(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát triển nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, trong đó sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu thời kỳ hội nhập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Queen Farm: Hướng tới nông nghiệp sạch

Phát triển nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, trong đó sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu thời kỳ hội nhập.

Những năm qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang có hướng đi đúng đắn và thành công trong lĩnh vực được xem khá “mạo hiểm” nhưng đầy tính nhân văn - nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), hướng tới nền nông nghiệp bền vững, vì sức khỏe cộng đồng. Báo Văn hóa và Đời sống có dịp trao đổi với ông Trần Văn Tân (SN 1979) - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (Queen Farm), Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp An toàn và Hữu cơ tỉnh Thanh Hóa xoay quanh chủ đề trên.

Ông Trần Văn Tân (thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa tại sự kiện giới thiệu - quảng bá - kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.

PV: Được biết, doanh nghiệp của ông đang rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh cửa nhựa, cửa nhôm, phụ kiện lõi thép. Cơ duyên nào đã đưa ông quyết định kinh doanh sang lĩnh vực NNCNC - lĩnh vực được xem khá mạo hiểm bởi đầu tư lớn, phải lâu dài mới có hiệu quả?

Ông Trần Văn Tân: Bản thân tôi từng là cán bộ công tác tại Công ty Thủy nông Bắc sông Mã sau đó chuyển ra ngoài làm công việc tự do. Cơ duyên sau một lần được tham quan mô hình NNCNC tại Nhật Bản cùng Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa và hiểu được ý nghĩa, giá trị của làm nông nghiệp công nghệ cao. Nhận thấy, quê hương Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp, đơn vị đầu tư vào lĩnh vực NNCNC trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn. Đó vừa là thách thức đồng thời là cơ hội và năm 2017 tôi đã bắt tay vào làm NNCNC. Được chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Quảng Xương tạo điều kiện, tôi đã chuyển đổi 7,8 ha đất nông nghiệp tại thôn Dục Tú, xã Quảng Tân (nay là thị trấn Tân Phong) để làm NNCNC mang tên Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương Mại Phong Cách Mới (Queen Farm).

PV: Ông có thể cho biết thêm về hoạt động và hiệu quả của khu NNCNC Queen Farm? Hiện Queen Farm là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực NNCNC của tỉnh Thanh Hóa, Queen Farm được các cấp, ngành ghi nhận như thế nào?

Ông Trần Văn Tân: Từ chuyến tham quan mô hình làm NNCNC tại Nhật Bản, nhận thấy sự ưu việt của giống dưa lưới Taki và hệ thống nhà màng hiện đại của Nhật Bản, tôi quyết định liên kết với công ty Watanabe Pipe - là công ty hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực nhà kính nông nghiệp, được công ty chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất. Đặc biệt, đối với giống dưa lưới Taki, tại Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung chưa có đơn vị nào đưa vào trồng. Dưa lưới Taki được xem là “bảo bối” và là giống dưa ngon nhất của Nhật Bản đã được Queen Farm lựa chọn trên hành trình khởi nghiệp. Đây là loại dưa rất nhạy cảm với thời tiết, yêu cầu môi trường trong lành và ổn định. Tại Queen Farm giống dưa này được canh tác bằng quy trình kỹ thuật hiện đại như hệ thống tưới nhỏ giọt và các tiêu chuẩn khắt khe. Do vậy, những quả dưa khi đến tay người tiêu dùng hoàn toàn đảm bảo chất lượng về độ ngọt, độ sạch tuyệt đối cũng như hình thức, độ tròn đều, vân lưới đẹp. Hiện nay dưa lưới Taki là sản phẩm độc quyền của Queen Farm tại Việt Nam.

Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, Queen Farm đã có 2 sản phẩm là dưa lưới Taki, dưa chuột baby xếp hạng 4 sao. Mới đây, từ ngày 24 đến 27/7, tại phố đi bộ và ẩm thực quận Tây Hồ (Hà Nội), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP Hà Nội, tổ chức “Sự kiện giới thiệu - quảng bá - kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc”, sản phẩm dưa lưới Taki, dưa chuột baby của Queen Farm vinh dự được góp mặt trong số sản phẩm OCOP của Thanh Hóa được giới thiệu, quảng bá.

