(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hàng trăm tấn ngao sắp đến kỳ thu hoạch bỗng chết một cách bất thường khiến người nuôi ngao ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc) lâm vào cảnh tay trắng trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dân lao đao vì ngao chết trắng bãi biển

(VH&ĐS) Hàng trăm tấn ngao sắp đến kỳ thu hoạch bỗng chết một cách bất thường khiến người nuôi ngao ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc) lâm vào cảnh tay trắng trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Công an huyện Hậu Lộc và các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã lấy một số mẫu chất thải, nước, đất và ngao chết đưa đi giám định để làm rõ nguyên nhân hiện tượng ngao chết hàng loạt xảy ra tại vùng triều của xã Hải Lộc khoảng 1 tháng trở lại đây.

Ngao chết bất thường trắng bãi biển

Tìm về xã Hải Lộc những ngày đầu năm mới 2017, trái với cảnh ôtô tấp nập về xã thu mua ngao như những năm trước là khung cảnh vắng lặng đến lạ nơi cửa biển Hải Lộc. Gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Ba (thôn Lộc Tiên) - là hộ nuôi ngao lớn nhất xã Hải Lộc không khỏi lo lắng trước tình trạng ngao chết vẫn chưa dừng lại. Ông nói: “Tôi nuôi ngao đã gần chục năm, nhưng chưa thấy năm nào ngao chết trắng bãi biển như năm nay. Nhà tôi có khoảng 10 ha (6 ha ngao giống và 4 ha ngao thịt), nhưng giờ chết gần hết. Gia đình vay ngân hàng 1 tỷ đồng và kêu gọi anh em, bạn bè cùng hùn vốn thêm nhiều tỷ vào đồng ngao, giờ xem như trắng tay”.

Nhiều hộ nuôi ngao khác ở xã Hải Lộc như hộ ông Tô Văn Chí, Mai Văn Thủy (thôn Tân Lập), ông Đinh Văn Tập (thôn Y Bích)... cũng đang “ngồi trên đống lửa” bởi diện tích ngao đang vào kỳ thu hoạch chết hàng loạt. “Gia đình đầu tư khoảng 500 triệu thả 2 ha ngao thịt, nếu không gặp rủi ro thì vụ này có thể thu hoạch được khoảng 60 - 70 tấn, thu về được khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng giờ ngao chết chúng tôi lại còn phải mất hàng chục triệu đồng để thuê nhân công đi thu dọn xác ngao chết mang đi chôn lấp để tránh lan rộng, khôi phục sản xuất” - ông Mai Văn Thủy cho biết.

Cũng theo nhiều hộ nuôi ngao, hiện tượng ngao chết hàng loạt bắt đầu từ đầu tháng 12, tập trung vào giữa tháng và rải rác sang đến những ngày đầu năm mới. Cứ khi thủy triều rút xuống, người dân lại thấy ngao há miệng chết thành vệt dài và có độ dày cả gang tay. Do ngao chết với số lượng lớn, người dân không kịp dọn dẹp khiến vùng triều bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Nhiều hộ dân ở vùng triều Hải Lộc lao đao vì ngao chết hàng loạt.

“Hiện tượng ngao chết năm nay rất bất thường bởi cùng một vùng triều nuôi ngao, nhưng ở xã Minh Lộc giáp với xã tôi, ngao lại không chết. Hay như có 3 nhà nuôi trồng cùng một khu vực thì nhà ở giữa ngao không chết mà chết 2 nhà bên cạnh. Khi thủy triều rút, chúng tôi còn phát hiện có nhiều da và ruột mực dính vào lưới nên nghi ngờ có người đổ chất thải tẩy rửa xuống biển” - ông Đinh Văn Lập nói.

Theo báo cáo của UBND xã Hải Lộc, địa phương hiện có 150 hộ hợp đồng thuê bãi vùng triều để nuôi ngao với tổng diện tích trên 200 ha. Khoảng 1 tháng trở lại đây, ngao bắt đầu chết hàng loạt, đã có khoảng 40 ha ngao của bà con bị chết với tỉ lệ 40 - 70% sản lượng.

Nguyên nhân chưa xác định?

Nghi ngờ có người cố tình “đầu độc” dẫn tới hiện tượng ngao chết nên người dân xã Hải Lộc đã thay nhau mật phục và đã bắt được 1 cặp vợ chồng đang đổ chất lạ xuống biển vào rạng sáng ngày 31/1.

Ông Bùi Văn Tảo - Phó trưởng Công an xã Hải Lộc, cho biết vào khoảng 4 giờ 30 phút rạng sáng ngày 31/12, xã nhận được tin báo người dân bắt được 1 chiếc tàu chạy từ xã Ngư Lộc ra vùng bãi triều giáp ranh xã Minh Lộc và Hải Lộc đổ nhiều thùng gì đó xuống biển, trên tàu có nhiều thùng nhựa lớn và 2 người (1 nam, 1 nữ).

“Chúng tôi đã có mặt và cùng với bà con đưa 2 người trên về trụ sở xã để làm rõ sự việc. Bước đầu, xác minh 2 người trên là Hoàng Văn Thành (SN 1973) và Hoàng Thị Huệ (SN 1980) - là vợ chồng ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc). Vợ chồng anh Thành khai nhận làm thuê cho cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng ở xã Ngư Lộc và được chủ cơ sở này thuê chở chất thải trong bờ ra biển đổ với giá 200.000 đồng/chuyến” - ông Tảo nói.

Cũng theo ông Tảo, qua kiểm tra trên tàu lúc đó có 14 thùng nhựa (mỗi thùng khoảng 50 - 60 lít), 11 thùng đã được đổ xuống biển, 3 thùng chưa kịp đổ thì người dân phát hiện bắt giữ. Những thùng còn lại phát hiện bên trong có nước màu đỏ gạch đặc quánh lẫn với da mực, ruột mực và nhiều chất khác chưa xác định được.

“Hiện số tang vật trên đang được địa phương tạm giữ, riêng 3 thùng còn chất thải được niêm phong cẩn thận chờ cơ quan chức năng giám định làm rõ các chất bên trong xem đó có phải nguyên nhân làm chết ngao hay không” - ông Tảo cho hay.

Trong buổi làm việc, vợ chồng anh Thành còn khai nhận đã đổ thuê cho cơ sở trên từ đầu năm 2016 đến nay, mỗi tháng từ 7 - 10 chuyến và mỗi chuyến đổ ra biển từ 10 đến 15 thùng chất thải trên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Toản - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc, cho biết khi hiện tượng ngao chết hàng loạt xảy ra tại xã Hải Lộc, đơn vị đã cùng với Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu gửi Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương để xét nghiệm và cho thấy ngao chết không phải do mắc bệnh truyền nhiễm.

“Về chiếc tàu mà người dân và chính quyền xã bắt được, huyện đang giao cho công an điều tra xử lý vì đây là vấn đề môi trường. Hiện Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Công an kinh tế... cũng đã lấy mẫu gửi đi để làm rõ số chất thải trên xem mức độ độc hại thế nào. Đến nay chưa có kết quả” - ông Toản nói.

Ông Toản còn cho biết Sở NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo sớm làm rõ nguyên nhân ngao chết, đồng thời hướng dẫn người dân ổn định tình hình, thu dọn ngao chết tránh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, huyện Hậu Lộc cũng chỉ đạo cho kiểm tra toàn bộ các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn về quy trình chế biến, xử lý chất thải, nếu cơ sở nào vi phạm sẽ kiên quyết xử lý.

Thanh Tuấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]