(vhds.baothanhhoa.vn) - Xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) có 9 lão thành cách mạng, trong đó dòng họ Lê Văn ở làng Đại Bái có 3 người, đặc biệt là cựu tù Côn Đảo Lê Văn Tiến. Với truyền thống yêu nước, con cháu dòng họ Lê Văn đã, đang góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương Thiệu Giao ngày càng phát triển.

Cựu tù Côn Đảo Lê Văn Tiến - một nhân sĩ yêu nước

Xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) có 9 lão thành cách mạng, trong đó dòng họ Lê Văn ở làng Đại Bái có 3 người, đặc biệt là cựu tù Côn Đảo Lê Văn Tiến. Với truyền thống yêu nước, con cháu dòng họ Lê Văn đã, đang góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương Thiệu Giao ngày càng phát triển.

Cựu tù Côn Đảo Lê Văn Tiến - một nhân sĩ yêu nướcÔng Lê Văn Tiến, ngồi hàng trước, người thứ 2 từ trái sang và các tù nhân ở Côn Đảo. (Ảnh tư liệu)

Truyền thống cách mạng của gia đình, bắt đầu từ cụ Lê Văn Đạt (hay còn gọi là Lê Minh Dung, Minh Châu), người đã đứng lên chiêu mộ binh sĩ theo đại thần Nguyễn Tri Phương đi dẹp loạn Phương Bắc, được phong làm Lại mục huyện Nông Cống. Và nghe theo hiệu triệu chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, cụ Lê Văn Đạt liền hưởng ứng, tham gia. Cụ đã gia nhập nghĩa quân Ba Đình, vào sinh ra tử từ những ngày nghĩa quân hừng hực khí thế cho tới khi phải rút về căn cứ dự phòng ở Mã Cao (Yên Định). Căn cứ này về sau bị lộ, giặc bắt và giết hầu như toàn bộ nghĩa quân, trong số đó có cụ Đạt.

Con trai cụ Đạt, ông Lê Văn Tiến (sinh năm 1868) từ nhỏ đã được học chữ, đọc thông, viết thạo và thấu hiểu về đạo nghĩa “ái quốc”. 14 tuổi mồ côi mẹ, năm 20 tuổi mồ côi cha, chàng trai Lê Văn Tiến đã tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình và vùng quê nghèo Thiệu Giao, tham gia cách mạng từ sớm. Đây là thời kỳ thực dân Pháp tăng cường đàn áp phong trào cách mạng sau khởi nghĩa Ba Đình, tiến hành củng cố bộ máy chính quyền, vơ vét bóc lột, áp đặt tô tức, thuế khóa nặng nề, phu phen lao dịch liên miên, dân tình khổ cực đói kém, người chết đói khắp nơi đầy đường xó chợ, làng quê nghèo đói chìm trong khói súng.

Năm 22 tuổi, ông đã làm Thư lại bộ lại sau được bổ nhiệm làm Thư lại niết ty tỉnh Thanh Hóa; năm 41 tuổi, ông được thăng chức Chánh cửu phẩm niết ty tỉnh Hà Tĩnh. Song không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, Nhân dân nô lệ khổ cực lầm than, noi gương cha, ông Lê Văn Tiến tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục chống thuế ở các tỉnh miền Trung. Ông đã cùng các sĩ phu yêu nước ở Thanh Hóa liên tục bàn bạc, tổ chức lực lượng đấu tranh ủng hộ phong trào. Ông bị địch bắt trong khi đang cùng các tú tài Lê Duy Tá, Lê Nguyên Thành, Nguyễn Lợi Thiệp, cử nhân Hoàng Văn Khải, Nguyễn Soạn, Lê Trọng Nhị họp bí mật tại nhà ông Nguyễn Xứng (nay là phố Cửa Tả, TP Thanh Hóa). Địch ghép cho ông 2 tội: “âm mưu bạo loạn và tuyên truyền, vận động Nhân dân chống thuế” và kết án tử hình. Trước phiên tòa của thực dân, ông bình tĩnh khôn ngoan đối đáp trôi chảy nên đã gỡ được án tử hình. Thay vào đó là án tù 9 năm ở Côn Đảo với số tù 7648.

