Bút sắt của “lão nhà quê” Lê Mai
“Tôi sinh ra trên những luống cày ở làng quê xứ Thanh, tôi lớn lên từ hơi ấm ổ rơm, tôi ra đi theo lời bài hát “Tiến quân ca”, những tâm sự ấy đã được thăng hoa hơn qua ngòi bút, nét cọ của họa sĩ Lê Mai”.
“Đánh chiếm thành Quảng Trị 1972” (tranh bút sắt đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).
Căn nhà của họa sĩ Lê Mai ở ngay cạnh Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Tiên Trang (Quảng Xương), ồn ào tiếng còi, xe ngược xuôi khác hẳn suy nghĩ của tôi rằng ông sẽ ở trong không gian lao xao giếng nước ao làng, thơm mùi thóc lúa rơm rạ. Bởi nếu ai đã xem tranh của họa sĩ Lê Mai một lần cũng đều thấy cái tình quê tràn trong lồng ngực ông ứa ra qua từng nét vẽ của “lão nhà quê” theo cách ông tự nhận.
Người nhà quê ấy sau khi rời gia đình đã đi học Trung cấp Lâm nghiệp Thanh Hóa sau đó công tác tại Ty Lâm nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa). Đến năm 1970, khi cuộc chiến tranh bước vào những giai đoạn ác liệt nhất, ông quyết xin nhập ngũ. Bước chân vào chiến trường, ngoài 2 bộ quần áo, ông mang theo chiếc bút và 4 lọ mực Cửu Long. Nhờ đó mà ông đã ký họa được biết bao gương mặt đồng đội với những hy sinh và mất mát. Năm 1976, ông ra quân về công tác tại Công ty Mỹ thuật Thanh Hóa, rồi về Nhà Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh). Đến năm 1978, khi Tổ quốc gọi tên, ông lại tiếp tục khoác ba lô lên đường tham gia chiến đấu. Năm 1982, ông ra quân, từ đó chính thức gắn bó với bút vẽ cho đến bây giờ.
Hai lần vào chiến trường, 3 lần bị thương, ông may mắn trở về với quê hương gốc rơm, bờ rạ. “Tôi may mắn lại được trở về với quê nhà để trả món nợ tình dài mà ngay cả đến kiếp sau tôi cũng không thể làm xong. Một món nợ tình duyên của nghệ thuật hội họa”, họa sĩ Lê Mai vừa nói vừa ngân ngấn nước mắt.
Có lẽ cũng bởi là người đàn ông dễ xúc động đa cảm nên tranh của họa sĩ Lê Mai thật nhiều tình cảm. Nhắc đến ông là người ta nhắc đến một họa sĩ bút sắt. Theo ngọn bút sắt, ta có thể hình dung dấu chân của ông trải dài theo năm tháng. Từ những ngôi nhà ngói cổ Hà Giang đến những nhà tranh gốc mít trung du, từ nhà rông Tây Nguyên đến những cánh rừng Trường Sơn lộng gió, rồi những con đò nép dưới lùm tre trên các con sông của đồng bằng sông Hồng... Và với Thanh Hóa là cả một trời thương nhớ gắn liền với gốc mít, đống rơm, chum nước, hàng cau... hiện lên thật gần gũi. Đặc biệt, tranh của họa sĩ Lê Mai không hề có bóng dáng của những thiếu nữ duyên dáng, hay loài hoa đài các kiêu sa. “Cơ bản là do tôi không thạo vẽ những con người, sự việc nơi phố thị”, họa sĩ Lê Mai bộc bạch.
“Quảng Phúc quê tôi” (sáng tác năm 2003).
Nói đến vẽ bút sắt, nhiều người chỉ nghĩ tới các bức ghi chép nhanh hoặc ký họa trong thời gian ngắn. Nhưng, với họa sĩ Lê Mai thì ngược lại. Ông dùng bút sắt để sáng tác theo cảm hứng, để tỉa tót kỹ lưỡng. Tưởng như ông không hề bị câu thúc bởi đề tài, hình thể người, tranh bút sắt của ông “rất ảnh mà không ảnh”, “không màu mà như có màu”. Dừng trước mỗi bức tranh bút sắt của ông, nhìn càng lâu, xuyên qua nét màu mực đen, ta nhận ra ở phía sau đó có sự phân định các mảng nét đậm nhạt, bố cục hài hòa đẹp mắt.
Cây bút sắt theo ông từ chiến trường đến ngày hôm nay. Vì thế mà tranh của họa sĩ Lê Mai có hai đề tài nổi bật là phong cảnh làng quê và chiến tranh cách mạng. Chiếc bút sắt dùng để viết nhật ký, viết thơ và cũng là chiếc bút ông dùng vẽ những gì mình yêu thích. Có mặt trong 29 cuộc triển lãm về đề tài chiến tranh cách mạng ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Quân đoàn II..., tranh bút sắt là “đặc sản” của họa sĩ Lê Mai, không lẫn với bất kỳ họa sĩ nào khác. Sống với những người mình vẽ và vẽ những người mình sống đã tạo nên nét duyên trong các tác phẩm: “Đánh chiếm thành Quảng Trị 1972”, “Trước cửa ngõ Sài Gòn”, “Đánh chiếm thành Huế”, “Cửa mở”, “Một thời chiến tranh”... Chẳng thế mà nhà sưu tập nghệ thuật Trần Anh Tuấn vì yêu mến tài năng, vì yêu màu mực đen đã dành một không gian đáng kể lưu giữ trên 300 tác phẩm của họa sĩ Lê Mai.
