(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau nhiều năm gián đoạn, lễ hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian đã được huyện Như Xuân khôi phục và tổ chức lại. Việc tham gia lễ hội hàng năm đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng, nhất là đối với đồng bào dân tộc Thái.

Đặc sắc lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian

Sau nhiều năm gián đoạn, lễ hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian đã được huyện Như Xuân khôi phục và tổ chức lại. Việc tham gia lễ hội hàng năm đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng, nhất là đối với đồng bào dân tộc Thái.

Đặc sắc lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian

Trước sân đền tái dựng hình ảnh 9 con trâu đá, 6 trâu đen, 3 trâu trắng và 9 giếng tượng trưng cho những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái và tạo nên sự hấp dẫn của ngồi đền chín gian.

Đền chín gian xưa có tên gọi là “Tến Xớ Quái” (đền Hiến Trâu), nằm trên một ngọn đồi nhỏ “Pú Pỏm” và cạnh dòng suối Tốn (nay thuộc xã Thanh Quân, huyện Như Xuân).

Đền được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn gồm 9 gian, được làm bằng tre, nứa và lợp tranh. Xung quanh đền là thung lũng Phà Lẽm và bến Tà Phạ (bến tắm trâu của trời). Sau nhiều năm bị xuống cấp, đền đã được đầu tư phục dựng lại trên nền kiến trúc cũ.

Khi nói đến đền Chín Gian là nói đến lễ hội Dâng trâu tế trời - một sinh hoạt văn hóa hết sức đặc sắc của đồng bào Thái được tổ chức từ 23 đến hết ngày 25 tháng Giêng hằng năm.

Đặc sắc lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian

Lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian đã được huyện Như Xuân khôi phục và tổ chức. (Ảnh: tư liệu)

Để chuẩn bị cho lễ hội, những người có chức sắc trong bản, cùng các cụ cao niên bàn bạc kỹ lưỡng, để bình chọn ra một con trâu tốt nhất trong bản, đó là những con trâu mộng không kể trâu đực hay trâu cái, phải là trâu tơ chưa dùng trong cày kéo và không có các khuyết tật bẩm sinh trên cơ thể. Ngoài một con trâu, mỗi mường còn phải có 9 con lợn, 90 con gà nhỏ, 90 cặp cá khô và một chum rượu cần (lẩu xá).

Sau khi đã chọn được trâu ưng ý, các chức sắc và các cụ cao niên trong làng tiếp tục bình chọn ra 9 chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú, bố mẹ còn sống, ông bà mẫu mực, gia đình hạnh phúc.

Công việc quan trọng không kém trong lễ tế trâu đó là các chức sắc trong bản phải tìm ra 3 thầy mo gồm 1 mo nữ (Bà Bá Văn), ông mo Cố Hương và ông mo Quốc Vượng. Ba thầy mo này có trách nhiệm lo về phần cúng tế trong lễ hội, các thầy mo này phải có uy tín và các tiêu chuẩn phải khỏe mạnh, sạch sẽ, khôn khéo, gia đình hạnh phúc, làm ăn thịnh vượng, phải có con trai con gái, trong năm không có việc buồn xảy ra.

Đặc sắc lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian

Trò chơi nhảy sạp được tổ chức trong phần hội (Ảnh: tư liệu)

Theo quan niệm của người dân chín bản mường người Thái, thì Tạo Ló Ỳ là người đã có công khai lập ra chín mường, đường về mường Phá tức (Mường Trời) nơi ở của Then Phà và Tạo Ló Ỳ, có nhiều cửa ải, tới mỗi cửa phải cúng tế một thứ lễ vật cho các vị thần giữ cửa mới được đi qua. Vì vậy trong các ngày thứ nhất của lễ hội, người ta chỉ cúng bằng cá, gà và lợn, thời gian cúng từ 1 giờ chiều đến 5 giờ sáng, sang ngày thứ hai mới tiến hành nghi thức “Hắp quái” tức lễ “nộp trâu” trước khi giết trâu. “Bà mo chủ” dẫn tạo, ông ạp và các cụ già cầm đuốc đi quanh con trâu của mường mình vòng 3 vòng tỏ ý đồng lòng dâng trâu. Sau khi trâu được tắm xong giao cho ông “ạp” làm nhiệm vụ chém trâu chết lúc đó mọi người đến mổ trâu. Cỗ thịt trâu được đặt lên bậc sạp cao nhất của đền. Sau lễ nộp trâu, thịt trâu được đem nấu tại chỗ cho mọi người cùng ăn, thịt ăn không hết thì bỏ lại hoặc đem thả xuống sông suối, không ai được đem phần về nhà.

Ở đây khác với các cuộc hiến tế ở mường, ở bản, hay ở mỗi gia đình, ông Mo và Tạo bản, Tạo mường thường được biếu phần đùi sau của con trâu, hoặc phần đùi trước của con lợn. Ở hội lễ đền Chín Gian các Ông Mo, Bà Mo và Tạo mường, Tạo bản không được giành phần riêng bất cứ thứ gì.

Lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian bên cạnh phần nghi lễ được diễn ra trang nghiêm và mang tính truyền thống, không khí tươi vui của lễ hội còn tưng bừng hơn với phần hội tổ chức các trò chơi dân gian hấp dẫn như khua luống, hò vè giao duyên tìm bạn tình, thi bắn nỏ, kéo co, ném còn, nhảy sạp, đánh cồng, đi cà kheo...

Ông Cao Tiến Dũng, Trưởng phòng VH&TT huyện Như Xuân cho biết: Lễ hội được khôi phục và tổ chức lại thể hiện trách nhiệm và lòng thành kính của các thế hệ con cháu hôm nay, góp phần tôn vinh công đức của cha ông khai bản, lập mường, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Thái.

Lễ hội cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hoá du lịch, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Như Xuân.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]