(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là một vùng đất cổ thuộc Bắc Trung bộ Việt Nam, phía Đông hướng ra biển lớn, có sự phát triển lâu đời và liên tục. Đôi bờ sông Mã là nơi các nền văn hóa cổ hình thành, phát triển, tỏa sáng, đóng góp vào sự hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam và kho tàng văn hóa nhân loại, đó là: Văn hóa Hoa Lộc, Đa Bút và rực rỡ nhất là văn hóa Đông Sơn. Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa này cũng là địa bàn sinh tụ lâu đời của các dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú..., các dân tộc đã đoàn kết trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, xây dựng làng, bản và sáng tạo nên những tinh hoa văn hóa làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Không chỉ vậy, người Thanh Hóa từ xa xưa đã xây dựng nên một sắc thái văn hóa mang đậm dấu ấn biển, đảo.

Các “tầng”, “vỉa” lấp lánh trong kho tàng Văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh

Thanh Hóa là một vùng đất cổ thuộc Bắc Trung bộ Việt Nam, phía Đông hướng ra biển lớn, có sự phát triển lâu đời và liên tục. Đôi bờ sông Mã là nơi các nền văn hóa cổ hình thành, phát triển, tỏa sáng, đóng góp vào sự hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam và kho tàng văn hóa nhân loại, đó là: Văn hóa Hoa Lộc, Đa Bút và rực rỡ nhất là văn hóa Đông Sơn. Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa này cũng là địa bàn sinh tụ lâu đời của các dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú..., các dân tộc đã đoàn kết trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, xây dựng làng, bản và sáng tạo nên những tinh hoa văn hóa làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Không chỉ vậy, người Thanh Hóa từ xa xưa đã xây dựng nên một sắc thái văn hóa mang đậm dấu ấn biển, đảo.

Các “tầng”, “vỉa” lấp lánh trong kho tàng Văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh

Miền biển xứ Thanh nằm bên bờ sóng thuộc vịnh Bắc bộ, có vị trí địa lý, kinh tế quan trọng, với đường bờ biển dài 102 km, trải qua 6 huyện, thị xã, thành phố: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Sầm Sơn và Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), là con đường xuyên Á ra biển Đông nối với đường hàng hải quốc tế. Ngoài biển có các đảo nổi, đảo chìm như: Hòn Nẹ (Hậu Lộc), Hòn Mê và Bán đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn). Bờ biển xứ Thanh - nơi có núi nhoài ra tận biển và có những dòng sông đổ ra biển lớn, hình thành nên những cửa lạch: Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Trào, Lạch Ghép và Lạch Bạng thuận lợi cho thuyền bè neo đậu, vươn khơi và cung cấp lượng phù du dồi dào cho các loài thủy hải sản sinh tồn và phát triển. Nơi cửa sông đổ ra biển cũng là nơi hình thành và phát triển của cư dân các làng chài và nghề buôn bán gắn liền với sông nước, biển khơi... đã mang đến cho văn hóa biển nơi đây vừa hội tụ được nét chung của Bắc bộ, vừa mang những nét riêng của văn hóa biển Bắc Trung bộ Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Hoàng Bá Tường là người con sinh ra và lớn lên ở một làng quê biển, làng ấy xưa có tên là Kẻ Khả, ngày nay là tổ dân phố Đoan Hùng, phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn). Sống trong môi trường biển, được tiếp cận với biển ngay từ thuở nhỏ đã đem đến cho ông tâm hồn phóng khoáng, lòng yêu biển, gắn bó với biển khơi, với những truyện kể, dân ca, hò, vè, tín ngưỡng, lễ hội, tri thức và ẩm thực bản địa… phong phú, đặc sắc và mang đậm dấu ấn văn hóa biển. Quá trình học tập và công tác, có điều kiện đi đến nhiều vùng, miền trong tỉnh và cả nước, ông vẫn đau đáu về biển, về văn hóa biển - đảo. Vì vậy, ông đã dành nhiều thời gian để sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu tới bạn đọc tác phẩm “Văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh”.

