(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1954 về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho 7 di tích, danh lam thắng cảnh, trong đó có hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sầm Sơn không chỉ sở hữu bãi tắm đẹp mà còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Trước đó, ngày 28/4/1962, Khu danh thắng Sầm Sơn đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng Di tích Quốc gia tại Quyết định số 313.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Danh thắng Sầm Sơn và hành trình du lịch

Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1954 về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho 7 di tích, danh lam thắng cảnh, trong đó có hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sầm Sơn không chỉ sở hữu bãi tắm đẹp mà còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Trước đó, ngày 28/4/1962, Khu danh thắng Sầm Sơn đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng Di tích Quốc gia tại Quyết định số 313.

Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu của thế kỷ XX, có một dãy núi ven bờ biển Đông của huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, xứ Thanh xưa đã được một số sử - sách ghi chép cụ thể và liệt vào hạng núi danh thắng của nước Việt ta. Dãy núi này ở cuối thế kỷ XIX, sử sách ghi chép là “núi Trường Lệ”, còn vào những năm đầu của thế kỷ XX, các sách và bài viết phần lớn lại gọi tên là Sầm Sơn (tức núi Sầm).

Sở dĩ dãy núi lúc có tên là Trường Lệ, lúc có tên là Sầm Sơn và xung quanh ôm bọc lấy núi ở tận cùng phía Nam là một xã - thôn có tên là Trường Lệ và ở đầu phía Bắc là thôn Sầm (tức Sầm thôn) của xã Lương Niệm, tổng Cung Thượng (cả hai đều thuộc địa phận huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia). Riêng Sầm thôn còn có tên nôm là Gầm thôn. Như vậy, tên núi cũng là tên làng - xã kề bên mà sử sách đã ghi chép, đó là:

- Sách Đại Nam nhất thống chí, bộ sách biên soạn vào đời vua Tự Đức, triều Nguyễn (1848 - 1883) chỉ nêu tóm tắt: “Núi Trường Lệ: Ở địa phận ba xã Trường Lệ, Du Vịnh và Lương Niệm thuộc huyện Quảng Xương, 11 ngọn nổi lên ở chỗ đất bằng, trên núi có đền thờ thần Độc Cước sơn, đằng trước đền có vết chân người to lớn, cầu đảo nắng mưa, thường được linh ứng, dưới chân núi có đàn Kỳ Phong”.

- Sách Đồng Khánh địa dư chí, bộ sách biên soạn dưới triều vua Đồng Khánh (1886 - 1888), cũng chỉ chép một cách ngắn gọn như: “Núi Trường Lệ: Ở địa phận xã Trường Lệ. Núi nổi lên giữa đồng bằng, phía Đông trông ra biển, đá nước tranh hùng, là trấn sơn của cửa biển Triều Tấn. Trên núi có đàn cầu phong. Mỗi khi quan thuyền ra khơi đều làm lễ cầu phong ở đây”.

- Sách Đại Nam nhất thống chí, biên soạn ở triều vua Duy Tân (1907 - 1916) và được phát hành vào năm 1909 lại chép tên là núi Sầm Sơn đã có sự mô tả rõ ràng, cụ thể hơn: “Sầm Sơn (tức núi Sầm Sơn) ở khoảng hai xã Trường Lệ và Lương Niệm, phía Đông huyện Quảng Xương. Núi đất lẫn đá, thế núi nổi tròn, tất cả có 16 ngọn. Phía Đông Bắc là biển nước, phía Tây Nam là ruộng cát, phía Đông Nam có một ngọn gọi là Tượng Đầu (Đầu Voi) và phía Đông Bắc có một ngọn gọi là Ngao Cảnh (cổ cá Ngao). Các nơi này có thờ thần Độc Cước”.