Bên cạnh tranh về đề tài chiến tranh, những bức miêu tả phong cảnh “Sân kho hợp tác những năm 60”, “Tuổi thơ tôi trong mùa lũ”, “Chiếc xe công nông mùa gặt”, “Chiều trên đồng Quảng Lợi”, “Cầu cọ bắc qua vườn cọ”, “Biển Sầm Sơn”... ít nét nhiều tình, thức dậy trong ta những đồng cảm, dễ chịu. Đặc biệt, chỉ cần nhìn thấy những cây rơm là ta có thể tưởng tượng về một màu vàng óng, lấp lánh reo ca. Phải yêu quê hương lắm họa sĩ Lê Mai mới có thể vẽ được đủ đầy những sắc thái của làng quê. Và với một họa sĩ có lẽ chỉ cần tình yêu ấy cũng đủ là đề tài, nguồn cảm hứng để ông theo đuổi đến hết đời.
Khi tôi hỏi về lý do chọn bút sắt làm phương tiện, họa sĩ Lê Mai thẳng thắn nhận: Từ thiếu thốn mà lựa chọn. Trong chiến trường chỉ có giấy trắng mực đen; đến khi về quê hương thì cũng vẫn nghèo, chưa đủ tiền mua toan, mua màu...
Và sau này, có điều kiện kinh tế hơn, họa sĩ Lê Mai chuyển thêm hướng vẽ tranh sơn dầu, bột màu. Những bức tranh như “Ông già trước biển” đặt sự quắc thước của tuổi tác trong sinh nhai bề bộn; “Thu hoạch mía” với niềm vui trước những thành quả ngọt ngào; “Đêm Trường Sơn” huyền ảo màu sắc và những ngộ nghĩnh trẻ thơ trong “Trường Sa yên ả”... đậm dấu ấn phong cách và tinh thần của họa sĩ Lê Mai.
Đề tài làng quê và chiến tranh vẫn là mạch nguồn để ông sáng tạo. Và tôi nhận ra rằng, dù vẽ bằng hình thức nào thì tranh của Lê Mai cũng rất vui tươi, lạc quan và hạnh phúc.
Qua 6 cuộc triển lãm cá nhân ông chỉ đặt một cái tên duy nhất: “Mảnh hồn làng”. Ông quan niệm, qua chiến tranh nhiều làng quê đã vỡ vụn và ông chỉ là một trong trăm ngàn mảnh vỡ đó mà thôi. Tôi tin đó chỉ là cách nói vui của ông. Bởi, hồn làng là nơi không gì có thể thay đổi, nơi họa sĩ Lê Mai gửi gắm bao tâm sự, nơi đó găm lại trong ông những ký ức đẹp tươi. Nói như họa sĩ Lê Quốc Bảo: Lê Mai định hình, định vị một phong cách nghệ thuật hiện thực, giàu chất thơ và đa dạng về thể loại, chất liệu có khả năng đối thoại rộng rãi.
Họa sĩ Lê Mai.
Họa sĩ Lê Mai giới thiệu: “Trong nhà vẫn còn khoảng 700 bức tranh, chủ yếu là tranh bút sắt. Ngoài một số ít được đóng khung treo trang trọng thì phần lớn tôi cất giữ cẩn thận trong va li”. Với 3 tập sách Lê Mai bút sắt tập 1, Lê Mai bút sắt tập 2 và làng quê Việt Nam, đến nay sau lần tái bản, ít nhất có hơn 6.000 cuốn sách đã đến tay những người mến ông và yêu tranh ông vẽ.
“Nói là không giống ai hay tạo ra một lối đi riêng có lẽ là to tát với tôi. Tôi chỉ nghĩ mong rằng những bức tranh mình vẽ ra, đủ sức lay động người xem, đó là hạnh phúc”. Hạnh phúc hơn khi khá nhiều tranh của ông đã được giải thưởng, được tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Đặc biệt, ông còn hạnh phúc hơn rất nhiều người vì bên cạnh có người bạn đời cùng tham gia chiến trận, thấu hiểu nghề nghiệp và chăm lo vun vén.
Gương mặt, dáng đi, cách nói chuyện của họa sĩ Lê Mai đặc sệt lão nhà quê chất phác, giản dị, cần mẫn. Đến nay, vừa tròn 80 tuổi, bàn tay ông đã run rẩy, trí nhớ cũng vơi dần, nhưng hễ nhắc về làng quê có bóng dáng mẹ già, về những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường là ông lại rưng rưng, chỉ chực rớt nước mắt.
Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-10-31 16:21:00
Diễn đàn Văn hóa các thành phố thế giới 2024: Thúc đẩy tương lai sáng tạo
Cuộc thi Tiếng hát Hà Nội trở lại, Giải Đặc biệt lên tới 500 triệu đồng
Hello Kitty: Nửa thế kỷ thống trị thế giới bằng “sức mạnh đáng yêu”
Phát hiện bản nhạc hiếm của thiên tài Chopin sau gần 200 năm
Đề xuất tăng thuế lĩnh vực văn hóa: Liệu có kìm hãm sự phát triển của ngành?
Sử dụng kết nối thông tin vì một nhân loại tốt đẹp hơn
Hiệu quả từ các mô hình văn hóa - thể thao
Phim “Đóa hoa mong manh” của Việt Nam lần đầu công chiếu tại Anh
“Quá mù ra mưa” và “T ừ cõi chết trở về ”
Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa - thể thao ở khu vực miền núi