Những năm qua, đội ngũ doanh nhân xứ Thanh đã không ngừng phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của mình trên mặt trận phát triển kinh tế và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Song song với đó, là những đóng góp lớn lao của doanh nghiệp vì cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu chuyện nông sản Việt của doanh nhân trẻ

Những năm qua, đội ngũ doanh nhân xứ Thanh đã không ngừng phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của mình trên mặt trận phát triển kinh tế và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Song song với đó, là những đóng góp lớn lao của doanh nghiệp vì cộng đồng.

Câu chuyện nông sản Việt của doanh nhân trẻDoanh nhân Nguyễn Văn Quỳnh.

2 lần vượt “vũ môn” thành công

Công ty CP Chế biến xuất khẩu nông sản Việt (phường Long Anh, TP Thanh Hóa) là một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản tại Thanh Hóa. Sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều thị trường khắt khe như EU, Anh, UAE..., doanh thu mỗi năm đạt 100 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động, với mức lương trung bình đạt 7 - 8 triệu đồng/năm/người. Phát triển thành công thương hiệu doanh nghiệp, chính là anh Nguyễn Văn Quỳnh, người sáng lập và điều hành công ty.

Để thành lập được công ty, anh Quỳnh đã 2 lần vượt “vũ môn” thành công. Lần “vượt” đầu tiên là khi anh Quỳnh bỏ viên chức ra làm kinh doanh. Anh thực hiện quyết định trong im lặng, bởi biết rằng người thân, gia đình sẽ không ai ủng hộ, thậm chí ngăn cấm. Chuyên ngành của anh Quỳnh là tư vấn công trình giao thông (đại học giao thông vận tải), ra trường làm việc theo đúng chuyên môn, anh chưa từng và không có kiến thức về kinh doanh. Sau 5 năm, những tưởng việc tư vấn công trình giao thông sẽ gắn bó với anh hết đời... Nhưng trong lòng anh từ lâu đã luôn có một khao khát, mang nông sản Việt vươn tầm thế giới.

Từ nhỏ, câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã luôn ám ảnh anh Quỳnh. Anh đau đáu tâm nguyện “làm thế nào để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao giá trị nông sản là nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân”. Theo đó, năm 2013, anh Quỳnh cùng một số người bạn cùng chí hướng, góp vốn thành lập Công ty Xuất nhập khẩu Đồng Xanh. Trên lĩnh vực mới, anh tích cực học hỏi kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh và nông sản, “6 tháng trời tôi đã đi hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước tìm hiểu về đặc điểm nền nông nghiệp của từng địa phương, về phương thức canh tác, thổ nhưỡng, đặc điểm khí hậu, nói chuyện với các chuyên gia... để có thể phần nào tìm lời giải cho bài toán “được mùa mất giá”.

Trở về sau những chuyến đi, bắt tay vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản cùng với bạn, anh tích cực tích lũy kinh nghiệm, học hỏi kiến thức kinh doanh. “Tôi quyết định chọn khởi nghiệp bằng cây dứa, bởi đây là cây thế mạnh ở Việt Nam, được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng”, anh Quỳnh cho biết.

Sau thời gian kinh doanh chung, tháng 12-2016 anh đứng ra thành lập công ty riêng lấy tên Công ty CP Chế biến xuất khẩu nông sản Việt, lựa chọn dứa đóng hộp là sản phẩm xuất khẩu chính. Đây cũng là lần vượt “vũ môn” thứ 2 của anh Quỳnh. Thời gian đầu lập nghiệp, bản thân anh Quỳnh gặp rất nhiều khó khăn khi vừa sản xuất, vừa xây dựng xưởng, tìm kiếm thị trường... đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, bản lĩnh của người trẻ, anh Quỳnh từng bước khắc phục khó khăn, đưa công ty phát triển bền vững, trở thành một trong những doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản lớn không chỉ trong tỉnh mà còn trong cả nước, nhận được sự đánh giá cao của các đối tác về uy tín, chất lượng sản phẩm và năng lực phát triển.

Được biết, thời gian tới anh Quỳnh tiếp tục phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, đa phương hóa đối tác chiến lược góp phần nâng tầm chất lượng cho nông sản Việt. Đồng thời, ứng dụng công nghệ vào tất cả các hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến quản lý nhân sự... để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Người đưa gia vị Việt ra thế giới

Sau gần 5 năm có mặt trên thị trường, đến nay nước mắm truyền thống thương hiệu Lê Gia không những trở thành gia vị quen thuộc với người Việt mà còn được người tiêu dùng ở nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc, Nga... lựa chọn dùng cho bữa ăn hàng ngày. Người xây dựng và phát triển thương hiệu này là doanh nhân Lê Anh (xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa).

Câu chuyện nông sản Việt của doanh nhân trẻDoanh nhân Lê Anh.

Khi được hỏi “nhân tố chính để Lê Gia chinh phục người tiêu dùng là gì?”, Lê Anh cười và tự tin trả lời “mâm cơm của khách hàng là mâm cơm của chính mình”, những gì mình bán cho khách là những gì mình ăn hàng ngày. Đây cũng chính là triết lý kinh doanh mà anh theo đuổi đến tận bây giờ.

Cũng với triết lý đó, nên ngay từ ngày đầu thành lập Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, anh quyết tâm xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, HACCP, FDA dù phải đối mặt rất nhiều khó khăn bởi anh tin rằng đây chính là tiền đề để mắm Lê Gia chinh phục thị trường nhanh và xa hơn. Cùng với đó là tư duy “đổi mới sáng tạo” làm nước mắm theo cách truyền thống nhưng phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến, đặc biệt luôn có sự tư vấn, giám sát của các chuyên gia đầu ngành về nước mắm truyền thống. Theo đó, anh chọn nguyên liệu là cá cơm, ủ trong thùng gỗ bời lời, thuê thiết kế vỏ chai, nắp riêng giúp người tiêu dùng tiện lợi trong việc rót mắm...

Một “nhân tố” nữa để làm nên một Lê Gia lớn mạnh như ngày nay là khát vọng vươn tầm nông sản Việt ra thế giới của Lê Anh. Chính khát vọng đó mà Lê Anh chọn khởi nghiệp bằng nghề mắm, nâng tầm sản phẩm truyền thống và đưa các sản phẩm này đến với mâm cơm của cộng đồng kiều bào Việt trên thế giới.

5 năm qua, với nghề mắm, Lê Anh chưa bao giờ đi một mình mà luôn có sự hỗ trợ của đội ngũ nghệ nhân làm mắm giàu kinh nghiệm. Kết hợp cùng năng lực sản xuất lớn được kiểm soát bởi hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 22000: 2018, sản phẩm Lê Gia đã có được sự tin yêu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. “Kiên tâm với những gì mình theo đuổi, làm nghề tử tế, thì quả ngọt sẽ tới. Những gì từ tự nhiên, có thể chậm nhưng sẽ bền vững”, Lê Anh khẳng định.

Hiện tại, các sản phẩm của Lê Gia đã có mặt tại hệ thống các siêu thị lớn trên toàn quốc như Winmart, Winmart+, Aeon, Mega Market, Co.op Mart... cùng các chuỗi cửa hàng mẹ và bé. Mắm tôm Lê Gia là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Đây chỉ là 2 trong số các doanh nhân trẻ tiêu biểu của xứ Thanh nỗ lực, quyết tâm đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, chủ động hội nhập quốc tế, đặc biệt là kiến tạo các giá trị tích cực, đưa nông sản Việt nói riêng và các sản phẩm của Việt Nam nói chung ra thế giới.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]