(vhds.baothanhhoa.vn) - Pù Luông được đánh giá là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị lớn về khoa học, kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái - nơi có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất ở miền Bắc nước ta, với những cánh rừng nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi. Đây chính là “đường băng” quan trọng để du lịch Pù Luông “cất cánh” trong tương lai.

Đánh thức “thiên đường” Pù Luông

Pù Luông được đánh giá là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị lớn về khoa học, kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái - nơi có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất ở miền Bắc nước ta, với những cánh rừng nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi. Đây chính là “đường băng” quan trọng để du lịch Pù Luông “cất cánh” trong tương lai.

Đánh thức “thiên đường” Pù Luông

Những nếp nhà sàn ở Pù Luông là nơi lưu trú của khách du lịch. Ảnh: Xuân Cường

“Đắm mình” cùng thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực dân dã

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách TP Thanh Hóa khoảng 130 km, có diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha được bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh quanh năm. Nơi đây có hệ động thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại. Cùng với khí hậu quanh năm mát mẻ, những thửa ruộng bậc thang, núi rừng hoang sơ, nếp nhà giản dị nép mình bên sườn đồi đã đưa Pù Luông trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Nhiều điểm đến để du khách trải nghiệm, như: Son Bá Mười (xã Lũng Cao), đỉnh Pù Luông, Kho Mường, làng Đôn các khu nghỉ dưỡng

PuLuong Retreat, làng Ươi, khu thác Hiêu xã Cổ Lũng,... đã và đang thu hút đông đảo lượt khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, tại vùng Cao Sơn, thuộc xã Lũng Cao, những đỉnh núi cao gần 2.000m so với mặt nước biển, quanh năm mây mù bao phủ được ví như một “Sa Pa trong lòng xứ Thanh”. Nhiệt độ ở đây trung bình từ 18-22 độ, mùa đông nhiệt độ có thời điểm xuống dưới 5 độ C, thậm chí có cả băng tuyết.

Để cảm nhận vẻ đẹp toàn diện của Pù Luông, du khách nên chọn thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6, hoặc tháng 9, khi lúa đang độ chín vàng. Thời điểm này, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi khoác lên màu vàng óng, tạo cho Pù Luông một vẻ đẹp trù phú và thơ mộng. Trên hành trình khám phá Pù Luông, ta có thể ghé thăm thác Hiêu, thác Muốn với vẻ đẹp thơ mộng, hùng vĩ. Đứng trên đỉnh thác, phóng tầm mắt ra xa, du khách thấy được cả một vùng núi rừng bao la, hùng vĩ. Dưới chân thác là khoảng rộng mênh mang của nước, của những mô đá nhấp nhô. Dọc theo bờ suối còn có rất nhiều những tảng đá bằng phẳng, những thảm thực vật xanh mướt, dưới bóng cổ thụ và các cây dây leo mọc đan xen thành từng tầng hoà quyện vào nhau. Với những người thích cảm giác mạnh, đến thác vào mùa mưa sẽ thích thú với âm thanh ào ào, dòng nước cuộn chảy.

Du khách đến Pù Luông vào thứ 5 hoặc chủ nhật, sẽ được tham gia phiên chợ vùng cao Phố Đòn, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước. Đây là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái các xã quanh vùng cùng người dân ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn (Hòa Bình) với nhiều sản phẩm, mặt hàng độc đáo vùng sơn cước.

Đến Pù Luông, ngoài được khám phá thiên nhiên bao la, hùng vĩ, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn dân dã của người dân bản địa như: Đặc sản vịt Cổ Lũng, gà đồi, lợn mán nướng, măng đắng, ốc núi, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, thịt trâu gác bếp... Đặc biệt nhất vẫn là món vịt Cổ Lũng (Bá Thước), thịt chắc, nạc, mềm, thơm và xương nhỏ. Đặc sắc hơn khi vịt được chế biến với nhiều loại rau rừng, trong đó phải kể đến món vịt om măng rừng tạo nên món ăn rất đặc sắc của người dân tộc Thái ở vùng Pù Luông. Ngoài món vịt Cổ Lũng, du khách nên thưởng thức món thịt trâu gác bếp. Thịt trâu được tẩm ướp gia vị ớt, gừng, mắc khén, muối, để khoảng 3 - 4 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy khô. Thịt trâu được sấy ăn sẽ không quá dai, vị ngọt tự nhiên và cay nồng của mắc khén, tạo nên sức hấp dẫn cho đặc sản vùng cao Bá Thước.

