(vhds.baothanhhoa.vn) - Ghi danh trên văn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám, làm quan dưới 3 triều vua, trải qua 6 Bộ. Với lòng nhân từ, chính trực, thanh liêm, sau khi mất, ông được triều đình sắc phong Thượng đẳng thần, Nhân dân suy tôn “phúc thần”... Đó là Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất, nhân vật lịch sử có công lớn trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Về thăm di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền thờ và lăng mộ Bùi Khắc Nhất ở xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), chuyện kể người xưa khiến hậu thế lặng lòng kính phục.

Chuyện kể quan Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất

Ghi danh trên văn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám, làm quan dưới 3 triều vua, trải qua 6 Bộ. Với lòng nhân từ, chính trực, thanh liêm, sau khi mất, ông được triều đình sắc phong Thượng đẳng thần, Nhân dân suy tôn “phúc thần”... Đó là Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất, nhân vật lịch sử có công lớn trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Về thăm di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền thờ và lăng mộ Bùi Khắc Nhất ở xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), chuyện kể người xưa khiến hậu thế lặng lòng kính phục.

Chuyện kể quan Thượng thư Quận công Bùi Khắc NhấtSau hơn 400 năm, đền thờ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất vẫn được con cháu dòng họ, Nhân dân địa phương gìn giữ, hương khói phụng thờ.

Vị quan thanh liêm

Không lớn về diện tích, song có lẽ, hiếm có địa phương nào ở xứ Thanh sở hữu số lượng “đồ sộ” di tích như vùng đất khoa bảng Hoằng Lộc. Ở đây, cùng với Bảng Môn Đình và Nhà thờ Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh), đền thờ và lăng mộ Bùi Khắc Nhất là một trong số ba di tích cấp quốc gia nổi tiếng khắp xa, gần.

Với khách phương xa, không khó để hỏi đường tìm đến di tích. Theo con đường làng sạch sẽ, phong quang, di tích hiện hữu dưới tán dừa, tán cau xanh mướt một màu. Đền thờ và lăng mộ không đồ sộ nhưng uy nghi, trầm mặc như chính cuộc đời làm quan thanh liêm, để lại “tiếng thơm” muôn đời của cụ Thượng Bùi - cách gọi của người dân địa phương.

Sinh ra ở làng Bột Thái nay là xã Hoằng Lộc, trong gia đình có truyền thống Nho học, năm 1565, tham gia thi đình, ông đỗ Bảng nhãn (Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân - đệ nhị danh) tên tuổi hiện còn lưu tại “Văn bia đề tên chế khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Trị thứ 8” ở Văn Miếu Quốc Tử Giám với lời ngợi khen: “Những người đỗ trong khoa ấy đều là người lỗi lạc kỳ tài”...

Cuộc đời ông gắn với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc. Bước vào quan lộ, phục vụ triều Lê Trung Hưng cũng là khi nội chiến diễn ra quyết liệt. Ông lần lượt đảm nhận những cương vị trọng yếu trên các lĩnh vực: Tả hữu thị lang Bộ Công; Tả thị lang Bộ Hình; Thượng thư Bộ Hộ; Thượng thư Bộ Binh… Đóng góp công sức vào thắng lợi của nhà Lê, phục hưng đất nước.

Năm 1592, sự nghiệp Trung hưng của nhà Lê cơ bản hoàn thành khi vua Lê lấy lại được Thăng Long. Với những đóng góp đặc biệt to lớn, năm 1596, trên cương vị “Vũ chính kỳ mục” Bùi Khắc Nhất cùng “Văn chính kỳ mục” Phùng Khắc Khoan được triều đình cử đi sứ đàm luận với nhà Minh. Đây là đoàn sứ thần đầu tiên của nhà Lê sau khi hoàn thành công cuộc Trung hưng, tái thiết lập quan hệ bang giao với Trung Quốc sau hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn.

Cuộc đời làm quan 44 năm của Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất đã trải qua ba triều vua: Lê Anh Tông, Lê Thế Tông, Lê Kính Tông; kinh qua sáu bộ: Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công. Giữ những chức quan cao cấp trong triều đình, Thượng thư Bùi Khắc Nhất được biết đến là người trực tiếp phụ trách tu sửa Hoàng thành Thăng Long (1593); thường xuyên tham gia cùng triều đình bàn định sách lược, biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế đất nước; chăm lo công tác đê điều, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Đặc biệt, khi ở Bộ Hình, trông coi việc hình án, ông thu phục nhân tâm bởi tấm lòng trinh bạch ngay thẳng, nổi tiếng với câu nói: “Ngục vô oan gia, thiên hạ xưng bình”. Khi có người mang tiền đến hối lộ, ông không nhận, vẫn thường tự răn mình: “Kẻ phạm lầm lỗi mà ăn năn hối lỗi thì xá tội cho họ, kẻ bị tình nghi thì giảm tội cho họ, đó là chức trách chứ không phải ân huệ của người xem việc ngục… Ta chẳng muốn có những vụ kiện tụng để mọi người phải mang tiền của cho ta, làm cho ta mất lòng trung với vua. Tin vào lòng dân và thương xót những người nghèo khổ là điều ta phải theo… Đời làm quan, vốn để lại cho con cháu lớn nhất là chữ Phúc. Ta làm quan hơn ba mươi năm, chưa đem lại của cải gì cho dân, nay lại lấy của dân mang về cho con cháu mình thì không đang tâm. Làm người giữ phép nước mà xa hoa, làm điều phi nghĩa để con cháu mình an nhàn, phóng dật, ăn tiêu phè phỡn thì đâu còn chữ Phúc để lại. Người xưa đã dạy, người làm quan có giữ được thanh bạch thì mới để phúc cho con cháu đời sau mãi mãi” (theo gia phả họ Bùi).

Tài năng, đức độ của quan Thượng thư Bùi Khắc Nhất còn được khẳng định trong bài Chiếu phong chức Hộ bộ Thượng thư ngày 10 tháng 5 năm Thuận Đức (1599): “Bùi Khắc Nhất gia thế dòng nho, khoa trường cao lớn, là vốn quý tài ba, đặng làm cho nước văn minh, giúp vận nước trung hưng. Họ Bùi đứng vững, lấy danh vọng, lấy công lao giúp đắp xây nền móng… bậc lão thành giúp vận nước dài lâu yên trị. Là đại thần cáng đáng công việc lớn lao, không mệt mỏi, một đại thần nghĩa khí vững bền, công lao to lớn”. Năm 1609, quan Thượng thư họ Bùi mất khi đang làm việc tại triều, thọ 77 tuổi.

Phúc thần của làng quê hiếu học

Công lao của Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất không chỉ được triều đình phong kiến Lê Trung Hưng công nhận. Khi nhà Lê diệt vong, triều Nguyễn lên thay, ông vẫn được đưa vào danh sách “công thần”, nhiều lần truy ban sắc phong. Năm 1802, dưới triều vua Gia Long, ông được truy tặng công thần Trung hưng (xếp thứ 4 trong danh sách 15 người), trên cả Mai Quận công Phùng Khắc Khoan; được bao phong Phúc thần, Nhân dân thờ làm Thành hoàng làng. Bởi vậy, về Hoằng Lộc hôm nay, ngoài tướng Nguyễn Tuyên (thời Lý), Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất là Thành hoàng làng thứ hai. Ông đồng thời được con cháu suy tôn là thủy tổ của dòng họ Bùi.

Chuyện kể quan Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất

Lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất cách đền thờ khoảng 50m về phía Tây.

Trở về xã Hoằng Lộc hôm nay, sau hơn 400 năm, đền thờ và lăng mộ của bậc công thần thời Lê Trung Hưng vẫn được hậu thế và cháu con giữ gìn cẩn trọng. Năm 2000, di tích được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia. Và hồ sơ lý lịch di tích nêu rõ: “Di tích đền thờ và lăng mộ Tướng công Bùi Khắc Nhất xưa kia vốn là công trình công cộng của làng xã. Lúc khởi đầu xây dựng đền thờ do Nhà nước phong kiến làm, sau đó giao cho làng xã và dòng họ quản lý, vì ông là Thành hoàng - Thượng đẳng thần”.

Trải qua thời gian với biến động lịch sử, di tích đã qua nhiều lần trùng tu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, về cơ bản di tích vẫn giữ được quy mô, kiến trúc của di tích gốc. Trong đó, có một số hiện vật gốc được đánh giá cao về giá trị tư liệu lịch sử: Cuốn gia phả họ Bùi dày 212 trang chữ Hán trên giấy giang mỏng, được viết vào đầu thế kỷ XVII, sao chép lại vào đầu thế kỷ XVIII; ba đạo sắc phong, bàn thờ, đôi câu đối cổ lưu giữ tại di tích: “Tứ thập tứ tải tuyên lao, sự kinh lục bộ. Thất thập thất niên hưởng thọ, sỹ lịch tam triều”, được hiểu là “Việc trải qua sáu bộ bốn mươi tư năm sức hiến. Quan trải ba triều, bảy mươi bảy tuổi trời cho” đã khái quát đầy đủ cuộc đời, sự nghiệp làm quan của cụ Thượng Bùi. Đánh giá cuốn gia phả, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, nhận định: “Đây là tài liệu mà chúng tôi cho là quý hiếm, bởi nội dung của nó nói rất kỹ về hành trạng của Bùi Khắc Nhất, đồng thời phản ánh nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của thế kỷ XVI cùng các nhân vật lịch sử có liên quan mà sử sách bỏ sót, hoặc có nói nhưng chưa đầy đủ”. Cách đền thờ khoảng 50m về phía Tây là khu lăng mộ quan Thượng thư thâm nghiêm, linh thiêng.

Dẫu không bề thế, nguy nga như nhiều di tích có niên đại cùng thời, Khu đền thờ và lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất giản dị như chính cuộc đời làm quan thanh bạch của ông. Tuy vậy, di tích vẫn nổi tiếng khắp xa gần bởi những giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh. Hàng năm, vào ngày giỗ của ông (mùng 8 tháng 11 âm lịch), con cháu dòng họ Bùi trên khắp mọi miền Tổ quốc, Nhân dân địa phương lại nô nức trở về hành lễ, tưởng nhớ người xưa, tạo thành nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của vùng đất học Hoằng Lộc.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]