(vhds.baothanhhoa.vn) - Bản Báng, xã Thành Sơn là một trong những bản đẹp nhất thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước). Đến với bản Báng nói riêng, Pù Luông nói chung du khách sẽ cảm nhận sự bình yên với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những con người chân chất, hiền lành, mến khách. Những năm qua, bà con bản Báng đã biết tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất nơi đây để đón khách về thăm, vừa có thêm việc làm, tăng thu nhập và cũng là cách để quảng bá vẻ đẹp đất và người Pù Luông.

Bản Báng làm du lịch cộng đồng

Bản Báng, xã Thành Sơn là một trong những bản đẹp nhất thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước). Đến với bản Báng nói riêng, Pù Luông nói chung du khách sẽ cảm nhận sự bình yên với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những con người chân chất, hiền lành, mến khách. Những năm qua, bà con bản Báng đã biết tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất nơi đây để đón khách về thăm, vừa có thêm việc làm, tăng thu nhập và cũng là cách để quảng bá vẻ đẹp đất và người Pù Luông.

Bản Báng làm du lịch cộng đồng

Khung cảnh thiên nhiên Pù Luông nhìn từ bản Báng.

Bình yên bản Báng

Pù Luông mùa nào cũng đẹp, đó là cảm nhận chung của nhiều du khách. Mùa này, dẫu chẳng phải những tháng cao điểm du lịch nhưng Pù Luông vẫn đủ sức hấp dẫn mời gọi du khách về thăm. Trên những ngọn núi cao, mây vờn bồng bềnh lưng núi. Những thửa ruộng bậc thang phủ màu xanh của lúa vừa cấy. Những ngôi nhà sàn ẩn mình trong sương sớm. Tiết trời se lạnh, mây mù bao phủ những con đường vào bản Báng.

Tôi đến thăm gia đình anh Mạnh Cường, chị Hà Thị Tuyệt ở bản Báng. Đây là một trong những hộ làm du lịch đầu tiên ở bản Báng và hẳn nhiên homestay gia đình anh Cường, chị Tuyệt cũng có view đẹp nhất trong bản. Từ ngôi nhà sàn của gia đình anh Cường, du khách có thể ngắm trọn Pù Luông mây lững lờ trôi, xa xa con đường bê tông nhỏ nhắn, uốn lượn giữa hai bên là những thửa ruộng bậc thang.

Bản Báng làm du lịch cộng đồng

Khách du lịch thưởng thức ẩm thực Pù Luông tại homestay gia đình chị Hà Thị Tuyệt ở bản Báng.

Chị Tuyệt cho biết, gia đình chị trước đây chủ yếu dựa vào ruộng nương, thiếu khó đủ bề. Ấy vậy mà, kể từ khi du lịch sinh thái, cộng đồng như cơn gió mát lành thổi đến nơi đây đã giúp gia đình chị và nhiều hộ gia đình khác của bản Báng tìm được hướng đi mới trong làm ăn. Sau thời gian tìm hiểu, học hỏi, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, năm 2018, gia đình chị Tuyệt mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng homestay. Đến nay, homestay Mạnh Cường có 1 sàn ngủ tập thể, 3 phòng riêng, 2 phòng vip thiết kế theo phong cách bản địa, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu của khách lưu trú. Những tháng cao điểm, có ngày homestay Mạnh Cường đón gần 50 khách đến tham quan, lưu trú… Ở đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của Pù Luông mà có thể được trực tiếp trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa như theo chân người dân lên rừng hái rau, măng, dệt vải, cùng chế biến các món ăn mang đậm sắc thái văn hóa vùng cao. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc homestay bừng sáng ánh lửa trại, tiếng nhạc rộn ràng, hương rượu cần men lá đưa hồn ta vào những điệu khặp Thái, nhảy sạp… Đội văn nghệ cũng là những chị em phụ nữ trong bản. Để mang đến những tiết mục văn nghệ mang đặc trưng văn hóa, hương rừng Pù Luông, các chị em cũng đã tham gia các lớp tập huấn, kỹ năng làm du lịch. Chị Tuyệt chia sẻ, sắp tới, gia đình chị có ý định xây dựng thêm 1 căn bungalow để phục vụ khách vip, tạo thêm cảnh quan, điểm check-in, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ để thu hút du khách về nghỉ dưỡng 4 mùa trong năm.