Tác phẩm được NXB Thanh Hóa xuất bản và phát hành mang đến cho bạn đọc các “tầng”, “vỉa” lấp lánh trong kho tàng văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh mà cha ông ta đã dày công vun đắp; những giá trị, tinh hoa văn hóa cổ trầm tích trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, người Việt ở các làng biển trên đất xứ Thanh. Cư dân Việt cổ miền duyên hải xứ Thanh gắn bó với biển từ khá sớm, những di chỉ khảo cổ học khẳng định cư dân Việt ở đây sống bằng nghề đánh bắt cá. Đặc biệt, cư dân Gò Trũng đã biết đan những tấm lưới bằng sợi gai hoặc những loại dây rừng khác, đóng những chiếc thuyền gỗ bên cạnh bè truyền thống để ra khơi. Cùng với sự phát triển nghề đánh bắt cá biển, cư dân Gò Trũng đã biết xe sợi, dệt đan lưới, bện thừng, làm thuyền bè để đánh cá và vươn tới những vùng biển xa. Từ bao đời nay, các thế hệ người dân nơi đây với tâm hồn rộng mở và giàu trí thông minh, họ đã sáng tạo và trao truyền nhiều loại hình văn hóa in đậm trong tâm thức dân gian và được thực hành trong cuộc sống như: phong tục, tập quán, tục ngữ, ca dao, dân ca, truyền thuyết và cổ tích… Nổi bật là những truyền thuyết, huyền tích về ước mơ và khát vọng chinh phục biển khơi của cư dân mang đậm sắc thái văn hóa biển. Đó là kỳ tích đào biển, gánh núi của các nhân vật khổng lồ trong những câu chuyện dân gian về ông Tần, ông Lau… đào sông, lấp bể ở vùng Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn; ông tát bể, ông quảy núi, cõng đá… sắp đặt nên Hòn Bò, Hòn Bảng, núi Linh Trường, đảo Nẹ và đảo Mê… ở vùng biển Hoằng Hóa, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn; thanh kiếm đầu cân còn sừng sững giữa trời, đảo nhỏ, đảo chìm nhấp nhô như đàn ngựa thần sải vó phi nước đại lướt trên sóng nước, biển khơi... vùng Nam thị xã Nghi Sơn; truyện kể dân gian về Bà Mẹ Núi - người phụ nữ đã hóa thân thành dãy núi Trường Lệ chắn sóng, không cho biển cả chồm bờ tàn phá làng chài và những người dân vô tội để cuộc sống được bình yên. Đặc biệt, sự tích quả dưa hấu, từ thuở Hùng Vương cho biết, miền đất xứ Thanh xưa mênh mông là biển lớn. Hay câu chuyện cảm động của người con làng Núi (Sầm Sơn) tự xẻ đôi thân mình, một nửa theo những người dân ra khơi đánh cá, chống lại quỷ biển, một nửa thân mình ở lại đất liền bảo vệ bà con làng chài được cư dân biển muôn đời tri ân ghi nhớ. Bà Triều ở làng Triều Dương, xã Quảng Cư, TP Sầm Sơn, dạy cho dân biết nghề đan xăm súc, lưới chài. Bà vừa là Tổ nghề làm ra ngư cụ đánh bắt hải sản, lại vừa là Mẫu Thoải… Cửa Tấn - Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) còn lưu giữ câu chuyện về Lễ Thành Hầu - người mở mang vùng đất làng Như Xuân bên bờ biển vắng; xã đảo Nghi Sơn - một điểm hội tụ văn hóa - lịch sử, còn lưu giữ trong dân gian làng chài nhiều huyền thoại về vua Hùng, Mỵ Châu - Trọng Thủy và giếng rửa ngọc; chuyện Quang Trung xây dựng thủy binh nối liền với phòng tuyến Tam Điệp, danh tướng Tôn Thất Cơ - viên quan triều Nguyễn có nhiều công lao với người dân trên Cù lao Biện...

“Văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh” của TS Hoàng Bá Tường không chỉ giới thiệu tinh hoa văn hóa dân gian biển - đảo xứ Thanh đến với Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà mà còn cung cấp tư liệu quý báu cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh. Tác phẩm được xuất bản là việc làm thiết thực và có ý nghĩa to lớn, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đồng thời góp phần thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài và ảnh: Hoàng Tú



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]