(vhds.baothanhhoa.vn) - Chùa Hoàng thuộc xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa, được kiến tạo từ lâu đời, có kiến trúc cổ, nhưng đã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Thể theo nguyện vọng của nhân dân và phật tử gần xa, được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư, ngày 15/9/2018 (ngày 6 tháng 8 năm Mậu Tuất) sẽ diễn ra lễ công bố quyết định bổ nhiệm trụ trì và động thổ xây dựng chánh điện chùa Hoàng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chùa Hoàng sẽ là điểm đến tâm linh hấp dẫn

Chùa Hoàng thuộc xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa, được kiến tạo từ lâu đời, có kiến trúc cổ, nhưng đã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Thể theo nguyện vọng của nhân dân và phật tử gần xa, được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư, ngày 15/9/2018 (ngày 6 tháng 8 năm Mậu Tuất) sẽ diễn ra lễ công bố quyết định bổ nhiệm trụ trì và động thổ xây dựng chánh điện chùa Hoàng.

Phối cảnh tổng thể chùa Hoàng.

Theo tài liệu khảo cứu về địa điểm chùa Hoàng của Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Thanh Hóa (nay là Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa) thì chùa Hoàng giáp Bồng xưa, nay là làng Khang Ninh, xã Hoằng Đức. Đây là vùng đất được hình thành và có con người định cư từ thời đại các vua Hùng dựng nước với tên gọi Kẻ Phùng, được Hán hóa gọi là thôn Phùng Dực, sau đó đổi thành xã Phùng Dực, tổng Hành Vi, huyện Hoằng Hóa. Chùa có kiến trúc hình chữ Nhị, quy mô bề thế. Toàn bộ không gian chùa được cấu trúc trên một mặt bằng gồm: Cổng - bình phong - sân - nhà tiền đường - nhà hậu trên diện tích 2ha. Chùa tọa lạc trên vùng đất cao ráo và thoáng đãng, quay mặt về hướng Tây nhìn ra cánh đồng Bái Chăm, phía Đông giáp Trường TH&THCS Hoằng Đức, phía Nam giáp vườn bưởi, phía Bắc giáp Cồn Núi (nay là sân vận động). Thế đất tụ linh, tụ phúc mang đặc điểm của chốn thờ tự, linh thiêng mà người xưa đã chọn - một vùng đất hiếm nơi nào có được.

Chùa Hoàng còn là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa, Đức Thánh Trần, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo trong tiềm thức của nhân dân Việt Nam.

Đông đảo Phật tử đến mừng đại lễ Phật Đản.

Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, chùa Hoàng đã bị phá hủy chỉ còn là phế tích. Hiện vật đáng chú ý nhất còn sót lại là một số di vật bằng đá: Bia đá, chân đá lăn giai to các loại, các chân tảng cột, bàn đá, bát hương đá, gạch bát và nhiều hiện vật có giá trị khác... Theo thời gian, chữ Hán trên bia đá và cây hương đá đã mòn, rất khó đọc.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân, sự nỗ lực của chính quyền xã Hoằng Đức, UBND huyện Hoằng Hóa và Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, các sở, ban, ngành liên quan, chùa Hoàng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Văn bản số 959/UBND-THKH, ngày 24/01/2018 về "Chấp thuận địa điểm đầu tư Dự án khôi phục và mở rộng chùa Hoàng xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa". Chủ đầu tư là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa. Quy mô dự án, tổng diện tích 10.000m2, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình: Cổng Tam Quan, Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Tứ Ân, Giảng đường, Tháp Phật, Tháp Tổ, lầu hóa vàng, bếp ăn, khu vệ sinh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Diện tích xây dựng các hạng mục công trình kiến trúc 1.470m2 với kinh phí gần 19 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa, vận động nhân dân và khách thập phương đóng góp. Theo kế hoạch của dự án giai đoạn I sẽ được khánh thành vào quý I năm 2020 và kết thúc giai đoạn II vào quý IV năm 2022.

Theo phương án quy hoạch và đầu tư: các khu chức năng được bố trí theo phong cách chùa truyền thống Việt Nam, hài hòa với địa thế của khu vực, tiện cho việc sử dụng, tạo điểm nhấn tham quan du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó quỹ đất dành cho xây dựng hợp lý, đảm bảo ưu tiên cho việc phát triển cảnh quan sinh thái, đảm bảo tối đa chức năng, vai trò của một điểm du lịch tâm linh. Theo đó các nguyên vật liệu được lựa chọn là kết cấu gỗ kết hợp bê tông cốt thép với bệ móng băng, móng trụ bê tông cốt thép, cột bê tông chịu lực chính, kết cấu mái và kết cấu đỡ mái được làm bằng gỗ liên kết với một phần cột bằng gỗ. Giải pháp này cho phép giảm giá thành thi công, đảm bảo tính bền vững tránh được mối mọt, kéo dài thời gian sử dụng công trình...

Sau khi được xây dựng hoàn thiện, chùa Hoàng sẽ là một công trình văn hóa tâm linh và điểm đến hấp dẫn. Chùa không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn thúc đẩy giao thương kinh tế, phát triển du lịch. Đồng thời góp phần hướng thiện thúc đẩy con người hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ...

Lễ đúc Đại hồng chung tại chùa Hoàng.

Không chỉ thế, chùa nằm sát Quốc lộ 10, cách Khu du lịch Hải Tiến, Sầm Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng,... không xa, ngôi chùa sẽ sớm trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn, góp phần kết nối du lịch. Đó sẽ là công trình văn hóa tâm linh có tầm vóc quy mô, không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt, khẳng định vị thế địa phương trong công cuộc đổi mới xây dựng nông thôn mới ngày nay. Đây cũng là sự ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Hoằng Đức trong việc lấy ý kiến đồng thuận từ người cao tuổi đến các chi bộ, thôn xóm, các tổ chức đoàn thể và sự phối hợp có hiệu quả với ban,ngành chức năng trong khảo cứu di tích lịch sử văn hóa để làm căn cứ phục dựng chùa Hoàng.

Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư dự án khôi phục, Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 29/QĐ-BTSPG ngày 2/2/2018 về việc bổ nhiệm trụ trì chùa Hoàng là Sư cô Thích Nữ Thuần Pháp, thế danh Nguyễn Thị Thu Hà về trụ trì. Theo đó ngày 4/3/2018 được sự công đức của các nhà hảo tâm, nhân dân và phật tử gần xa, Hội Phật giáo huyện Hoằng Hóa đã phối hợp với UBND xã Hoằng Đức tổ chức lễ đúc đại hồng chung tại chùa Hoàng nặng 500kg do các nghệ nhân đến từ cố đô Huế thực hiện.

Chùa Hoàng được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, do đó rất cần sự công đức của nhân dân, bà con phật tử, các tổ chức hảo tâm để chùa sớm được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và du khách gần xa.

Thúy Hòa - Lê Thắng


Thúy Hòa - Lê Thắng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]