(vhds.baothanhhoa.vn) - Đi làm về, vừa dắt xe vào nhà, tôi nghe có tín hiệu trong máy điện thoại, nhìn xem thì ra tin nhắn của mẹ: “Con gái ơi, mẹ đã nhận quà. Sao năm nào"...

Cô giáo cuộc đời tôi...

Đi làm về, vừa dắt xe vào nhà, tôi nghe có tín hiệu trong máy điện thoại, nhìn xem thì ra tin nhắn của mẹ: “Con gái ơi, mẹ đã nhận quà. Sao năm nào"...

Cô giáo cuộc đời tôi...

(Tranh minh họa. Nguồn: Internet)

Tôi chỉ đọc như thế là hiểu ngay, mẹ đã nhận món quà 20/11 tôi gửi, và bà rất hài lòng. Tôi thầm thì nhắn lại: “Con ơn và nhớ mẹ - cô giáo của con!".

Bây giờ tôi đã là cô gái trưởng thành và có gia đình riêng. Nhưng tôi rất thích được “bày vẽ” như thế, nhất là mỗi năm đến Ngày nhà giáo.

Mẹ tôi là giáo viên văn cấp ba trường huyện. Tôi nhớ ngày nhỏ, nhà tôi ở phòng khu tập thể của trường. Tôi hay thơ thẩn trên sân trường chờ mẹ sau giờ lên lớp. Mẹ là người bày cho tôi từng nét chữ, viết con số, đọc bài thơ, hay hát múa... khi tôi bắt đầu đi học mẫu giáo trường làng. Tôi là đứa tiếp thu nhanh nhưng không chăm chỉ, siêng năng, mà trái lại hay nghịch phá nên đôi lúc mẹ có những hình phạt nghiêm khắc, kể cả những năm học sau này cũng vậy.

Hồi mới vào học lớp một, tôi học chữ cái thật là tệ, hay quên chữ. Mẹ dịu dàng dạy tôi lại từng chữ, rồi kiên trì dạy đi dạy lại cho thuộc mặt chữ. Có khi vừa nấu ăn, mẹ cũng tranh thủ đố tôi những con chữ. Mẹ thường động viên tôi: “Con gần thuộc hết rồi, cố gắng nhé con”. Tôi nhớ, sau những công việc nhà hay soạn giáo án, mẹ thường “học” cùng tôi qua những bài toán, bài văn. Suốt 5 năm học bậc tiểu học, mẹ đều đặn chép vào vở đề Toán hay đề Văn - Tiếng Việt từ những cuốn sách mẹ mua. Mẹ chép và để chừa phần giấy trắng cho tôi làm bài giải vào đó. Rồi cùng tôi “chấm điểm”, sửa sai... Những quyển vở ấy đến giờ mẹ vẫn còn lưu giữ cẩn thận. Hay có những buổi mẹ không có tiết cuối chiều, đi đón tôi và “giữ” tôi lại sân trường. Mẹ dắt tôi đi xem bồn hoa, cây cảnh, cành phượng trên cao, chỉ hoa này, lá kia... Hoặc mẹ bảo cùng mẹ xem tivi, chương trình nào phù hợp với con. Hoặc chỉ vẽ để tôi tự tay làm cái này, cái kia từ những việc làm theo độ tuổi. Và cách dùng từ ngữ, xưng hô, nói năng trong mọi ngữ cảnh... Sau này lớn lên, mẹ bảo đó là những “giờ học” ngoài cửa lớp, ngoài sách vở, nhưng con sẽ “lớn” dần lên.

Cứ thế, mẹ chính là cô giáo đặc biệt, truyền năng lượng tích cực cho tôi. Tôi đã đi qua những buổi khai trường ngày còn nhỏ không có mẹ dắt tay đến lớp. Tôi cũng gặp nhiều tình huống khó xử, nhất là nghe ai đó nói loáng thoáng “Con của cô giáo phải học giỏi chứ"... Tôi nhiều lúc cũng tâm tư với mẹ những điều ấy, mẹ chỉ bảo: “Mọi thứ con cứ bình tĩnh, cứ luôn cố gắng học"...

Là tôi hiểu, mẹ đã dạy tôi một điều rất sâu sắc: Hãy bình tâm mọi lúc, mọi nơi và vươn lên. Những năm học cấp ba, tôi đã chọn học khối A1 (Toán, Vật lý và Anh văn), nhưng mẹ khuyên tôi cần học đều các môn, trong đó môn văn. Tôi nhớ lời mẹ dặn: “Sau này con đi làm, ngành nghề nào con cũng phải có vốn từ ngữ và cần kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Làm gì cũng vậy, nếu đã giỏi về chuyên môn, lại có thêm vốn từ ngừ và những kỹ năng ấy thì sẽ dễ dàng thành công hơn”.

Ngay khi tốt nghiệp cấp ba, tôi xa nhà đi học đại học. Mẹ bảo mẹ không có gì lo lắng nhiều, "vì con đã có thể đủ lớn” rồi. Hay khi tôi tốt nghiêp đại học và thi tuyển vào một công ty đi làm, mẹ bảo: “Trường đời là trường đại học lớn nhất”. Mẹ cứ “lời ít ý nhiều” như thế, mãi là cô giáo đặc biệt của tôi, yêu thương và ấm áp vô ngần...

Tôi nghĩ, mẹ tôi cũng như người mẹ của bất cứ ai, đều là cô giáo đầu đời của những đứa con. Những việc làm, lời dạy của mẹ đã khắc sâu, thấm đượm trong tâm trí tôi. Để rồi giờ đây, tôi cũng là người mẹ, sẽ gặp lại hình ảnh mẹ tôi trên hành trình cuộc đời mình.

Hồ Thu (CTV)


Hồ Thu (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]