Để sớm hiện thực hóa “giấc mơ” có nhà của công nhân
Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (CN), người lao động (NLĐ) không phải câu chuyện mới. Dẫu vậy, đây cũng là vấn đề chưa cũ khi mà giá mua, thuê nhà ở xã hội dành cho đối tượng CN, NLĐ có thu nhập thấp và trung bình vẫn còn chưa thực sự “tiệm cận”... Xung quanh câu chuyện đầu tư xây dựng, mua, thuê... nhà ở xã hội, phóng viên (PV) báo Thanh Hóa cuối tuần đã trao đổi với các ông: Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng); Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh; Lê Quý Anh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển bất động sản nhà Việt Nam - chủ đầu tư dự án nhà ở CN Khu Công nghiệp và Đô thị (KCN&ĐT) Hoàng Long, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa).
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Cần thêm các chính sách phát triển và ưu đãi về nhà ở xã hội PV: T hực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, CN KCN giai đoạn 2021-2030”, Thanh Hóa được giao chỉ tiêu hoàn thành ít nhất 13.787 căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, CN KCN. Ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội dành cho CN, NLĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay? Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Qua thực tế khảo sát, đánh giá có thể khẳng định, nhu cầu nhà ở xã hội của CN, NLĐ trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Tuy nhiên, thực tế khả năng thanh toán cho nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội của CN, NLĐ nhìn chung còn thấp. Nói một cách dễ hiểu, so với giá bán, cho thuê nhà ở xã hội hiện nay, CN, NLĐ có thu nhập thấp nếu không được hỗ trợ thì không dễ trong việc mua, thuê nhà ở xã hội. Bên cạnh nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, nếu được, nên chăng cần có sự hỗ trợ từ chính các doanh nghiệp - chủ sử dụng lao động đối với CN. Chúng ta thường nói, an cư mới lạc nghiệp. Khi CN, NLĐ có chỗ ở tốt, ổn định thì họ sẽ có điều kiện để cống hiến cho công việc nhiều hơn. Ví dụ, việc doanh nghiệp có thể hỗ trợ CN, NLĐ vốn vay để mua, thuê nhà ở xã hội, đặc biệt là đối với những lao động đã có thời gian gắn bó lâu dài với công ty. Ở nhiều KCN có các dự án nhà ở xã hội, có thể CN, NLĐ chưa đủ điều kiện mua (hoặc không mua) thì nên chăng, doanh nghiệp có thể hỗ trợ để NLĐ thuê nhà với chi phí hợp lý. Tôi tin rằng, không có NLĐ nào lại không muốn ở trong những căn hộ sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo an ninh trật tự với chi phí phù hợp. Đề án “1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, CN KCN...” là chủ trương nhân văn, mang ý nghĩa xã hội lớn. Tuy nhiên về thủ tục pháp lý cũng như các gói tín dụng cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cả người dân mua nhà hiện nay có lẽ chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Riêng về phía chủ đầu tư, vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại Nhà nước với mức giảm từ 1,5% đến 2% thực tế chưa tạo được sức hấp dẫn thật sự. Trong khi đó, các thủ tục về mặt pháp lý đối với các dự án nhà ở xã hội cũng trải qua các bước phức tạp, nhanh thì từ 1, 2 năm, có những dự án có thể lên tới 5 năm. Việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Việc chấp thuận chủ trương đầu tư làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư còn chậm trễ do chưa đảm bảo phù hợp các cấp độ quy hoạch xây dựng (giữa quy hoạch chi tiết với quy hoạch phân khu và quy hoạch chung đô thị) tại các dự án nhà ở xã hội; việc bàn giao quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội còn chậm trễ (do chưa được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để bàn giao); còn nhiều dự án chậm trễ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng... Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Cần có sự phối hợp đồng bộ PV: Trong câu chuyện về việc để CN, NLĐ có thể tiếp cận việc mua, thuê nhà ở xã hội một cách thuận lợi hơn, về phía Liên đoàn Lao động tỉnh, theo ông có những vấn đề nào cần được quan tâm? Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Tại các KCN lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay như KCN Hoàng Long, KCN Tây Bắc Ga, KCN Lễ Môn... một bộ phận không nhỏ CN, NLĐ xa nhà đang phải ở trong điều kiện phòng trọ chật hẹp, nóng bức, chưa đảm bảo các điều kiện sống cơ bản. Hy vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có sự phối hợp tuyên truyền giữa các sở, ngành liên quan, chủ đầu tư dự án, đơn vị ngân hàng với hệ thống tổ chức công đoàn các cấp. Thông qua những hoạt động tuyên truyền, để CN, NLĐ nắm vững hơn về những chính sách hỗ trợ, dự án nhà ở xã hội. Để từ đấy có những nguồn thông tin chính thống, xác thực. Tôi cho rằng, sự phối hợp giữa các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, các ngân hàng với tổ chức công đoàn các cấp là thực sự cần thiết. Hiện nay, với mức thu nhập trung bình từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, nếu NLĐ không tiếp cận, nắm được các thông tin, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước thì họ rất khó dám nghĩ đến việc mua nhà ở xã hội. Bởi giá nhà ở xã hội so với thu nhập của CN, NLĐ hiện nay vẫn là một khoảng cách khá lớn. Ông Lê Quý Anh: Dự án nhà ở xã hội cần lấy CN, NLĐ có nhu cầu nhà ở làm trung tâm PV: Là một trong những doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho CN, NLĐ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm cũng như đề xuất từ phía doanh nghiệp? Ông Lê Quý Anh: Dự án nhà ở CN KCN&ĐT Hoàng Long do Công ty CP Đầu tư phát triển bất động sản nhà Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng diện tích 1,9ha với quy mô 369 căn hộ (3 tòa nhà), đã đưa vào sử dụng 246 căn. Cuối năm 2021 bắt đầu đủ điều kiện để người mua nhà dọn vào ở (tòa 1). Giá nhà ở tại dự án nhà ở CN KCN&ĐT Hoàng Long được cơ quan Nhà nước duyệt là 12,7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá bán hiện nay là 11,7 triệu đồng/m2 với diện tích căn hộ từ 39m2 đến 60m2. Thẳng thắn nhìn nhận, nếu so với một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, thì dự án nhà ở CN KCN&ĐT Hoàng Long có tốc độ tiêu thụ chậm hơn. Nguyên nhân chính là do dự án nằm ở vị trí chưa thực sự phù hợp với số đông CN, NLĐ có nhu cầu về nhà ở xã hội. Phát triển nhà ở xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội, vì thế những dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới cần đặc biệt chú trọng đến vị trí xây dựng - phù hợp với đối tượng CN, NLĐ thực sự có nhu cầu mua, thuê nhà. Việc phê duyệt đối tượng vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội còn chậm. Có không ít những khách hàng của dự án nhà ở CN KCN&ĐT Hoàng Long phải mất 6 tháng đến 1 năm để được phê duyệt vay vốn mua nhà. Thời gian chờ đợi quá lâu có thể khiến CN, NLĐ mất đi cơ hội mua nhà ở xã hội. Là một doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, chúng tôi cho rằng, việc đơn giản hóa, giảm bớt các thủ tục đối với doanh nghiệp là điều quan trọng, rất cần thiết. Để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho CN, NLĐ có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh, cần nhiều hơn những chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cả người dân mua nhà. |
Trang Bùi (thực hiện)
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-23 15:51:00
Người tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tiên phong, tích cực
-
2024-05-04 15:14:00
Những người giữ bình yên cho du khách khi về với biển
Mua, thuê nhà ở xã hội: Vẫn là điều không dễ
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới
Hiệu quả từ mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản ở huyện Thường Xuân
Chuyện ở khu trọ công nhân
Khi bộ đội giữ rừng
Đánh thức những vùng đồi
Đẩy mạnh hoạt động đoàn, đội trong nhà trường
Nỗi lo đuối nước ở huyện vùng biên
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu