(vhds.baothanhhoa.vn) - Đằng sau các vai diễn đặc sắc, ấn tượng của hiện tại đó là những bàn tay chai sạn, nứt nẻ vì đồng ruộng. Nhưng còn với người trẻ, những câu hát chèo liệu có giằng níu họ trong hành trình giữ gìn các giá trị di sản phi vật thể của cha ông?

Để tiếng hát chèo mãi xuân

Đằng sau các vai diễn đặc sắc, ấn tượng của hiện tại đó là những bàn tay chai sạn, nứt nẻ vì đồng ruộng. Nhưng còn với người trẻ, những câu hát chèo liệu có giằng níu họ trong hành trình giữ gìn các giá trị di sản phi vật thể của cha ông?

Để tiếng hát chèo mãi xuânCác thành viên nữ trong CLB nghệ thuật hát chèo văn làng Phượng Mao (xã Hoằng Phượng, Hoằng Hóa).

Vắng bóng người trẻ

“Đường về quê lúa hôm nay/ Nghe lòng xao xuyến đắm say bồi hồi/ Quê em có từ bao đời/ Phượng Mao em đó là nơi hát chèo”... Nhưng những câu hát chèo gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ của mỗi người dân nơi này cũng đang bị thờ ơ. Chia sẻ của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Oanh, làng Phượng Mao, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa): “Do các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học nên việc tham gia đội văn nghệ, tập luyện có nhiều hạn chế. Thế hệ thanh niên lại phải lo kinh tế cho gia đình. Công việc vất vả, phần lớn phải tăng ca đến đêm mới về nên mỗi khi có sự kiện, vận động đi tập luyện cũng rất khó khăn. Người trẻ chỉ hát chơi thôi, chứ yêu cầu sự chuyên tâm là khó”.

Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các câu lạc bộ (CLB) chèo. Độ tuổi trẻ nhất cũng phải trên 50. Ông Lê Huy Cẩn thôn 3, xã Trung Thành (Nông Cống), cho rằng: Khó khăn nhất là tìm những người trẻ kế cận. Một phần cũng do hiện nay không còn các chương trình giao lưu văn nghệ do làng tổ chức vào những ngày lễ lớn trong năm. Mà chỉ còn duy nhất chương trình lễ hội do xã tổ chức. Điều này đã nói lên rằng, các hình thức sinh hoạt cộng đồng bị giảm đi. Đặc biệt từ năm 2020 trở lại đây, dịch COVID-19 làm thay đổi mọi thói quen sinh hoạt văn nghệ của làng chúng tôi. Người trẻ bây giờ mải mê kiếm cơm, làm gì còn thời gian ca hát. Họ phần lớn ít biết hoặc chưa biết các làn điệu chèo truyền thống của làng chứ đừng nói gì đến nghệ thuật chèo của cả dân tộc.

“Việc tham gia vào đội văn nghệ chủ yếu vẫn là trên tinh thần tự nguyện. Không có kinh phí sẽ khó điều động, lôi kéo thu hút thế hệ trẻ tham gia mỗi khi có sự kiện cần biểu diễn... Trong khi đó, ngân sách của xã lại không có nguồn chi”, bà Cao Thị Hường, cán bộ văn hóa xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) cho biết.

Với cái nhìn khá lạc quan, ông Vũ Đình Nguyện, Chủ nhiệm CLB hát chèo thôn Xuân Áng, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), cho biết: "Thế hệ chúng tôi một khi đã đam mê thì kiểu gì cũng muốn được tham gia, muốn được biểu diễn. Các bạn trẻ hiện nay vì cuộc sống mưu sinh mà đam mê bị san sẻ nhiều. Ở thôn Xuân Áng này, còn rất nhiều người trẻ tiềm năng. Vì thế, mong muốn của chúng tôi là được chính quyền các cấp quan tâm đến việc tuyên truyền bằng loại hình nghệ thuật truyền thống của các CLB để thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương; đồng thời quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các CLB. Đây vừa là danh dự cũng vừa là sự động viên”.

“Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm có chính sách hỗ trợ nhằm động viên, khuyến khích tinh thần những người tham gia vào các CLB nghệ thuật truyền thống; giúp thu hút được đông đảo thế hệ trẻ tham gia, góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống. Đây cũng là cách góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”, ông Hàn Hải Vịnh, Chủ nhiệm CLB nghệ thuật hát chèo văn làng Phượng Mao (Hoằng Hóa) cho biết.

Cần mở những lớp tập huấn chuyên nghiệp và dài ngày

Sau sự ra đi của NNƯT Tô Quốc Phương, thôn Phượng Mao chỉ còn lại duy nhất bà Nguyễn Thị Oanh là NNƯT. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, sức khỏe càng kém thì bà càng mong sẽ truyền dạy thêm cho một vài người trẻ. Bà Oanh chia sẻ: “Để duy trì truyền thống của làng, chúng tôi phải thường xuyên vận động thế hệ trẻ tham gia. Chúng tôi đã truyền dạy cho nhiều người trẻ trong làng biết hát chèo và yêu chèo nhiều hơn, góp phần giữ gìn vốn quý của dân tộc. Mong rằng những câu chèo cổ xen lẫn với những làn điệu chèo mới sẽ thôi thúc tình yêu quê hương, đất nước của người trẻ”.

Được các nghệ nhân đi trước chỉ bảo, truyền dạy, chị Tô Thị Tâm (sinh năm 1979) ở làng Phượng Mao, cho biết: "Trước đây tôi nhút nhát, rụt rè lắm. Nhưng sau một thời gian được các ông, các bà trong CLB truyền dạy từ các làn điệu chèo cổ đến chèo cải biên, tôi đã trưởng thành hơn nhiều. Đặc biệt, là nhờ những lời động viên của NNƯT Nguyễn Thị Oanh”.

Tự hào về cái nôi của nghệ thuật chèo, ông Hàn Hải Vịnh nói: “Có sẵn gen âm nhạc, những người dân làng Phượng Mao, dù được chỉ bảo thoáng qua nhưng họ có thể dễ dàng tiếp thu và tập được những động tác khó”. Tuy vậy, là Chủ nhiệm CLB ông vẫn mong muốn sẽ có những lớp tập huấn mà người truyền dạy là những nghệ sĩ chuyên nghiệp của nghệ thuật chèo. “Được thế thì chắc chắn sẽ hấp dẫn những người trẻ tham gia, thậm chí truyền năng lượng để người trẻ sẵn sàng cống hiến vì bộ môn này”.

Bà Tống Thị Ca, thành viên đội chèo thôn Nguyên Thành, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) cho biết, điều trăn trở của bà là làm sao truyền lại cho lớp trẻ để tiếp tục lưu giữ và phát huy tiếng hát chèo hơn nữa. “Ngay ở các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn xã cũng có thể đưa các làn điệu chèo vào các tiết mục văn nghệ, để ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã có thể cảm nhận, và nghêu ngao hát chèo”.

Cần tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân

Sau khi được nhận Danh hiệu NNƯT, kể từ năm 2015, hàng tháng bà Nguyễn Thị Oanh được nhận hỗ trợ 1.000.000 đồng. Số tiền có thể không nhiều nhưng là nguồn động viên lớn cho những cống hiến của bà. “Tôi ý thức hơn về trách nhiệm trao truyền các làn điệu chèo đến những thế hệ kế tiếp”. Dù đã làm hồ sơ đầy đủ, nhưng các bà Hà Thị Điền (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc), Tống Thị Ca hay ông Nguyễn Văn Thoan... (xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa) đều đang chờ được Nhà nước phong tặng Danh hiệu NNƯT. Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Xuân Thư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), cho biết: “Bà Tống Thị Ca thôn Nguyên Thành và Nguyễn Văn Thoan thôn Nguyên Thịnh nếu được phong tặng Danh hiệu NNƯT sẽ là niềm vui của cả xã. Bởi đây chính là động lực để mọi người thêm yêu tiếng chèo, đồng thời cũng là vinh dự cho cả xã”.

Để tiếng hát chèo mãi xuân

Đội chèo xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa). Ảnh: Tư liệu

Chia sẻ về khó khăn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo quần chúng trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, khẳng định: “Trước khi có dịch COVID-19, hàng năm, trung tâm có tổ chức các lớp tập huấn cho các thành viên CLB về các làn điệu dân ca và chèo, việc thực hành các nhạc cụ trong dàn nhạc chèo. Tuy nhiên, thực tế ở các địa phương có các CLB chèo đang gặp phải những khó khăn, như thiếu giọng hát chèo chính, thiếu nhạc công, thế hệ trẻ không còn mặn mà, trong khi đó nguồn kinh phí để hoạt động và duy trì CLB, chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân. Một trong những giải pháp nhằm bảo tồn nghệ thuật chèo là mở các lớp bồi dưỡng hạt nhân; đưa nghệ thuật chèo vào trường học; đào tạo, tuyển chọn thế hệ diễn viên, nhạc công kế cận”.

Rõ ràng, để bảo tồn được những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc hay của mỗi một làng quê là một quá trình lâu dài, bền bỉ, trong đó vai trò của các nghệ nhân là quan trọng hơn cả. Những báu vật nhân văn sống ấy, nói như bà Tống Thị Ca: “Dù được công nhận Danh hiệu NNƯT hay không, chúng tôi vẫn là nghệ nhân “ưu tú” của xã”.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]