(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi đặt chuyến xe sớm nhất trong ngày để đưa mẹ ra Hà Nội tái khám. 3 giờ sáng một ngày mùa đông, vạn vật hẵng còn chìm trong giấc ngủ, tôi và mẹ lên xe khách. Chỉ sau hơn 2 giờ đồng hồ, xe khách đã cập bến.

Chuyến xe... bệnh viện

Tôi đặt chuyến xe sớm nhất trong ngày để đưa mẹ ra Hà Nội tái khám. 3 giờ sáng một ngày mùa đông, vạn vật hẵng còn chìm trong giấc ngủ, tôi và mẹ lên xe khách. Chỉ sau hơn 2 giờ đồng hồ, xe khách đã cập bến.

Chuyến xe... bệnh viện

Người bệnh chờ đến lượt khám ở sảnh Bệnh viện K.

Bác tài xế trên xe thông báo:

- Xe đến bến rồi, mời hành khách xuống xe, đợi xe trung chuyển chở các bác đến bệnh viện.

Tôi giật mình. Thì ra, trên chuyến xe sáng sớm kín khách ngày hôm nay, phần đa đều là người đi viện. Trong lúc đợi xe trung chuyển, tôi tò mò hỏi bác tài:

- Chuyến xe ngày hôm nay phần đa đều là người đi viện thôi à bác tài, sao trùng hợp vậy nhỉ?

Như chừng đã quen với những chuyến xe sáng sớm, người tài xế đáp:

- Thì đi chuyến sáng sớm, không phải bệnh nhân với người nhà đi cùng thì mấy ai lại phải đêm hôm lặn lội như vậy anh. Ngày nào chả thế, đâu chỉ riêng hôm nay. Cũng may giờ đường sá thuận lợi, chỉ hai tiếng là từ TP Thanh Hoá ra đến Hà Nội, chứ như trước kia, bệnh nhân toàn phải đi từ đêm hôm trước, rồi phải thuê trọ, bất tiện lắm...

- Xe trung chuyển đến rồi, mời các bác ta lên xe cho kịp giờ - người phụ xe tiếp lời.

Không gian vang lên tiếng của các tài xế xe trung chuyển, cùng với đó là các điểm đến - những bệnh viện tuyến cuối. Trong đó, nhiều nhất là hành khách đến Bệnh viện K. Tôi và mẹ, là một trong số hành khách đó.

Đường phố Hà Nội sáng sớm còn ít phương tiện tham gia giao thông, xe chở mẹ con tôi và các bệnh nhân đến Bệnh viện K lao vun vút trên đường. Đến cổng bệnh viện, trời vẫn còn chưa tỏ mặt người. Giờ này, nếu ở nhà tôi vẫn còn cuộn mình trong chăn ấm.

Vậy nhưng, bước qua cổng Bệnh viện K, không khí xếp hàng đợi lấy số khám bệnh mới thật khiến người ta không khỏi giật mình. Khu vực bên trong sảnh chờ với hàng trăm ghế ngồi đã kín chỗ, người bệnh phải xếp thành hàng dài ra tận phía bên ngoài sân. Tôi trầm lặng, mỗi ngày không biết bao phận người phải đến Bệnh viện K?!

Trong không gian, nhân viên bệnh viện liên tục phát đi thông báo đề nghị người nhà và người bệnh xếp hàng, không chen lấn.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ chờ đợi cuối cùng cũng đến số thứ tự mẹ tôi vào khám. Tiếp đó, lại là những giờ đồng hồ nữa chờ đợi để lấy máu xét nghiệm, rồi siêu âm, chụp X-quang... Cuối cùng, đến 16h chiều cũng có đủ các kết quả, tôi đưa mẹ về phòng khám ban đầu để gặp bác sĩ. Tôi tạm thở phào khi nghe bác sĩ thông báo kết quả tái khám của mẹ tôi tạm thời ổn, bệnh nhân về nhà cần duy trì uống thuốc đều đặn và cẩn trọng việc ăn uống, hẹn 3 tháng sau khám lại, nếu có bất thường phải nhập viện gấp để điều trị.

Tôi gọi nhà xe đặt vé cho hai mẹ con về quê. Trong lúc chờ xe đến, mẹ kể, có bác đi khám cùng, mới xạ trị được đâu đó vài tháng, nay đi khám lại đã phát hiện bất thường, bác sĩ yêu cầu nhập viện gấp để điều trị... Nói đến đây, mẹ tôi buồn bã: “Người bị ung thư như “án tử” treo trên đầu, thôi thì... cố được ngày nào, biết ngày đó”... Tôi hướng mặt nơi khác, hai mắt cay xè không dám nhìn mẹ.

Xe lăn bánh đưa hai mẹ con về quê. Tranh thủ lướt điện thoại đọc báo vụ việc cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá nhiều cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ bán ra thị trường... Hoạt chất bị phát hiện là chất cấm sử dụng tại Việt Nam để ngâm ủ giá đỗ. Hoạt chất này nếu đưa vào cơ thể không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây ra nhiều bệnh và nếu sử dụng số lượng lớn có thể gây tử vong.

Số lượng giá đỗ có hóa chất bị thu giữ lên tới 20 tấn. Khủng khiếp hơn, chỉ trong năm 2024, nhóm đối tượng bị bắt đã đưa ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ. Một con số khiến người ta không khỏi bàng hoàng, phẫn uất. Chỉ vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng đánh mất lương tâm, đầu độc đồng loại...

Tôi chợt nhớ đến tâm sự của một bệnh nhân ung thư mà tôi từng gặp, trong hành trình chạy chữa để giành giật sự sống từng ngày: “Khi bị ung thư người ta mới biết tiền bạc không thể mua được sự sống. Có chăng, tiền bạc chỉ giúp người bệnh kéo dài sự sống trong đau đớn mà thôi”.

Và rồi, tôi hướng nhìn về phía mẹ, sau một ngày mệt nhoài ở bệnh viện, mẹ tôi đang thiếp đi trên chuyến xe cuối ngày...

Linh Chi


Linh Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]