Đến Pù Luông không chỉ ngắm vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên, thưởng thức các món ăn dân dã của đồng bào dân tộc nơi đây, du khách còn được lưu trú ở những nhà nghỉ sinh thái, các cơ sở nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Hiện, Pù Luông có 48 cơ sở lưu trú, trong đó có 45 nhà nghỉ sinh thái cộng đồng và 2 cơ sở nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đặc biệt, Pù Luông có những cơ sở lưu trú cao cấp như Puluong Retreat, Eco Garden và đang triển khai nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Cần đánh thức “nàng công chúa” ngủ quên

Mặc dù, nhiều năm nay được đầu tư để phát triển du lịch, nhưng Pù Luông vẫn được ví von như “nàng công chúa” đang ngủ quên. Bởi việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, chủ yếu làm du lịch theo kinh nghiệm, bản năng, trong khi du lịch cộng đồng - mô hình du lịch phát triển dựa vào nguồn nhân lực chính là người dân địa phương. Vì vậy, những tiềm năng thiên nhiên “ban tặng” cho Pù Luông chưa được huyện Bá Thước khai thác triệt để, có hiệu quả để phát triển du lịch.

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Pù Luông có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Do điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, huyện Bá Thước đang phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để làm được điều này, Bá Thước sẽ chọn những “bước đi” chậm, phù hợp với điều kiện thực tế khách quan. Năm 2021, huyện Bá Thước phấn đấu đón 46.000 lượt khách; tổng thu du lịch đạt 69 tỷ đồng; có 69 cơ sở lưu trú/420 phòng; giải quyết việc làm cho gần 500 lao động; có 1 điểm du lịch cấp tỉnh. Trong những năm tiếp theo, huyện cũng tiếp tục phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng tại các bản Đôn, Kho Mường, Ấm Hiêu, Báng, Son, Bá, Mười... Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, nâng cấp các homestay bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch bản Đôn, Hiêu, Kho Mường; xây dựng các tour du lịch sinh thái tham quan lòng hồ Thủy điện Bá Thước 2, thác Dần Long, hồ Duồng Cốc, thác Muốn, hang cá thần Văn Nho; chú trọng liên kết các tuyến du lịch nội địa như Thành Nhà Hồ - Suối cá Cẩm Lương - Pù Luông; Mai Châu (Hòa Bình) - Ninh Bình - Pù Luông...

Đánh thức “thiên đường” Pù Luông

Rất nhiều du khách quốc tế về Pù Luông tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Đỗ Đức

Để Pù Luông phát triển du lịch theo hướng bền vững, ngoài việc đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Bá Thước cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để làm nền tảng cho phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện Bá Thước cần phải siết chặt công tác bảo vệ môi trường; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, nếp sống, nếp sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, nhất là các phiên chợ, nghề thủ công và làng nghề truyền thống (chợ phố Đoàn, dệt thổ cẩm, nấu rượu siêu men lá, dược liệu Son - Bá - Mười...). Đặc biệt, Bá Thước phải phát huy vai trò nòng cốt, trung tâm của người dân, huy động người dân tự giác, tự nguyện, tích cực tham gia phát triển du lịch là yếu tố quan trọng để tạo chuyển biến, thúc đẩy du lịch cộng đồng tại địa phương. Người dân tham gia đầu tư, chung sức phát triển du lịch và được hưởng lợi từ hoạt động du lịch giúp họ càng nâng cao ý thức hơn trong việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời, tạo việc làm, nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tin rằng, với vẻ đẹp huyền ảo tựa Sa Pa, thơ mộng tựa Đà Lạt của núi rừng Tây Nguyên, được sự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo được nguồn nhân lực du lịch chất lượng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, sẽ là “đường băng” để du lịch Pù Luông “cất cánh”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Bá Thước nói riêng và miền Tây Thanh Hóa nói chung phát triển.

Hải Anh


Hải Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]