Ở Côn Đảo, dù bị tra tấn ông vẫn giữ tấm lòng kiên trung của một người yêu nước. Ông còn học nghề bốc thuốc từ một số cựu tù khác, trước là chữa bệnh cho các tù nhân, sau nếu sống sót trở về là chữa bệnh cho dân nghèo. “Trong dòng họ chúng tôi đến ngày nay vẫn còn chép lại những câu thơ của ông nội:

Hiên ngang đứng giữa đảo Côn Lôn

Vết đá trông xa, tưởng lốt hùm

Gió thổi miệng hang, gầm buổi sáng

Mây luồn chân núi, thét khi hôm

Mạch long áp đất, chôn chân đứng

Bóng thỏ lưng trời,nghếch mắt nom

Nghe nói rồng thiêng, ta thử bỡn

Trèo lên lưng cưỡi, ắt không chồm.

Những tình cảm, lòng căm thù giặc Pháp và niềm tin thắng lợi của phong trào cách mạng đã được ông nội tôi thể hiện rất rõ”, ông Lê Quang Thanh cháu nội của cựu tù Lê Văn Tiến cho biết.

Cựu tù Côn Đảo Lê Văn Tiến - một nhân sĩ yêu nướcCác con cháu bên nhà thờ dòng họ, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Năm 1915, cựu tù Lê Văn Tiến được giảm án về quê, quản thúc tại nhà. Nhờ có nghề thuốc học được, ông vừa chữa bệnh cho dân vừa tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Đó cũng là thời điểm phong trào Duy Tân đang phát triển mạnh mẽ ở miền Trung, đồng thời cũng là giai đoạn mặt trận bình dân Pháp ra đời đấu tranh đòi quyền dân chủ. Vì thế ông và các nhà nho yêu nước ở địa phương hăng hái “chống đi phu, giảm sưu thuế, chống mê tín dị đoan, cải cách dân sinh nâng cao dân trí”, vận động Nhân dân học chữ Quốc ngữ, tham gia xây dựng trường sơ học Đại Bối năm 1927, ngôi trường đầu tiên ở phủ Thiệu Hóa do Lê Viết Lập khởi xướng. Các ông còn vận động Nhân dân cắt tóc ngắn, mang quần áo ngắn, không đốt vàng mã, đòi giảm thuế, chống đi phu đi lính. Tiếc là sức khỏe bị suy giảm rất nhiều sau thời gian ở Côn Đảo, cựu tù Lê Văn Tiến đã mất năm 1937.

Noi gương cha mình, 3 người con của ông Tiến lớn lên rời quê, đi làm ăn sinh sống, tham gia hoạt động cách mạng, xây dựng cơ sở ở Cầu Đất (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Trong đó có ông Lê Quang Phấn, nguyên là đảng viên Đảng Tân Việt và là một trong những người thành lập chi bộ Tân Việt ở Đà Lạt (sau này là chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Đà Lạt). Ông chính là đầu mối liên lạc giữa Đà Lạt với Nha Trang, Tháp Chàm. Địa điểm nhà ông ở Trạm Bò (Đà Lạt) là nơi gặp gỡ, đi lại của cán bộ và là nơi mở lớp huấn luyện cho nhiều cán bộ, đảng viên của các tỉnh Nam Trung bộ. Ông cũng đã tham gia cướp chính quyền ở quê nhà và trở thành Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Thọ Khang (thị trấn Thọ Xuân ngày nay) trong thời kỳ 1945-1947. Chỉ duy nhất có ông Lê Minh Sơn (Lê Minh Sài), người con thứ 3 của ông Lê Văn Tiến ở lại quê nhà và tham gia phong trào cách mạng 1936-1939 của địa phương do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Sau này ông Lê Minh Sơn được Ủy ban khởi nghĩa phủ Thiệu Hóa giao nhiệm vụ làm trung đội trưởng Trung đội tự vệ tổng Đại Bối trong phong trào giành chính quyền ở Thiệu Hóa.

“Kể từ khi chi bộ Đại Bối (nay là Đại Bái, xã Thiệu Giao) được thành lập tháng 9-1945 đến nay gần 78 năm. Trải qua các cuộc chiến tranh, Thiệu Giao có 831 người lên đường chiến đấu trên các chiến trường và hàng trăm người đi thanh niên xung phong, tham gia dân công hỏa tuyến... Trong đó có 80 liệt sĩ, 99 thương bệnh binh, 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 9 người là lão thành cách mạng. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu về sưu tầm, tìm hiểu về cuộc đời của cựu tù Côn Đảo Lê Văn Tiến trong dịp kỷ niệm 100 năm nhân sĩ Thanh Hóa tham gia kháng thuế bị địch đày đi Côn Đảo (1909-2009). Với truyền thống yêu nước, con cháu dòng họ không chỉ khẳng định vị thế của mình trong xã hội mà còn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương Thiệu Giao ngày càng phát triển”, ông Lê Văn Quân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Giao khẳng định.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]