(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày Sách và Văn hóa đọc vừa kết thúc, bên cạnh những niềm vui về sự quan tâm của giới truyền thông, sự mong muốn của xã hội trong việc thay đổi ý thức đọc sách góp phần hình thành thói quen tốt và có những trải nghiệm bổ ích cho người đọc… thì vẫn còn những lo lắng, trong đó câu hỏi lớn nhất là liệu ChatGPT có đọc sách thay con người

Đọc sách thời ChatGPT?

Ngày Sách và Văn hóa đọc vừa kết thúc, bên cạnh những niềm vui về sự quan tâm của giới truyền thông, sự mong muốn của xã hội trong việc thay đổi ý thức đọc sách góp phần hình thành thói quen tốt và có những trải nghiệm bổ ích cho người đọc… thì vẫn còn những lo lắng, trong đó câu hỏi lớn nhất là liệu ChatGPT có đọc sách thay con người

Đọc sách thời ChatGPT?

Ảnh minh họa. Nguồn: VnExpress

Cách đây 20 năm, khi Google xuất hiện ở Việt Nam đã tạo nên một cơn sóng. Thay vì phải đến thư viện ngồi cả ngày lần giở từng trang sách để tìm ra đáp án trong kho tri thức khổng lồ thì Google đã sắp xếp, tổng hợp kết quả để đưa chúng ta đến kết luận một cách nhanh chóng. ChatGPT thực chất chỉ là một phiên bản nâng cao của Google, thay vì bạn phải tìm nguồn tài liệu rồi ngồi lọc và kết nối thông tin, thì chỉ trong 30 giây, ChatGPT có thể cho ra một tóm tắt vài trăm chữ hay cho bạn một câu trả lời khá chính xác về một vấn đề nào đó.

Vẫn biết ChatGPT là một tiến bộ của loài người, là một công cụ mới, nó có sức hấp dẫn lớn với người sử dụng và chưa ai có thể khẳng định là đúng hay sai, tốt hay xấu. Bởi, chẳng phải khi ChatGPT xuất hiện thì con người ta mới lười đọc. Google và mạng xã hội cùng các công cụ khác đã giúp người ta “giải thoát” khỏi không gian cố định, rút ngắn thời gian tìm kiếm và cho ra nhiều kết quả, nhiều sự lựa chọn. Và đến nay, ChatGPT còn có thể giúp người ta làm thơ, viết nhạc… thể hiện cảm xúc của con người. Bởi thế, nếu không cẩn thận thì trí tuệ nhân tạo sẽ là một dạng bẫy tiến hóa. Công cụ tưởng như giúp con người phát triển lên những trình độ cao hơn thì lại mang theo một hệ lụy nguy hiểm là triệt tiêu nhu cầu muốn hiểu sâu, khiến chúng ta ngộ nhận kiến thức của mình là “hiểu sâu biết rộng”. Thậm chí có thể vô tình làm thoái hóa khả năng suy nghĩ và tư duy của số đông nhân loại. ChatGPT đã “vượt thoát” qua thời làm hộ, thao tác hộ và đã đạt đến mức nghĩ hộ, quyết định hộ. Vì thế nếu con người chấp nhận lệ thuộc vào thuật toán thì chắc chắn căn bệnh lười học, lười đọc lại càng được viện cớ vào nhiều lý do.

Hầu hết các nhà làm giáo dục hiện nay lo lắng ChatGPT sẽ ảnh hưởng tới chất lượng thực chất của việc dạy và học. Đây là thách thức không nhỏ, tuy nhiên lại cũng là thời điểm để những người làm giáo dục phải đổi mới phương pháp dạy, học. Thay vì những yêu cầu sơ đẳng để máy móc có thể trả lời thì hãy đặt vấn đề hay những câu hỏi cần sự đào sâu, ngẫm kỹ. Để làm được điều đó, các nhà giáo dục nói riêng, xã hội nói chung phải có những hướng dẫn về kỹ năng khai thác hiệu quả công nghệ mới này. Vậy, đọc sách thời ChatGPT sẽ diễn ra như thế nào? Hiện nay các nhà xuất bản đang tiếp cận thị trường bằng sách tinh gọn. Theo thống kê của Cục Xuất bản, in và phát hành đã có 10 đơn vị xuất bản trong nước tham gia vào thị trường mới này. Chỉ tính riêng năm 2022, các nhà xuất bản phát hành 93 đầu sách in và 880 sách điện tử. Sách tinh gọn nhằm đáp ứng nhu cầu nghe, đọc nhanh của độc giả trong thời đại số, đặc biệt giới trẻ.

ChatGPT là công cụ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận những người say mê với công nghệ. Song, sử dụng công cụ thế nào là phụ thuộc vào người dùng. Việc đọc sách, báo trên điện thoại, máy tính sẽ rất khác so với việc cầm trên tay cuốn sách còn thơm mùi giấy, lật giở từng trang để nghiền ngẫm, gặp được một ý hay, một từ dùng mới khiến ta reo lên vui sướng. Cảm giác đó sẽ khó tả và cảm xúc hơn nhiều!

BẢO ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]