(vhds.baothanhhoa.vn) - Cầm trên tay cuốn sách hơn 600 trang của tác giả Nguyễn Thiện Phùng, tôi thực sự khâm phục ông về cách làm sách, tìm nhân vật, khai thác những vấn đề của cuộc sống.

“Để cuộc đời này càng thêm phong phú”

Cầm trên tay cuốn sách hơn 600 trang của tác giả Nguyễn Thiện Phùng, tôi thực sự khâm phục ông về cách làm sách, tìm nhân vật, khai thác những vấn đề của cuộc sống.

“Để cuộc đời này càng thêm phong phú”

Trước khi xuất bản “Để cuộc đời này càng thêm phong phú”, cựu chiến binh Nguyễn Thiện Phùng đã có bài viết in chung trong “Những chiến sĩ cách mạng trung kiên”, và các tác phẩm của riêng ông có tiêu đề: “Những người đàn bà tôi thích”, “Những lão thành cách mạng và các nhà lãnh đạo Thanh Hóa trong tôi”...

Từ một người lính hải quân xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sau nhiều năm công tác, trăn trở với thời cuộc, tác giả Nguyễn Thiện Phùng “không đặng mà đành” đã thể hiện nhãn quan, thái độ của mình qua những trang sách.

“Để cuộc đời này càng thêm phong phú” được chia làm 2 phần. Phần thứ nhất, chiếm hơn 450 trang với 81 bài sưu tầm, biên soạn về những nhân vật đã tạo dấu ấn riêng và để lại cho đời những giá trị cao đẹp.

Những nhân vật nổi tiếng, có công trạng, có đóng góp cho lịch sử dân tộc được ông tìm hiểu và khai thác với tâm thế của một người ở thời hiện tại nhìn về quá khứ. Đó là vua Minh Mạng, 1 trong 13 vị vua thời Nguyễn, được mệnh danh là ông vua cứng rắn nhất của triều Nguyễn trong việc chống tham nhũng đã làm “sạch” bộ máy triều chính. Là Thái úy Trịnh Khả, bậc công thần khai quốc nhà Lê, sau nhiều công lao từ chiến trường đến việc triều chính bằng cách dẹp bỏ tệ nạn tham nhũng, nhưng ông vẫn chịu cái chết oan. Là thái sư Trần Thủ Độ, nhà “đạo diễn” của cuộc dịch chuyển từ đời nhà Lý sang nhà Trần, tạo mốc son trong lịch sử dân tộc... Với thái độ trân trọng lịch sử, ngưỡng vọng những danh nhân, danh tướng... cách viết của Nguyễn Thiện Phùng nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Sang thời kỳ hiện đại, nhân vật mà Nguyễn Thiện Phùng khai thác là những con người nặng lòng với vận mệnh dân tộc. Cụ Bùi Bằng Đoàn, một trong số những chí sĩ được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh mời vào bộ máy lãnh đạo của đất nước. Cụ đã đem hết sức lực, tài năng phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Giáo sư Tạ Quang Bửu là người chịu ảnh hưởng lớn của Tây học, đặc biệt là nước Pháp, vì thế năm 1934 sau khi về nước ông không ra làm quan mà làm thầy giáo dạy Toán và Tiếng Anh cùng một số môn khoa học tự nhiên khác. Tháng 8/1945, ông chính là người tham gia tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Ông kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, trong đó ông là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT). Với quan điểm “điều cốt yếu không phải là sống làm gì, mà điều cốt yếu là làm gì trong cuộc sống”, ông đã có một cuộc đời thật “viên mãn”. Giáo sư Trần Quốc Vượng từng 4 lần được mời ra làm quan nhưng cả 4 lần ông đều từ chối. Không quan tâm đến “quan lộ”, đổi lại, số lượng các công trình nghiên cứu, những cống hiến của ông thì ai cũng phải khâm phục. Ông luôn có cách nhìn nhận và phân biệt vừa chân xác, dân dã, vừa minh triết, súc tích. Bác sĩ Trần Duy Hưng, vị chủ tịch đầu tiên của thủ đô Hà Nội dưới chính thể nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông là chủ tịch trẻ tuổi nhất (33 tuổi), đồng thời là vị chủ tịch lâu nhất (32 năm), giỏi nhất và được dân yêu nhất”. Ông còn được nhắc đến với tư cách là một nghệ sĩ violon khi cùng cây đàn đi suốt cuộc kháng chiến chống Pháp như một vũ khí dân vận hiệu quả. Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh chính ủy Tây Nguyên trước khi vào chiến dịch mở đợt chỉnh huấn, ông nhận các bản thu hoạch kiểm điểm cá nhân rồi kín đáo cắt các phần ưu điểm để riêng, khuyết điểm để riêng của từng người. Nhẹ nhàng mà sâu sắc, câu nói: "Tay phải tôi là phần ưu điểm của các đồng chí, tôi để lại. Còn đây là tay trái tôi, phần khuyết điểm của các đồng chí, tôi sẽ bật lửa đốt ngay tại đây", đáng để mỗi người suy ngẫm. Hay như nhà thơ Cù Huy Cận với tư cách là thành viên phái đoàn của Chính phủ cách mạng, cùng với Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng vào Huế nhận ấn kiếm do Bảo Đại trao. Nhận ấn kiếm nặng 8kg, phát hiện kiếm rỉ, ông đã thốt lên: “Thưa đồng bào, kiếm của nhà vua rỉ mất rồi”. Kiếm tượng trưng cho quyền lực, mà lại rỉ hết thì đủ để cả người trong cuộc và quốc dân đồng bào hiểu được tình thế lúc bấy giờ.

