“Các anh về mái ấm nhà vui”
“Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, “Tất cả vì bình yên cho biên cương Tổ quốc” - với những chiến sĩ quân hàm xanh, đó là mệnh lệnh của trái tim người lính, là lẽ sống, lý tưởng!
Lớp học xóa mù chữ của Đồn Biên phòng Trung Lý tổ chức tại bản Tà Cóm.
Khi sương đêm buông xuống những triền núi dốc đứng nơi vùng biên cương, tiếng đọc ê a vang lên dưới tán rừng thẳm. Ánh sáng của bóng đèn năng lượng mặt trời soi rõ khuôn mặt những học viên của lớp học, họ là những người đàn ông, phụ nữ đã “cứng” tuổi, có cả những bà mẹ địu con sau lưng. Trước mặt họ, một người lính mang quân hàm xanh đang chậm rãi viết từng nét chữ lên bảng, giọng đọc rõ ràng, dõng dạc. Đó là lớp học xóa mù do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý mở tại bản Tà Cóm.
Là một trong những xã biên giới có diện tích rộng, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, xã Trung Lý có 15 bản, được phân bố trải dài hàng chục km. Khoảng cách từ trung tâm xã đến bản xa nhất (bản Tà Cóm) khoảng 50km đường rừng, nơi có nhiều người dân tộc Mông sinh sống. Do nhận thức còn hạn chế, nên có một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ chưa biết đọc, biết viết.
Đại úy Hơ Văn Di, cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý, cho biết: "Khi cái ăn còn chưa no thì việc vận động bà con đến lớp không phải chuyện “một sớm, một chiều”. Trong quá trình dạy xóa mù chữ, cán bộ đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ấn tượng nhất đối với tôi là nữ học viên sinh năm 1965, người dân tộc Mông, vượt qua rào cản về tuổi tác, suốt 3 tháng chị kiên trì, bền bỉ đến lớp, rèn từng nét chữ và rồi đã biết đọc, biết viết. Mình là bộ đội của dân, không thể để bà con bị mù chữ được”.
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa luôn nắm chắc tình hình địa bàn, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, hiểu rõ những tâm tư, tình cảm cũng như những khó khăn, vất vả của Nhân dân. Bằng tấm lòng, tinh thần trách nhiệm, người lính quân hàm xanh trên khắp nẻo biên cương đã triển khai nhiều cách làm, mô hình hiệu quả, giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tình đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Hiện nay, BĐBP Thanh Hóa đang tăng cường phân công 531 đảng viên phụ trách 2.501 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Các đảng viên BĐBP không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình để xóa đói, giảm nghèo mà còn là cầu nối tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. BĐBP tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới, vùng biển với nhiều phong trào, mô hình, cách làm sáng tạo, có sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng Nhân dân, như: phong trào “BĐBP chung sức XDNTM, đô thị văn minh”, “BĐBP chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; chương trình “Nâng bước em tới trường - con nuôi đồn biên phòng”, “Mái ấm giúp người nghèo nơi biên giới”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”...
Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trên vùng biên giới, Thiếu tá Hơ Văn Xá, đội trưởng vũ trang, Đồn Biên phòng Pù Nhi thấu hiểu nét đặc trưng về phong tục, tập quán của bà con nơi đây. Thiếu tá Hơ Văn Xá chia sẻ: “Đơn vị đã phân công 22 cán bộ, đảng viên phụ trách 132 hộ gia đình nghèo trên địa bàn 3 xã: Pù Nhi, Nhi Sơn và Mường Lý. Khi được phân công phụ trách hộ gia đình, các đảng viên đều phải chủ động tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh để đề xuất với chỉ huy đơn vị có những phương án, biện pháp giúp đỡ các gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy đơn vị yêu cầu mỗi đảng viên cần am hiểu phong tục, tập quán đồng bào và thói quen của từng hộ gia đình, từng cụm dân cư để có những cách thức giúp đỡ phù hợp, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, củng cố cơ sở chính trị, đảm bảo an ninh - trật tự thôn, bản”.
Song song với việc vận động người dân phát triển kinh tế, Thiếu tá Hơ Văn Xá đã tích cực tham mưu cùng chính quyền địa phương triển khai tốt chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trao tặng mô hình sinh kế, “Mái ấm biên cương”, sổ tiết kiệm cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Không dừng lại ở việc giúp dân phát triển kinh tế gia đình, các đồn biên phòng còn huy động cán bộ, chiến sĩ đóng góp ngày công cùng dân xây dựng nhà đại đoàn kết, mở đường dân sinh, nạo vét kênh mương nội đồng, kéo điện thắp sáng vùng quê. Những việc làm “3 bám, 4 cùng” tuy bình dị nhưng là cả tấm lòng của người lính đối với Nhân dân.
Hay như trong những ngày biển động, khi tàu thuyền phải neo đậu vì áp thấp nhiệt đới hoặc gió mùa thổi mạnh, các đồn biên phòng tuyến biển lại trở thành “nơi tránh bão" cho ngư dân. Những chốt được lập tại các điểm xung yếu, không chỉ kiểm tra, cảnh báo, mà còn tặng áo phao, nhu yếu phẩm, vận động ngư dân không ra khơi. Và cũng có lần, giữa mênh mông biển đêm, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị bám xuồng cao tốc, chạy hàng giờ trên biển để cứu ngư dân bị nạn trên biển. Những hành động ấy không cần lời khen, chỉ cần một cái nắm tay siết chặt, tình quân dân bền chặt giữa muôn trùng biển khơi...
Bài và ảnh: Hoàng Lan
{name} - {time}
-
2025-07-28 15:00:00
Bản tin Tài chính – Thị trường 28/7/2025
-
2025-07-28 10:36:00
Đừng để dòng sông vọng lên lời kêu cứu
-
2025-07-28 07:25:00
Nỗ lực an cư ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai