(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ là minh chứng cho những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc được kế thừa qua nhiều thế hệ, Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn với kiến trúc độc đáo nằm trong không gian văn hóa của làng Việt cổ đã trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách.

Điểm đến hấp dẫn du khách

Không chỉ là minh chứng cho những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc được kế thừa qua nhiều thế hệ, Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn với kiến trúc độc đáo nằm trong không gian văn hóa của làng Việt cổ đã trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách.

Điểm đến hấp dẫn du kháchNhà bia tại đền thờ Lê Hoàn.

Hoàng đế Lê Đại Hành, húy là Lê Hoàn, sinh năm 941 tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Ông là người được các sử gia và hậu thế ngợi ca có công phá Tống, bình Chiêm, ổn định đất nước, giữ yên bờ cõi và xây dựng quốc gia trở nên vững mạnh. Với khí chất hơn người, chăm đọc sách, ham võ nghệ, Lê Hoàn được vua Đinh Tiên Hoàng giao cai quản hàng ngàn quân sĩ và được thăng chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ của triều Đinh. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng bị giết hại, trước bối cảnh thù trong, giặc ngoài, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được các tướng sĩ suy tôn lên ngôi thiên tử để an dân, trị quốc, diệt họa ngoại xâm. Sau khi lên ngôi, Vua Lê Đại Hành đã nhanh chóng phá tan các đạo quân, lập nhiều chiến công hiển hách.

Vua Lê Đại Hành không chỉ có tài điều binh khiển tướng, mà còn có tài ngoại giao. Đồng thời, ưu tiên phát triển đất nước, chú trọng cải cách bộ máy Nhà nước, quan tâm bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Bởi vậy, vương triều Tiền Lê dưới sự trị vì của Lê Đại Hành hoàng đế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trên tất cả các phương diện.

Cũng bởi đức cao, công dày, nên sau khi vua băng hà, Nhân dân đã lập đền thờ tại thôn Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) để tưởng nhớ. Tương truyền, đền thờ Lê Hoàn được dựng ngay trên nền nhà cũ của vua từ thời Lý. Đến niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8, thời Hậu Lê được tu sửa để làm nơi tế lễ quốc gia. Hiện trạng của ngôi đền được bảo tồn tương đối nguyên vẹn đến ngày nay.

Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn là một công trình kiến trúc cổ, nằm trong một quần thể những công trình kiến trúc thờ tự, tưởng nhớ liên quan đến người Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và những bậc sinh thành, nuôi dưỡng ông, gồm: Đền thờ Lê Hoàn, nền Sinh Thánh, lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng Khảo, lăng mộ Lê Đột. Đền thờ được kết cấu theo hình chữ công, gồm 3 cung (tiền đường, trung đường, hậu cung). Đền có hệ vì kèo đặc trưng cho văn hóa thời Tiền Lê. Hệ thống giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy, kèo góc được kết cấu theo lối dầm đỡ chống nóc tạo những liên kết đối với các vì cũng như tổng thể ngôi đền. Cùng với đó là những mảng chạm khắc như chạm thủng, chạm nổi, chạm bong được trang trí với các đề tài phong phú cùng những bức phù điêu, con giống đặc trưng của thế kỷ XVII đã tạo nên những giá trị nghệ thuật đặc sắc cho ngôi đền.

Đây được đánh giá là một trong những di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cổ, đẹp và độc đáo bậc nhất xứ Thanh hiện nay. Từ ngoài vào, di tích gồm các hạng mục: Nhà tiếp khách, sân tổ chức lễ hội, hồ sen, nghi môn ngoại, đường vào nghi môn nội (hai bên có miếu văn và miếu võ), nhà bia, nghi môn nội, sân đền, đền chính... Trong đó, nghi môn nội là công trình kiến trúc được bảo vệ nguyên vẹn, kết cấu gồm 3 gian 2 chái. Điểm nổi bật của nghi môn nội là những bức phù điêu chạm nổi, chạm thủng hình rồng chầu ngậm ngọc, hình chim phượng, hình hổ phù ngậm chữ thọ, hình là sen, lá cúc được trang trí ấn tượng, thể hiện đặc trưng văn hóa, phong tục và kiến trúc của người dân Việt cổ.

Đền thờ không chỉ nổi bật với lối kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mà tại đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý và đầy đủ về thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, gồm văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp... Nổi bật là 2 tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII ghi lại thân thế, sự nghiệp nhà vua và ruộng thờ cúng. 14 đạo sắc phong của các triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn... Những hiện vật này là “nhân chứng sống” làm phong phú thêm cho một giai đoạn lịch sử, một con người vĩ đại cũng như nguồn gốc và quá trình hình thành phát triển văn hóa, tín ngưỡng của người dân làng Trung Lập...

Đặc biệt, đền thờ được lập trên chính quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn - một vùng đất cổ, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người nghĩa tình. Bởi vậy, về với nơi đây, người dân không chỉ được bày tỏ lòng tri ân công đức đối với bậc tiền nhân, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp và những lễ hội, lễ tục, trò chơi, trò diễn của người dân địa phương, như chiêm ngưỡng quy trình làm những sản phẩm tiến vua, thưởng thức đặc sản quê hương Vua Lê Đại Hành.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, năm 2018 đền thờ Lê Hoàn đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào, cũng là trách nhiệm của người dân xứ Thanh trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch.

Bài và ảnh: Quỳnh Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]