Bên cạnh đó, Queen Farm đầu tư trồng rau thủy canh, hiện có trên 20 loại rau ăn lá thông thường như rau muống, xà lách, rau gia vị đến một số loại rau cao cấp như rau chân vịt, cải xoăn Kale, cải Mizuna Nhật Bản phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn cao cấp... Công ty cũng đã đầu tư gần 3,7 ha nhà lưới tại huyện Nông Cống để sản xuất rau, củ quả. Các sản phẩm của Queen Farm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, công ty có tem truy xuất nguồn gốc mã QR Code, hướng tới xây dựng thương hiệu GlobalGAP. Hiện đầu ra của sản phẩm hiện ổn định với 2 cửa hàng do công ty tự đầu tư và hệ thống các siêu thị, nhà hàng, các trường học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu.

Ngoài phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn cho người dân, nông trại Queen Farm còn kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm được khách du lịch, khối trường học tới tham quan và hội viên hội nông dân các địa phương trong tỉnh đến học hỏi mô hình.

Từ những đóng góp của mình, bản thân tôi và Queen Farm đã được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong liên kết sản xuất và kết nối cung - cầu thực phẩm đảm bảo an toàn, tỉnh Thanh Hóa năm 2018 - 2019” và Bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019”; đạt Giải thưởng Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019; được chính quyền huyện Quảng Xương ghi nhận, tôn vinh điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020. Tôi cũng vinh dự được tỉnh Thanh Hóa chọn là đại biểu tiêu biểu đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc giai đoạn 2015 - 2020. Đó như một món quà tinh thần động viên, khích lệ để Queen Farm tiếp tục theo đuổi hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khu trồng rau thủy canh của nông trại Queen Farm.

PV: Thưa ông, thời gian gần đây cả thế giới đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, trong đó có Việt Nam. Xu hướng này đang được Nhà nước ta rất chú trọng và khuyến khích nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Ông suy nghĩ gì về điều này và Queen Farm sẽ làm gì để bắt kịp xu hướng mới?

Ông Trần Văn Tân: Nông nghiệp hữu cơ là hình thức canh tác nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Người tiêu dùng chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vì sản phẩm hữu cơ không có chất kích thích tăng trưởng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Rau quả hữu cơ có vị ngon hơn, nhiều dinh dưỡng hơn các loại thực phẩm canh tác theo phương thức thông thường. Bởi vậy xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp đúng đắn. Queen Farm không nằm ngoài xu thế ấy mà đang từng bước xây dựng, tiến tới sản xuất những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Các sản phẩm của Queen Farm, đặc biệt dưa lưới Taki hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, châu Á... Ngoài phát triển nông nghiệp tại Quảng Xương, Nông Cống thì hiện nay, Queen Farm đang mở rộng địa bàn ra các địa phương khác. Đặc biệt, Queen Farm đang chuẩn bị thủ tục, hồ sơ để được chuyển nhượng 60 ha đất của xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

PV: Có phải do nắm bắt được xu hướng của phát triển nông nghiệp hữu cơ nên ông là một trong những người tiên phong vận động thành lập Hiệp hội Nông nghiệp An toàn và Hữu cơ tỉnh Thanh Hóa. Ngày 30/6 vừa qua đã diễn ra Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội, xin ông có thể chia sẻ tâm tư cũng như định hướng để Hiệp hội ngày càng phát triển lớn mạnh?

Ông Trần Văn Tân: Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp An toàn và Hưu cơ tỉnh Thanh Hóa (tên viết tắt THASOAE) được thành lập theo Quyết định số 665/QĐ/UBND, ngày 25/2/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Hiệp hội được thành lập với mục đích phấn đấu cho ngành nông nghiệp an toàn và hữu cơ phát triển bền vững. Được các hội viên tín nhiệm, bản thân được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội, đây vừa là vinh dự cũng là trách nhiệm lớn lao, bản thân sẽ cùng Ban Chấp hành đoàn kết, nỗ lực, với mục tiêu xây dựng Hiệp hội vững mạnh, tạo sự liên kết, hợp tác giữa các hội viên. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Hy vọng rằng, cùng với các tỉnh, thành trên cả nước, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương như đất đai, hạ tầng, giống, công nghệ sản xuất hữu cơ, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động được các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn nói chung cũng như tạo điều kiện cho Hiệp hội Nông nghiệp An toàn và Hữu cơ tỉnh Thanh Hóa nói riêng được hưởng những cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Xin cảm ơn ông. Chúc ông sức khỏe và thành công!

Ngọc Huấn (thực hiện)


Ngọc Huấn (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]