Kết nối du lịch nội vùng

Ở bản Báng, ngoài gia đình chị Tuyệt còn có gia đình anh Tuyết, anh Nhạy, cô Dự, cô An, anh chị Hoài Thơ, chị Lan, anh Tú… cũng đang làm du lịch cộng đồng. Tận dụng vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng, của những thửa ruộng bậc thang và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, cùng sự mến khách đã giúp cho các hộ làm du lịch cộng đồng ở bản Báng ngày càng thu hút khách du lịch. Ở bản Báng, các bà, các mẹ vẫn giữ gìn khung cửi dệt vải, mặc bộ váy áo truyền thống. Khách du lịch đến thăm, thích thú được nhìn các bà bên khung cửi, dệt nên những chiếc khăn, cạp váy nhiều màu sắc. Năm nay đã 61 tuổi, bác Hà Thị Thuận vẫn duy trì được nghề dệt thổ cẩm của các bà, các mẹ truyền lại. Trước đây, để có được sản phẩm dệt thổ cẩm phải trải qua quy trình rất công phu, tỉ mỉ với nhiều công đoạn nhưng nay sợi dệt được mua sẵn nên thuận lợi hơn nhiều. Từ khi bản Báng làm du lịch, ngoài sản phẩm dệt để phục vụ cuộc sống thì nay còn là dịp để khách tìm hiểu về văn hóa địa phương, đồng thời mua những chiếc khăn thổ cẩm về làm quà.

Bản Báng làm du lịch cộng đồng

Bác Hà Thị Thuận, bản Báng còn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Ông Hà Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Thành Sơn, cho biết: Thành Sơn có diện tích tự nhiên 3.338 ha, dân số toàn xã 551 hộ, 2.288 khẩu, xã còn 211 hộ nghèo, 217 hộ cận nghèo; xã có 6 thôn, bản là Kho Mường, Nông Công, Pà Ban, Eo Kén, Pù Luông, Báng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích, vận động và tạo điều kiện cho người dân làm du lịch cộng đồng. Trong đó phối hợp với các đơn vị chức năng, doanh nghiệp kết nối mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cách làm du lịch, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường. Đảng bộ xã Thành Sơn cũng đã ban hành nghị quyết thực hiện chương trình nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng sinh thái. Thành Sơn hiện có 5 doanh nghiệp làm du lịch, 19 hộ gia đình làm homestay tập trung ở các thôn, bản: Kho Mường, Nông Công, Báng. Trong tổng số 19 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Thành Sơn, có 11 hộ ở bản Báng. Hiện nay, bản Báng có 176 hộ, 677 khẩu, diện tích tự nhiên 456,9 ha, diện tích đất nông nghiệp 18,36 ha. Bản Báng thuộc vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Trước đây, bà con chủ yếu làm nông nghiệp, những năm qua, tận dụng tiềm năng, thế mạnh mảnh đất Pù Luông, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn làm du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch về với Pù Luông, đã và đang góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân từ làm du lịch. Ngày 22-1-2020, bản Báng được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch cộng đồng.

Cùng với bản Nông Công, Pà Ban, Kho Mường, bản Báng với nét văn hóa bản địa, khung cảnh nên thơ, góp phần đưa xã Thành Sơn trở thành một trong những xã thu hút khách du lịch về với Pù Luông. Từ bản Báng, khách du lịch thích thú khám phá tour du lịch nội vùng Pù Luông, thăm hang Dơi, bản Kho Mường, bản Pà Ban, thăm bản Đôn, bản Hang, bản Hiêu, bản Kịt…; thăm chợ phố Đoàn, làng nghề dệt thổ cẩm Lũng Niêm, các bản Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao. Dù đến Pù Luông vào mùa lúa chín, mùa thác đổ, hay những ngày đông lạnh giá, ngày xuân mạ non xanh, cây đâm chồi, nảy lộc... du khách đều sẽ có những trải nghiệm đặc biệt. Trong lành, bình yên và cuốn hút... chỉ có thể là Pù Luông.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]