(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát triển du lịch thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi mà công nghệ thông tin (CNTT) phát triển hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Du lịch Thanh Hoá đang có những bước “chạy đà” để ứng dụng CNTT, điều này sẽ góp phần mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch

Phát triển du lịch thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi mà công nghệ thông tin (CNTT) phát triển hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Du lịch Thanh Hoá đang có những bước “chạy đà” để ứng dụng CNTT, điều này sẽ góp phần mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch.

Ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động tại khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ du khách.

Sẵn sàng cho bước “chạy đà”

Thanh Hoá là địa phương có lợi thế so sánh trong phát triển du lịch so với các địa phương lân cận, sở hữu đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như: du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hoá lịch sử, tâm linh... đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, hệ thống văn hóa phi vật thể tại Thanh Hóa cũng đa dạng và đặc sắc, từ các loại hình văn hóa nghệ thuật, điệu hò, dân ca, dân vũ... đến những lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống... góp phần làm phong phú thêm hoạt động du lịch.

Hướng tới trở thành một trong những trọng điểm du lịch cả nước, bắt kịp xu thế phát triển hoạt động du lịch thông minh, UBND tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch số 115 ngày 3/5/2019 về việc “Triển khai thực hiện Đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh”.

Việc triển khai thực hiện đề án nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm và nâng cao chất lượng phục vụ; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Thanh Hoá; xây dựng hệ thống dữ liệu, tạo dựng các kênh thông tin tuyên truyền nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 hình thành, tích hợp các ứng dụng trên cổng thông tin du lịch Thanh Hoá; hoàn thành, phát triển ứng dụng lên lịch trình và tra cứu thông tin du lịch Thanh Hoá qua thiết bị di động. Đến năm 2025, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động; 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được lắp dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch; 100% máy tra cứu thông tin du lịch và dịch vụ được lắp tại các khu vực: Cảng Hàng không Thọ Xuân, Ga Thanh Hóa, Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và các khu du lịch trọng điểm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) đã đưa ứng dụng thuyết minh tự động vào phục vụ du khách. Với nội dung thuyết minh được cài đặt chi tiết, dễ hiểu, dễ sử dụng được tích hợp sẵn trong mã QR Code, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối wifi hoặc tích hợp sẵn internet, du khách cài ứng dụng quét mã QR code (chạy trên nền tảng hệ điều hành Android hoặc iOS) rồi mở ứng dụng, ấn số tương ứng hoặc chiếu camera từ ứng dụng quét lên các mã tem QR code được đặt trước mỗi điểm đến, toàn bộ thông tin sẽ hiện lên màn hình điện thoại, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách.

Được biết, ứng dụng thuyết minh tự động này tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh triển khai từ cuối năm 2019, với tổng số 28 điểm đến. Nội dung thuyết minh tại các điểm được tích hợp trong hệ thống này đã được xây dựng một cách khoa học, đảm bảo tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc điểm đến. Ngoài tiếng Việt, những nội dung thuyết minh còn được dịch sang tiếng Anh, bước đầu nhận được sự đánh giá, phản hồi tích cực từ phía du khách.

Dự kiến trong thời gian tới tỉnh Thanh Hoá sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện việc ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch, trước hết là tại các địa bàn trọng điểm. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi; Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh và hệ thống thông tin ngành du lịch Thanh Hóa và các khu du lịch trọng điểm; Lắp dựng hệ thống mạng không dây công cộng tại các khu, điểm dulịch trọng điểm phục vụ khách du lịch); Phát triển hệ thống thông tin ngành du lịch Thanh Hóa. Cùng với đó, việc tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức vềứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch cũng sẽ được chú trọng thực hiện, đảm bảo tính hiệu quả trong việc triển khai thực hiện đề án.

Huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp

Theo kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động du lịch, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa các dự án liên quan. Cụ thể, đối với một số hạng mục như: Xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ khách du lịch tra cứu các thông tin: Chương trình, địa điểm tham quan, khách sạn, ẩm thực, văn hóa, lễ hội hay các sự kiện...; Xây dựng nội dung, chủ đề, phát động các chiến dịch quảng bá du lịch Thanh Hóa qua mạng xã hội, hướng đến các thị trường mục tiêu cụ thể của du lịch Thanh Hóa; Xây dựng phần mềm ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh (chuyển đổi giọng nói giữa Tiếng Việt và các ngôn ngữ thông dụng khác như: Tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp); Phần mềm thực tế ảo tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; Lắp dựng máy tra cứu thông tin về du lịch và dịch vụ tại các khu du lịch trọng điểm; Lắp dựng hệ thống mạng không dây công cộng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm phục vụ khách du lịch... sẽ được triển khai thực hiện từ một phần kinh phí của ngân sách tỉnh, huyện và huy động nguồn vốn xã hội hoá.

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, việc triển khai ứng dụng CNTT bước đầu sẽ gặp một số khó khăn nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ các bên liên quan. Để huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT đạt hiệu quả thì cần sự triển khai cụ thể, tạo ra cơ chế chính sách thuận lợi về thủ tục, cùng với đó là chính sách cụ thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp khi đầu tư.

Theo đại diện lữ hành HaNoi Redtours, không chỉ tại Thanh Hoá mà rất nhiều địa phương khác trong cả nước, rất ít doanh nghiệp du lịch lớn thực hiện đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều nguồn lực để ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch. Do đó, bước đầu tỉnh Thanh Hoá cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để họ tiếp cận, ứng dụng CNTT bằng nhiều hình thức.

Có thể nói, hoạt động du lịch ngày càng chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ số. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc đảm bảo an toàn và gia tăng tiện ích, trải nghiệm cũng như thông tin về điểm đến cho du khách trên các ứng dụng du lịch thông minh là hết sức cần thiết. Hy vọng trước đòi hỏi bức thiết của ngành “công nghiệp không khói”, tỉnh Thanh Hoá sẽ có những bước chuẩn bị nghiêm túc, huy động được sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan trong thời gian tới, việc ứng dụng CNTT sẽ được đẩy mạnh, nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch xứ Thanh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]