(vhds.baothanhhoa.vn) - Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong và 3 người khác bị thương trên Quốc lộ 2 đoạn qua thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, khiến nhiều người bàng hoàng.

Thương những người mẹ

Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong và 3 người khác bị thương trên Quốc lộ 2 đoạn qua thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, khiến nhiều người bàng hoàng.

Thương những người mẹMinh họa: Linh Chi

Trong số 3 em tử vong có em mới sinh năm 2010, tức là vừa 13 tuổi. Một đêm trung thu tưởng như là vui vẻ đã trở thành nỗi đau cho nhiều gia đình. Trong đó, đau đớn nhất là những người mẹ.

Bà mẹ nào khi dứt ruột sinh con đều mong muốn con cái lớn lên, ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, biết đối xử tốt với mọi người, có thể là chỗ dựa của mình khi tuổi già. Nhưng rồi “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, người mẹ vì bù đầu với 6 sào ruộng và công việc làm thuê mướn theo thời vụ để kiếm cơm cho con cái ăn học, chăm người chồng bị xơ gan, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, gần như mất khả năng lao động và bà mẹ 75 tuổi. Vì thế, câu nói “nếu mình quản lý con tốt hơn thì đã không xảy ra sự việc”, nghe càng buốt nhói.

Tôi cũng không thể quên sự việc cách đây khá lâu, một cậu bé vì yêu đơn phương và bị nhiều lần chối từ, đã tìm cách đốt mìn sát hại bạn gái, sẵn sàng chết vì tình yêu. Dù vẫn giữ được tính mạng, nhưng bàn tay cậu đã đứt lìa, vĩnh viễn mang một cơ thể đầy thương tật. Ngồi bên con, bà mẹ với ánh mắt thất thần, như có những vết dao cứa chảy máu tận sâu trong lòng.

Người đầu xanh đã ra đi và người đầu bạc vẫn tiếp tục sống. Họ sẽ phải nuốt nước mắt vào trong để tiếp tục hành trình cuộc đời. Có thể mọi thứ theo thời gian sẽ nguôi ngoai nhưng những nhức buốt thảng hoặc lại sẽ bật ra. Bởi, có bà mẹ nào mà không nhớ thương con mình, mà không muốn nhận lỗi, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì con, thay con?

Tôi càng nhớ hơn, đứa cháu của mình tâm sự rằng, đã có lúc chán nản tột độ, có lúc mất phương hướng, thậm chí đã từng nghĩ đến cái chết. Nhưng sau những ý nghĩ gọi là tiêu cực ấy, nó vượt thoát được là nhờ những giằng níu, những nghĩ suy. “Lúc đó, cháu nghĩ về bố mẹ mình. Bố mẹ cháu xuất thân từ nông dân, cố gắng nỗ lực có công việc, rồi vất vả nuôi nấng chúng cháu, chỉ với mong muốn lớn lên con trở thành người tử tế, lấy được người chồng yêu thương mình, có công ăn việc làm ổn định. Nếu, cháu làm gì dại dột, bố mẹ sẽ sống thế nào?”.

Giờ đây, khi hai đứa con tôi bắt đầu ở tuổi “dở dở ương ương”, điều tôi thường nói nhất với con là tinh thần trách nhiệm. Có thể nó không hiểu hết những điều tôi nói, cũng không để ý những ẩn ý sau mỗi câu chuyện của bố mẹ, nhưng tôi tin rằng, mưa dầm thấm sâu, gieo trách nhiệm không phải là tạo áp lực cho con trẻ mà là để con hiểu thêm về tình yêu thương, về những điều cần làm và những giá trị thực sự của cuộc đời mình.

BẢO ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]