(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu xuân mới, người dân và du khách thập phương đến các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh khá đông. Tuy nhiên, điều đáng mừng là năm nay, việc đặt tiền lẻ tại các ban thờ ở những điểm đến này đã giảm một cách đáng kể.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyển biến tích cực tại các điểm du lịch tâm linh

Những ngày đầu xuân mới, người dân và du khách thập phương đến các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh khá đông. Tuy nhiên, điều đáng mừng là năm nay, việc đặt tiền lẻ tại các ban thờ ở những điểm đến này đã giảm một cách đáng kể.

Chỉ tính riêng những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các điểm du lịch ở Thanh Hóa đã đón gần 300 nghìn lượt khách, tăng 37% so với dịp tết năm trước. Trong đó các điểm đến du lịch văn hóa tâm linh thu hút phần lớn du khách, điển hình như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh (38.000 lượt khách), TP Thanh Hóa (31.000 lượt khách), đền Sòng - Bỉm Sơn (26.800 lượt khách), Phủ Na (27.600 lượt khách), Cửa Đạt (20.600 lượt khách), Sầm Sơn (21.400 lượt khách)...

Theo ghi nhận của chúng tôi tại chùa Tăng Phúc (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa), tình trạng rải, bỏ tiền lẻ tại các ban thờ đã giảm nhiều so với các năm trước. Người đi lễ chùa bất kể tiền mệnh giá lớn hay nhỏ đều đã bỏ tiền vào hòm công đức, tránh việc rơi xuống đất gây phản cảm. Được biết, để làm được điều này BQL chùa Tăng Phúc đã liên tục dùng hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền cho du khách không đổi tiền chẵn sang tiền lẻ cung tiến, tránh bị mất phí chênh lệch, đồng thời nhắc nhở du khách đặt tiền công đức đúng nơi quy định.

Tại đền Độc Cước (TP Sầm Sơn), BQL đã sắp xếp biển nội quy ngay trước mỗi gian thờ.

Chị Hoàng Khánh Chi (TP Thanh Hóa) cho biết: Thực tế trước đây, khách đi du lịch tại các điểm đến tâm linh thường có tâm lý là phải để tiền ở khắp các ban thì mới được “trên” chứng cho, nên tiền lẻ được du khách cố nhét ở mọi nơi được gọi là “thiêng”. Năm nay tình trạng này đã được hạn chế rất nhiều, một phần do tiền lẻ khan hiếm, một phần do nhà chùa thường xuyên nhắc nhở nên chúng tôi trực tiếp bỏ tiền vào hòm công đức, vừa đỡ mất công đổi tiền lại không mất những chi phí không đáng có, đặc biệt là không xảy ra việc chen lấn nhau tại khu vực ban thờ để bỏ tiền.

Được biết, những năm qua, Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân khi tham gia lễ hội, đặc biệt là sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để đi lễ.

Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã không phát hành những loại tiền mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng. TạiThanh Hóa, các địa phương, BQL điểm đến cũng đã có những biện pháp nhằm quản lý, hạn chế việc đổi tiền lẻ, tuyên truyền, nhắc nhở du khách bỏ tiền công đức đúng nơi quy định. Việc làm này được xem là giải pháp tình thế, góp phần hạn chế người dân sử dụng tiền lẻ không đúng mục đích. Tuy nhiên, để tiền mệnh giá nhỏ không trở thành món hàng sinh lời cho các đối tượng cò mồi “ăn” chênh lệch khi đổi cho người đi lễ và hơn hết, để điểm đến trở nên văn minh, lịch sự, thì người đi lễ phải hiểu biết và có văn hóa, ứng xử đúng cách.

Đại đức Thích Bản Hoài - Chánh văn phòng Chùa Thanh Hà (TP Thanh Hóa) cho biết: “Tâm lý người dân Việt khi đi chùa, muốn chia tiền ra mỗi ban một ít, nhưng thực sự ra tất cả cũng quy dồn vào một nơi, rồi lấy tiền đó để nhà chùa tu bổ, xây dựng, hương đăng, cho nên mình hiểu ra rồi thì không cần thiết phải dùng tiền lẻ nữa, mà công đức trực tiếp đến hòm công đức, bàn công đức của nhà chùa. Công đức thì nằm ở tấm lòng, không phân biệt tiền chẵn, tiền lẻ...”

Có thể thấy trong thời gian qua, cùng với việc siết chặt quản lý sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động văn hóa, lễ hội của các bộ, ngành, địa phương, thì ý thức của người dân khi đi lễ chùa cũng đang dần được nâng cao. Nhìn chung không khí mùa lễ hội tại các điểm đến văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đầu năm nay khá trật tự, trang nghiêm, vệ sinh sạch sẽ và an ninh được đảm bảo. Đặc biệt, thói quen dùng tiền lẻ để cầu may của người dân và du khách thập phương giảm hẳn, bảo đảm sự tôn nghiêm của các điểm đến, góp phần quan trọng trong việc xây dựng điểm đến văn minh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]