(vhds.baothanhhoa.vn) - 1.Tôi dự buổi chiếu tối ngày 27-3, cả rạp tròn trĩnh 10 người xem. Con số thực sự hơn những điều tôi kỳ vọng khi là người đầu tiên bước vào rạp. Và khi bộ phim kết thúc tôi chờ mãi vẫn chưa có ai đứng dậy, tôi cũng là người bước ra đầu tiên.

Chuyện của “Những đứa trẻ trong sương"

Chuyện của “Những đứa trẻ trong sươngMá Thị Di, nhân vật chính trong phim.

1.Tôi dự buổi chiếu tối ngày 27-3, cả rạp tròn trĩnh 10 người xem. Con số thực sự hơn những điều tôi kỳ vọng khi là người đầu tiên bước vào rạp. Và khi bộ phim kết thúc tôi chờ mãi vẫn chưa có ai đứng dậy, tôi cũng là người bước ra đầu tiên.

Nói điều đó để thấy phim thực sự đã chạm lay vào trái tim mỗi người. Không gian miền núi đẹp và cũng buồn đến nao lòng, từng đụn mây là là lưng chừng núi, những đứa trẻ còn đương khoác trên mình chiếc áo đồng phục, đang đùa vui, và cũng không biết khi nào mình sẽ được ai đó bắt về làm vợ.

Mở đầu là “bữa tiệc” của những đứa trẻ, gọi thế cho nó oách, chứ thực ra toàn là các loại củ vừa nhổ được trên núi, rửa sạch. Chúng đóng vai người lớn, mời tổ tiên về ăn tết, rồi chơi trò bắt vợ.

Chúng là những đứa trẻ đang lớn. Di – nhân vật chính của bộ phim có những cảnh quay từ 12 tuổi đến 15 tuổi rưỡi. Những đứa trẻ dân tộc thiểu số đã biết dùng điện thoại, nhắn tin nhoay nhoáy, biết “thả thính” rồi làm điệu bằng cách tô son, đánh mascara…

Một ngày mùa xuân, Di gặp Thào A Vàng khi đi chơi cùng bạn bè. Cậu thiếu niên không giấu nổi sự say mê Di, rủ em về nhà chơi. Vàng cũng hứa nếu muốn cưới sẽ đến nhà Di thưa chuyện với bố mẹ đàng hoàng vì “anh là người tử tế”.

Nào ngờ, chuyến “về chơi nhà trai” đầy táo bạo này kéo theo nhiều rắc rối cho Di. Em muốn từ chối, nhưng Vàng thực sự yêu và muốn cưới Di. Nhà trai năm lần bảy lượt đặt vấn đề, và đỉnh điểm là tổ chức một cuộc “kéo vợ”.

  1. Di là hình ảnh của thế hệ người Mông trẻ. Em muốn thay đổi. Chính Di đã tâm sự với đạo diễn Hà Lệ Diễm rằng, em không hối tiếc khi là một người Mông dù em biết để làm một người Mông phải nỗ lực rất nhiều. Không chỉ có Di, những chàng trai mới lớn cũng biết và hiểu rằng: Đã là người Mông thì chỉ có nghèo. Cái nghèo có thể làm cha mẹ Di sợ bị hớ khi thách cưới.

Cái nghèo cũng khiến nhiều đứa trẻ không được học hành, phải lấy chồng sớm. Như mẹ của Di bị bố Di kéo đi. Chị gái Di cũng phải chấp nhận lấy người kéo mình đi khi mới 15 tuổi, có hai con ở tuổi 18. Nhưng Di không muốn “sống gấp”. Di muốn được tiếp tục đến trường, được có cơ hội đưa mẹ đi nhiều nơi. Di đã giãy giụa thật mạnh để thoát khỏi vòng vây kéo vợ. Em dõng dạc nói lời từ chối và uống ly rượu chia tay với Vàng.

Phim có sự vào cuộc của nhà trường và chính quyền. Khi đến nhà vận động bố mẹ Di cho em đi học tiếp, cô giáo của Di đã nhấn mạnh việc kết hôn trước tuổi 18 là không phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tất nhiên, giữa “phép vua” và “lệ làng” luôn có những sai khác nhất định.