Trong một lần chuyện trò, tác giả Nguyễn Thiện Phùng đã chia sẻ: "Cuốn sách ông viết lên là dành cho những người muốn biết, ham biết, để cuộc sống phong phú thêm. Tại sao tôi dành nhiều thời gian và công phu sưu tầm, biên soạn về những chính khách, tướng lĩnh, nhà văn, nhà thơ... của đất nước Việt Nam thời chưa thống nhất? Thực sự tôi mong muốn mọi người có cái nhìn công tâm, khách quan khi đánh giá, nhìn nhận người khác, nhất là những người đã góp phần tạo nên lịch sử".

Phần thứ hai, chỉ chiếm 1⁄4 số trang viết với 16 bài bút ký, ghi chép tản văn, song lại cho người đọc một góc nhìn khác về suy tư của Nguyễn Thiện Phùng. Ông đã dành nhiều sự trân trọng cho những nhân vật lịch sử đồng thời không khỏi lo lắng, trăn trở về sự đổi thay của những giá trị văn hóa thời hiện đại. Nếu như đọc “Con đường huyền thoại trên biển”, ta có cái nhìn toàn diện về con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế. Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng lòng dũng cảm và một khí phách của dân tộc anh hùng, một “huyền thoại có thật”, một kì tích của dân tộc ta; thì đọc “Việt kỳ” ta lại nhìn thấy lát cắt của cuộc sống, những sự thay đổi trong quan điểm và quan niệm của người Việt hiện nay.

Vì nghĩ nhiều nên ông luôn có cái nhìn cảm thông và lý thú về vấn đề của hiện tại. “Xưa rồi: nghề đồng nát” đã giúp người hiểu hơn sự vất vả của một nghề đồng thời cũng nói lên sự phát triển đi lên theo hướng hiện đại. “Giờ thì phế liệu nhiều hơn xưa, nghề đồng nát đã chuyển đổi chất và lượng. Xe đạp, xe máy thay cho việc đi bộ gồng gánh rao đến khản họng... Có cái mua lại, có cái xin, có cái được tặng, dù thế nào cái tên gọi ngày xưa sao quên được... Và như vậy mồ hôi ướt áo nhọc lắm mới kiếm được đồng tiền”.

Trong bài “Lại ngẫm về đất đai”, Nguyễn Thiện Phùng nhắc nhớ lại cương vực của các quốc gia. “Không nơi này thì nơi khác, không Đông thì Tây, yên Nam loạn Bắc... các cột mốc biên giới mỗi ngày được dựng dày thêm để củng cố sự bền vững, để hai bên đỡ lo mất đất”, và đến ngày nay, con người ta cũng quay cuồng với đất đai, với cơn sốt bất động sản. Câu chuyện ngay xung quanh và ai cũng nhìn thấy. Riêng với Nguyễn Thiện Phùng, dưới con mắt hóm hỉnh ông khẳng định: “Cười lên đến tột đỉnh cũng nhờ đất, mà khóc đến không còn gì để mà khóc cũng vì đất”.

Tôi tin rằng, ai đọc “Để cuộc đời này càng thêm phong phú” cũng có thể tìm cho mình những điều lý thú. Bởi có những tên tuổi lâu nay chỉ nghe, được láng máng hiểu, có những câu chuyện chỉ cần xoay chiều đổi hướng đi thì sẽ ra “đáp số” khác. Qua các trang viết của tác giả Nguyễn Thiện Phùng, mỗi người sẽ có một cái nhìn riêng, không chỉ là đánh giá đúng/sai, thật/giả mà còn bao gồm cả sự cảm thông, chia sẻ.

Nghe ông tâm sự: “Có nhiều người mới về già (tức là chưa đến tuổi lọm khọm) không muốn đọc và không muốn biết, lại càng không muốn nghe. Tôi thì ngược lại, cứ tự tìm hiểu, rồi tiếp xúc và viết”, tôi càng hy vọng ông sẽ còn đủ sức khỏe để nghĩ suy với đời, với người và trao gửi đến độc giả những ý nghĩa của cuộc sống.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]