(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mong ước mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, lễ hội Cầu Ngư đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, linh thiêng của cư dân vùng biển Thanh Hóa. Lễ hội không chỉ thể hiện tín ngưỡng truyền thống mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Đặc sắc lễ hội Cầu Ngư của cư dân miền biển xứ Thanh

Với mong ước mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, lễ hội Cầu Ngư đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, linh thiêng của cư dân vùng biển Thanh Hóa. Lễ hội không chỉ thể hiện tín ngưỡng truyền thống mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Đặc sắc lễ hội Cầu Ngư của cư dân miền biển xứ Thanh

Tiết mục sân khấu hóa tại lễ hội Cầu Ngư - bơi trải tại Cảng cá Lạch Hới (Sầm Sơn).

Từ 22 đến 24/2 âm lịch hằng năm, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) lại tưng bừng trong không khí lễ hội Cầu Ngư – một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đậm đà bản sắc của cư dân miền biển. Đây không chỉ là dịp để ngư dân bày tỏ lòng thành kính với thần linh biển cả mà còn thể hiện ước vọng về một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, cuộc sống no ấm, bình yên. Điểm đặc sắc nhất của lễ hội chính là sự hiện diện của Long Châu – linh vật thiêng liêng mang hình dáng thuyền rồng, được chế tác thủ công kỳ công bởi những nghệ nhân giàu kinh nghiệm và đức độ trong làng. Long Châu không chỉ là biểu tượng, mà còn là linh hồn của lễ hội, nơi kết tinh niềm tin, sự tri ân và kỳ vọng của người dân với biển cả bao la.

Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với nghi thức rước kiệu từ nghè Diêm Phố về thôn Bắc Thọ, nơi Long Châu đã được chuẩn bị, tạo nên một khung cảnh linh thiêng, đầy cảm xúc. Từ đây, đoàn rước với kiệu và Long Châu sẽ tiến về đàn tế hướng ra biển, nơi diễn ra các nghi lễ cầu an, cầu ngư trọng thể. Đặc biệt, sau khi tế lễ hoàn tất, Long Châu sẽ được rước ra biển và làm lễ “hóa vàng” – một nghi thức thể hiện lòng biết ơn và mong muốn được chở che bởi thần linh trong những chuyến vươn khơi sắp tới. Không chỉ dừng lại ở nghi thức tâm linh, phần hội của lễ Cầu Ngư tại Ngư Lộc cũng rộn ràng và hấp dẫn với nhiều hoạt động đặc trưng như thi câu mực, đan lưới, kéo co, hát hò đối đáp... Tất cả tạo nên một không gian lễ hội sống động, gắn kết cộng đồng và lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời của người dân miền biển. Với những giá trị độc đáo, năm 2017, lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống và còn là niềm tự hào của cư dân nơi đây – những con người suốt đời gắn bó với sóng nước, luôn hướng về biển khơi với lòng thành và hy vọng.

Vào giữa tháng 5 âm lịch hằng năm – những ngày chính hạ, tại Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) với lễ hội Cầu Ngư – bơi trải. Đây là lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa biển, không chỉ để cầu mùa màng bội thu, sóng yên biển lặng, mà còn là dịp để tưởng nhớ những người có công với làng biển. Tiếng trống rộn rã, tiếng hò reo của cuộc đua thuyền trên sông xen lẫn tiếng nhạc tế lễ, tiếng người rước kiệu... tạo nên không gian lễ hội độc đáo nơi cửa biển. Trong đó, lễ tế Cá Ông (cá Voi) là nghi lễ linh thiêng bậc nhất. Cá Ông từ lâu đã được người dân vùng biển xem là vị thần phù trợ ngư dân vượt qua bão tố. Nếu cá Voi mắc cạn hay trôi dạt vào bờ, ngư dân sẽ chăm sóc, nếu không cứu được sẽ tổ chức chôn cất trọng thể, thậm chí có nơi còn để tang như với người thân ruột thịt.

Đặc sắc lễ hội Cầu Ngư của cư dân miền biển xứ Thanh

Cuộc thi đua thuyền truyền thống tại lễ hội Cầu ngư - bơi trải tại Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn).

Tục thờ cá Ông đã trở thành lệ chính thức từ thời Nguyễn và vẫn duy trì bền bỉ đến nay. Ngoài ra, cư dân biển Sầm Sơn còn phối thờ Tứ vị Thánh nương, thần Độc Cước... Không chỉ là nghi lễ tâm linh, lễ hội còn là dịp để người dân Sầm Sơn tri ân tiền nhân. Gắn liền với vùng đất Cửa Hới là hình ảnh Kim Cương tướng quân – vị anh hùng sinh ra từ làng chài, từng được Thái sư Trần Quang Khải giao trọng trách chỉ huy nhiều trận đánh lớn với quân Nguyên – Mông. Ông góp phần bảo vệ vua tôi nhà Trần khi rút về Thanh Hóa, tạo thế phản công lật đổ vó ngựa xâm lăng. Âm hưởng hào hùng của cha ông năm xưa vẫn vang vọng qua từng hồi trống, nhịp chèo bơi trải, qua câu hò kéo lưới... làm nên một lễ hội không chỉ rực rỡ sắc màu mà còn đậm đà bản sắc và niềm tự hào của cư dân vùng biển Sầm Sơn.

Lễ hội Cầu Ngư của cư dân vùng biển xứ Thanh, không chỉ là dịp để cộng đồng ngư dân tưởng nhớ công lao của thần linh biển cả, gửi gắm niềm tin vào một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang mà còn là minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của những giá trị văn hóa truyền thống. Qua từng nghi lễ trang nghiêm, từng màn bơi trải kịch tính hay những khung cảnh đan lưới cần mẫn..., người dân nơi đây đã khéo léo bảo tồn và lan tỏa tinh thần đoàn kết, niềm tự hào nghề biển và khát vọng vươn khơi mạnh mẽ. Lễ hội không chỉ là một tín ngưỡng, văn hóa, mà còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Chính sự hòa quyện giữa yếu tố tâm linh, cộng đồng và nghệ thuật dân gian đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt, khiến lễ hội Cầu Ngư trở thành di sản tinh thần quý báu, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa biển và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội Cầu Ngư, thiết nghĩ các cấp, các ngành, các địa phương cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn nguyên gốc và đổi mới phương thức tổ chức phù hợp với thời đại. Trong đó, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ về các nghi lễ, phong tục, ý nghĩa lịch sử của lễ hội là nhiệm vụ quan trọng nhằm duy trì mạch văn hóa không bị mai một. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ nghệ nhân, cũng như đẩy mạnh hoạt động truyền thông để lan tỏa giá trị của lễ hội ra cộng đồng rộng lớn hơn.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]