(vhds.baothanhhoa.vn) - Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng, tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0

Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng, tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển lớn.

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp; mạng lưới các nhà đầu tư đang tăng lên về số lượng, các trường đại học, các tổ chức ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp với chất lượng ngày một nâng cao. Tuy nhiên, những khó khăn trong thực tế cho thấy cần phải xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ DNKN phát triển.

Hiện, vẫn chưa có một định nghĩa chính thức về DNKN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) và các thành phần của hệ sinh thái trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đây là nguyên nhân chưa thể xây dựng các quy định đặc thù về vấn đề khởi nghiệp ĐMST và để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Mặt khác, những quy định hiện hành hỗ trợ Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (DNKHCN) về ưu đãi đất đai, thuế chưa thật sự phù hợp, do các doanh nghiệp thời gian đầu chưa phát sinh thu nhập chịu thuế, ít có nhu cầu về đất mà hầu hết cần mặt bằng có sẵn để làm không gian, văn phòng.

Trong khi đó, các chương trình, dự án hiện có hầu hết đều tập trung vào khâu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, nhưng sau khi được hoàn thiện thì việc đưa công nghệ, sản phẩm đó ra thị trường lại chưa được hỗ trợ. Nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là rất lớn, nhưng việc đầu tư lại chứa nhiều rủi ro, cho nên cần có nguồn vốn tài trợ ban đầu từ Nhà nước, tạo nền tảng để thu hút các nguồn lực khác.

Bên cạnh đó, hiện nay, các quy định pháp luật hiện hành chưa đầy đủ để tạo điều kiện cho các hình thức đầu tư khởi nghiệp phát triển. Các quỹ đầu tư khởi nghiệp ĐMST, các trung gian gọi vốn cho DNKN vẫn chưa được công nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Việt Nam chưa có các quy định về ưu đãi cho đối tượng là nhà đầu tư (cả cá nhân và tổ chức), do đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu điều kiện đầu tư là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam phải đăng ký thành lập doanh nghiệp tại nước ngoài.

Mặt khác, các thủ tục hành chính cho việc chứng nhận đầu tư cho các khoản đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam còn rườm rà, chưa phù hợp với tính chất “đầu tư mạo hiểm”. Chưa có các quy định về visa để khuyến khích các nhà đầu tư, chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới tới Việt Nam nhằm giao lưu, kết nối đầu tư, nâng cao trình độ và năng lực của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước.

Hội nghị chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ.

Nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTgphê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844)...

Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với 48 tổ chức KH&CN, gồm 29 tổ chức KH&CN công lập và 19 tổ chức KH&CN ngoài công lập, trong đó có 9 cơ sở giáo dục đại học; có gần 12 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có gần 8 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, các DNKHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh còn quá ít. Để thực hiện được mục tiêu đề ra cần phải đẩy mạnh khâu đột phá về phát triển KH&CN, nhất là tạo lập môi trường thuận lợi để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các DNKN đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa sự tham gia, đóng góp của các thành phần tạo nên Hệ sinh thái khởi nghiệp gồm các doanh nghiệp, trường đại học, các tổ chức tư vấn, các tổ chức cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư, nhà cố vấn, huấn luyện viên.

Bên cạnh đó là vai trò hỗ trợ và thúc đẩy của bộ máy chính quyền như: hỗ trợ tuyên truyền, vận động tinh thần khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp cho cộng đồng; hỗ trợ không gian làm việc chung cho hệ sinh thái; miễn giảm các chi phí về đất đai, thuế,... cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, các nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư mạo hiểm và các quỹ hỗ trợ của địa phương,... giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Khuyến khích thanh niên, nhất là sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh thay đổi tâm thế, quan niệm học để làm công chức, sang làm kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tỉnh đang định hướng phát triển...

TS. Nguyễn Ngọc Túy


TS. Nguyễn Ngọc Túy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]