hè: Nội dung phong phú, đa dạng thể loại
Trí tuệ khắc kỷ - Học cách sống đạo đức và dũng cảm
“Hoa vui ca”: Sân chơi âm nhạc mới trên sóng VTV dành cho khán giả nhỏ tuổi
Thường Xuân: Sôi nổi các phong trào văn hóa - thể thao
“Hằng ngày” và “hàng ngày”
10 năm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW: Xây dựng văn hóa và con người Sầm Sơn ngày càng đẹp trong lòng bạn bè, du khách