(vhds.baothanhhoa.vn) - Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số (CĐS) để thúc đẩy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, huyện miền núi Cẩm Thủy đang từng bước khắc phục khó khăn, CĐS tổng thể, mang đến nhiều tiện ích cho người dân thông qua công nghệ số.

Cẩm Thủy nỗ lực chuyển đổi số, kéo gần khoảng cách vùng miền

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số (CĐS) để thúc đẩy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, huyện miền núi Cẩm Thủy đang từng bước khắc phục khó khăn, CĐS tổng thể, mang đến nhiều tiện ích cho người dân thông qua công nghệ số.

Cẩm Thủy nỗ lực chuyển đổi số, kéo gần khoảng cách vùng miềnNgười dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” huyện Cẩm Thủy.

Để thực hiện CĐS thành công, Cẩm Thủy xác định hạ tầng số phải đi trước một bước, từ đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật bưu chính, viễn thông trên địa bàn huyện cơ bản được đầu tư hiện đại, phủ khắp các xã, thị trấn. Mạng cáp quang băng thông rộng đã được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm các xã, thị trấn và tận cấp thôn. Hạ tầng mạng thông tin di động được phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, thị trấn, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 100%. Việc triển khai diện rộng các trạm BTS di động 3G, 4G tới 100% dân cư đã đảm bảo mức độ sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, internet chất lượng cao của các doanh nghiệp, người dân trên toàn huyện.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT trên địa bàn huyện cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng việc ứng dụng CNTT, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng của các cơ quan Nhà nước; đảm bảo cung cấp dịch vụ, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tính đến nay tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến cấp xã được trang bị máy tính làm việc là 100% máy tính/cán bộ. 100% các cơ quan, đơn vị cấp huyện và cấp xã đã có mạng LAN nội bộ và kết nối mạng internet tốc độ cao phục vụ công tác. Toàn huyện hiện có 18 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến (1 điểm cầu cấp huyện, 17 điểm cầu tại UBND cấp xã) đáp ứng yêu cầu họp trực tuyến 4 cấp; 16 điểm cầu 1 chiều tại thị trấn đang phát huy hiệu quả, tạo môi trường hội họp hiện đại, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, đảm bảo triển khai các cuộc họp nhanh chóng, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, bão lụt, thiên tai...

Hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh và phần mềm “Một cửa điện tử” hoạt động ổn định, hiệu quả, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, việc phát triển kinh tế số cũng được huyện quan tâm, chú trọng thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh; ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Thực hiện phát triển xã hội số, huyện đã triển khai các phần mềm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh như: phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội...; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; có tài khoản giao dịch, thanh toán trực tuyến... đạt cao.

Trong đó, đáng chú ý, một số chỉ tiêu khó hoàn thành tại các xã được giao hoàn thành trong năm 2023 như: chỉ tiêu 3.10 về tỷ lệ dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số cá nhân; chỉ tiêu 4.7 về hệ thống đài truyền thanh có ứng dụng CNTT - viễn thông; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa... đạt tương đối cao, từ đó góp phần mang lại cuộc sống tiện ích cho người dân.

Ông Vũ Duyên Hồng, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cẩm Thủy, cho biết: "Với đặc thù là huyện miền núi, khoảng cách địa lý luôn là một trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh CĐS là giải pháp hữu hiệu giúp thu hẹp khoảng cách địa lý. Không chỉ giúp bà con lĩnh hội tri thức thông qua công nghệ, sau khi bắt nhịp CĐS, không ít người dân đã nhận thấy rõ sự thay đổi, thuận lợi hơn so với trước đây, đặc biệt là trong giao thương trao đổi, mua bán hàng hóa, việc giải quyết TTHC mức độ 3; 4... đã giúp người dân giảm bớt công sức, thời gian đi lại, công việc trở nên thuận lợi, nhanh chóng hơn".

Xác định rõ tầm quan trọng của CĐS, xã Cẩm Tú đã thành lập ban chỉ đạo CĐS xã, tập trung chỉ đạo bộ phận chuyên môn, tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện kịp thời; phân công rõ nhiệm vụ từng bộ phận, cá nhân; thành lập 8 tổ công nghệ số cộng đồng để triển khai kế hoạch truyền thông, tuyên truyền về CĐS... Sau khi thành lập các nhóm zalo của các thôn, nhóm an ninh trật tự của công an xã, thì mọi công việc, thông tin được triển khai đến tận từng hộ dân một cách nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là các thông tin về phòng chống dịch bệnh, tiêm vắc–xin, lịch nông vụ... Các thành viên các nhóm zalo cũng có thể phản hồi thông tin, thảo luận, chia sẻ thông tin trên nhóm zalo, giúp lãnh đạo thôn, xã, nắm bắt tình hình hoặc điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

Cẩm Thủy nỗ lực chuyển đổi số, kéo gần khoảng cách vùng miềnCông chức xã Cẩm Tú hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, ngoài việc cán bộ, công chức cấp xã được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị để làm việc thì UBND xã cũng dành riêng 1 máy vi tính tại bộ phận một cửa để người dân sử dụng trong việc tra cứu thông tin hoặc cán bộ, công chức hướng dẫn cho người dân thực hiện các TTHC, dịch vụ công trực tuyến...

Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, chia sẻ: "Nhận thức CĐS là nhiệm vụ quan trọng, giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về những lợi ích mà CĐS mang lại, tập huấn cho 8 tổ công nghệ số cộng đồng, đẩy mạnh hỗ trợ người dân cài đặt và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại di động, các TTHC công, phát triển hạ tầng công nghệ tại các thôn, bản... giúp thu hẹp khoảng cách phát triển đối với người dân vùng thuận lợi".

Những thành quả bước đầu mà CĐS mang lại đối với người dân là tiền đề để huyện Cẩm Thủy tiếp tục có thêm những giải pháp thiết thực, hiệu quả thúc đẩy CĐS toàn diện trong thời gian tới để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]