Bởi thế, trong phim có hơn 2 lần nhắc đến nắng. Nắng như một tia hy vọng lé rọi phía bên kia triền núi, nắng như niềm tin về cuộc sống sẽ đổi thay. Lần đầu tiên người mẹ dặn con gái rằng: “Di hãy nói với bạn đi tìm nắng của bạn, còn Di đi tìm nắng của Di, không có duyên thì không nên ở với nhau”. Và rồi để thuyết phục không cùng Vàng quay về nhà họ Thào, Di nhẹ nhàng: “Xem nắng của chúng ta ở bên nào thì chúng ta về bên đó”. “Nắng” vừa gợi hình ảnh vừa gợi tư tưởng. Tự nhiên tôi nhớ tới Phan Khôi với những câu thơ: “Mặc dầu gần chạng vạng/ Nắng được thì cứ nắng”. Rõ ràng, người Mông dù mang trong mình những phong tục truyền thống riêng thì họ vẫn có tinh thần tự do và sự tôn trọng tự do. Trong sự thế giới hiện đại, thế hệ trẻ như Di ngày càng ý thức hơn về quyền riêng tư, quyền được yêu và cưới người mình yêu.

3.Tại sao một bộ phim tài liệu mà giành được 34 giải thưởng quốc tế trong đó có giải thưởng Đạo diễn xuất sắc tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam (Hà Lan) năm 2021?. Đương nhiên, bộ phim không thể hấp dẫn chỉ vì khung cảnh thiên nhiên. “Những đứa trẻ trong sương” không chỉ là phim, đó còn là đời sống của người dân được hiện lên một cách chân thực nhất. Là cảnh mẹ con khắc khẩu, là giờ học môn Lịch sử cô giáo dạy học sinh về ma túy hết sức sống động, là những đối đáp bằng tiếng Mông thật rộn ràng...

Với một chiếc máy quay đi mượn và những hành trang đơn giản nhất, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã “ba cùng” với gia đình người Mông để quay phim. Má Thị Di, cô bé Sa Pa (Lào Cai), nhân vật chính có gương mặt “rất Mông”, to tròn và ửng hồng. Câu chuyện của Di là câu chuyện về một hành trình trưởng thành với đủ các cung bậc cảm xúc đời thường nhưng được phản ánh với một góc nhìn trìu mến, nhẹ nhàng, không hề phán xét. Thậm chí, chính đạo diễn cũng là một nhân vật trong phim. Sau khi xốc nổi đến chơi nhà Vàng, Di hỏi Diễm như hối lỗi: “Chị Diễm có ghét em không?”. Còn Vàng cũng tin tưởng đạo diễn đến mức thổ lộ nỗi niềm ghen tuông của mình, thừa nhận việc Di “thả thính” người khác làm cậu mất hết bình tĩnh, đánh mất bản thân. “Hình như nước đi này sai sai. Em cũng không biết sao lại bắt nó. Em vẫn còn trẻ”.

Từ câu chuyện một cá nhân độc đáo, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã đẩy lên thành vấn đề mang tính phổ quát và đại chúng. Chúng ta hàng ngày qua các phương tiện truyền thông đều nghe và biết về số phận các bé gái dân tộc thiểu số và tình trạng tảo hôn với một thái độ phán xét. Nhưng qua 92 phút, bộ phim có cái nhìn trung dung khiến đề tài về đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đầy chân thực mà vẫn giữ một nét đẹp riêng.

4.Bộ phim theo chân Di từ khi còn là cô bé ngây thơ cùng bạn bè chơi trò kéo vợ, đến khi chính em phải giãy giụa để tự cứu mình trong một vụ kéo vợ thực sự. Và khép lại với hình ảnh Di ngồi trên vách đá cao, phía trước là cả bầu trời và những giấc mơ về tự do, về con đường phía bên kia triền núi.

Tại sao không phải là những đứa trẻ trong sương mù, mà là những đứa trẻ trong sương, tôi nghĩ đó là cách nói nhẹ, nói tránh, hay là sự lãng mạn hóa đời sống khó khăn của người Mông. Nhưng quả thật với lối suy nghĩ của Di, của Vàng, thì tôi tin mây mù dù có nặng đến đâu rồi cũng sẽ tan, sau những ngày lạnh lẽo, giá buốt thì nắng cũng sẽ xuất hiện, và bọn trẻ chúng sẽ không bị động để bị “kéo vợ” mà chủ động xem nắng của mình bên nào thì về bên đó.

Tôi cũng tin những đứa trẻ người Mông, không chỉ ở Sa Pa, mà ở Thanh Hóa, nơi có gần 15.000 người Mông đang sinh sống cũng sẽ vươn lên làm chủ cuộc đời mình.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN

Những đứa trẻ dân tộc Mông trong phim.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]