Chuyện ở Suối Lóng
Đồng bào Mông ở Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát) dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đã biết thay đổi tư duy, nhận thức, tập trung phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa.
Sự học của con trẻ trong bản được quan tâm.
Con đường dẫn đến Suối Lóng - một trong những bản người Mông đặc biệt khó khăn của xã biên giới Tam Chung nay đã đổi khác, không còn gập ghềnh, khó đi như trước nữa. Hai bên đường, những ngôi nhà sàn được xây dựng kiên cố, bên trong những vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt được người dân sắm sửa đầy đủ... Những năm qua, ngoài đường giao thông, các công trình điểm trường lẻ bậc tiểu học, mầm non, nhà văn hóa, điện lưới được Nhà nước quan tâm xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đi học, bà con có nơi sinh hoạt, giao lưu, cập nhật kiến thức, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo bí thư kiêm trưởng bản Sùng A Phàng, Suối Lóng là nơi sinh sống của 100 hộ gia đình người Mông với trên 565 nhân khẩu, trước đây người dân muốn lên trung tâm xã, huyện, phải đi bộ vì chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp với nhiều khúc cua, đèo dốc nguy hiểm. Với phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ, từ nhiều đời nay, cuộc sống của đồng bào vẫn quen với tập quán du canh, du cư, gắn chặt cuộc đời mình với nương, rẫy. Cái đói, cái nghèo cứ bám lấy họ không rời. Vậy nên, con em trong bản cũng chỉ học hết lớp 3, lớp 4 là nghỉ học theo bố mẹ lên nương rẫy. Thanh niên lớn lên lấy vợ, lấy chồng sớm, nhiều cặp vợ chồng chỉ mới mười tám, đôi mươi nhưng con cái tay bồng, tay bế.
Nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, nâng cao mức sống cho đồng bào Mông bản Suối Lóng, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tính trông chờ, ỷ lại, từng bước thay đổi tập quán canh tác. Người dân đã cần cù khai hoang ruộng nương, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng. Đến nay, người dân đã biết chuyển những diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, được chính quyền vận động, nên 100% bà con ở Suối Lóng đều trồng sắn. Sắn được bao tiêu toàn bộ sau khi thu hoạch nên bà con rất phấn khởi, đời sống và thu nhập vì vậy được nâng cao rõ rệt. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trong bản đạt 28,3 triệu đồng.
Cây sắn đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho bà con bản Suối Lóng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát.
Bằng uy tín, cần mẫn và trách nhiệm của mình, trưởng bản Sùng A Phàng luôn dành thời gian xuống nhà dân tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tham gia nhiều vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh, thiết thực. Chú trọng vệ sinh môi trường khu dân cư, chôn cất người mất tại nghĩa trang đã được quy hoạch... Đặc biệt, được cán bộ dân vận tuyên truyền về các mô hình phát triển kinh tế, năm 2021 anh Phàng đã tập trung trồng sắn. Vụ vừa rồi, gia đình anh thu về trên 80 triệu đồng/ha sắn, cộng thêm nguồn thu nhập từ trồng ngô, chăn nuôi bò sinh sản nên cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả. Ở Suối Lóng hiện nay có 88 hộ dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Nổi bật là các mô hình chăn nuôi bò sinh sản hộ ông Sùng A Giống, Sùng A Sái, Sùng A Cụ, Giàng A Tủa... Nhiều hộ gia đình xây được nhà to, kiên cố, mua sắm xe máy, vật dụng sinh hoạt, sản xuất.
Thầy Lương Văn Phú, giáo viên điểm trường Suối Lóng (Trường Tiểu học Tam Chung) cho biết: Trước đây do hoàn cảnh khó khăn, nhận thức của nhiều phụ huynh còn hạn chế nên nhiều học sinh bỏ học giữa chừng. Để các em đi học chuyên cần, gắn bó với trường, với lớp, các thầy cô giáo phải thường xuyên đến thăm gia đình, trao đổi với phụ huynh để hiểu rõ hoàn cảnh và điều kiện của từng em, từ đó có sự động viên, chia sẻ kịp thời. Nhờ chịu khó làm ăn, đến nay cuộc sống bà con ở Suối Lóng đổi mới nhiều, không còn hộ nào phải thiếu đói như trước nữa. Nhà nào cũng có ngô, lúa, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trường học, nhà văn hóa, điện lưới quốc gia đã về với bà con. Những đứa trẻ không còn phải theo cha mẹ nhọc nhằn lên nương rẫy nữa mà được đến trường học chữ.
Qua chia sẻ của ông Lò Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, chúng tôi được biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhận thức của đồng bào Mông ở Suối Lóng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Không chỉ biết trồng ngô, lúa mà người dân còn biết chọn lựa giống cây trồng phù hợp, khai hoang trồng lúa, sắn... trên đồi dốc để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên, các hủ tục đang dần xóa bỏ, dân bản ai cũng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đến nay, ở bản tỉ lệ các cặp vợ chồng tảo hôn giảm đáng kể, không còn trường hợp hôn nhận cận huyết thống, các hộ gia đình ký cam kết thực hiện hương ước của bản, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang...
Bài và ảnh: Trung Lê
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-04-28 10:13:00
Vai trò của ban phát triển thôn trong xây dựng nông thôn mới
Thanh Hóa và những “mùa xuân mới”
Thường Xuân thực hiện các giải pháp bứt phá cuối nhiệm kỳ
Cẩm Thủy nỗ lực chuyển đổi số, kéo gần khoảng cách vùng miền
“Thóc thừa cân, quân vượt mức”
Cảnh báo lừa đảo combo du lịch giá rẻ
Tuổi trẻ xứ Thanh góp phần chuyển đổi số tại các khu di tích
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Thời hoa lửa
Ngày Quốc tế phòng chống tiếng ồn 25/4: Tiếng ồn gây hại cho sức khỏe