Ngoài các sách do triều đình tổ chức biên soạn theo lệnh của các nhà vua Nguyễn, còn có một số sách của các danh sỹ và học giả khác cũng viết giới thiệu về Sầm Sơn danh thắng. Điển hình trong số đó chính là sách Thanh Hóa kỷ thắng của Vương Duy Trinh (một danh sĩ nổi tiếng xứ Bắc - người từng giữ chức Tổng đốc Thanh Hóa hồi cuối thế kỷ XIX) được biên soạn vào năm 1903 đã dành ra một số trang để giới thiệu, ngợi ca vùng đất Sầm Sơn kỳ tú với niềm xúc cảm dạt dào, lắng đọng. Dưới sự mô tả của Vương Duy Trinh, Sầm Sơn quả là vùng non nước kỳ thú thật sống động. Và Sầm Sơn như ông hiểu chính là dãy núi bắt đầu đột khởi từ Sầm thôn, xã Lương Niệm và chạy dài theo hướng từ Tây Bắc đến Đông Nam liền với biển, đó là “Núi đất lẫn đá. Đông Bắc là biển, Tây Nam là ruộng cát. Nơi ấy khởi nên 16 ngọn núi, cao nhất 300 thước, trên dưới một vòng, dài đến bảy tám ngàn thước, Đông Nam là ngọn Đầu Voi thuộc xã Trường Lệ, Đông Bắc là ngọn Giải Miết (tức hòn Cổ Giải - PT) thuộc xóm Núi (tức Sầm Thôn - PT), có Độc Cước Sơn Tiệu linh từ (tức đền thờ thần Độc Cước - PT). Nơi ấy núi non kỳ tú, cây cối tốt tươi như rừng. Lên cao nhìn ngắm thấy quần đảo gần xa, khí biển phong nhiên, gió mát đong đầy tay áo... Sớm chiều thuyền đánh cá ẩn hiện giữa khói sóng. Quả là một thắng cảnh giữa biển trời...” (Thanh Hóa kỷ thắng, trích theo bản dịch đánh máy của Hoàng Tuấn Công).

Với kiến thức địa lý có được, cộng với sự say mê khảo sát, nghiên cứu cụ thể mà trong nửa đầu thế kỷ XX, ông Ưng Quả - một nhà giáo tên tuổi của cả xứ Thanh, nước Việt - người đã từng có nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường trung học Collège Thanh Hóa đã có một số bài viết giới thiệu khá đầy đủ, chi tiết và sinh động về địa lý cảnh quan của vùng đất Sầm Sơn cũng như sự ra đời, phát triển của một địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng Đông Dương ở đây từ đầu thế kỷ XX cho đến trước thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra.

Khi giới thiệu về núi Sầm Sơn (tức dãy Trường Lệ), Ưng Quả đã viết: “...Cảnh vật pha trộn là vậy, song địa điểm này đã được xác định đầy đủ về mặt tạo sơn: Dãy núi granit nằm theo hướng Đông - Tây gồm 12 ngọn đồi nối tiếp có độ cao không tới 100m. Đỉnh cao nhất (79m30) nằm ở tận cùng phía Đông mang tên núi Voi hướng lên phía Bắc tạo thành một bán đảo núi nhỏ gọi là Cổ Giải. Chỗ nào cũng thấy những tảng granit bị xói mòn tròn trịa và thời gian đã phủ lên nó một lớp màu nâu. Con người bằng trí tưởng tượng đã đặt tên cho những tảng đá granit theo hình thù của nó như hòn Cổ Rùa, hòn Đầu Voi, hòn Mũ, hòn Mào Chim Hét. Giữa những mõm cùng dãy núi là những cao nguyên hẹp, bãi tắm nhỏ, vũng sâu có suối nước róc rách đổ xuống. Dựa lưng vào bức tường đá kéo dài và vững chải này, qua nhiều thế kỷ đã hình thành dải bờ biển Sầm Sơn chạy dài gần 10 cây số, từ chỗ núi Voi (chỗ đền Độc Cước tọa lạc) nhô ra biển đến cửa Lạch Triều (Cửa Hới) hay còn gọi là cửa sông Mã.”

Theo Ưng Quả, thì Sầm Sơn tuy chia thành hai trung tâm (là Sầm Sơn thượng và Sầm Sơn hạ), nhưng có chung cảnh quan đó là biển và sự quyến rũ mê hồn của nó. Và dưới ngòi bút mô tả của ông thì “Biển quyến rũ vừa biến mất trên cát mịn. Bãi biển Sầm Sơn Hạ dài gần 10km. Khi thủy triều xuống, hàng trăm mét bãi lộ ra phẳng lỳ, từ từ thoai thoải nghiêng xuống biển khơi không hề có dòng hải lưu mạnh nào chảy qua dưới đáy. Sầm Sơn Thượng (tức ở trên dãy núi Trường Lệ - PT) cũng có những bãi tắm nhỏ nằm ở dưới vịnh đá, nổi bật lên bên rìa núi granit. Ở những vũng bờ đá khuất nẻo có nhiều động vật sống lặng lẽ. Những con chim biển, hải sâm động đậy trong hốc đá, san hô sống ở những vũng nước trong...”.

Chỉ qua một vài ghi chép mô tả trên mà vùng núi và biển Sầm Sơn đã trở nên nổi tiếng khắp nơi trong cả nước. Và sự nổi tiếng đó từ lâu đã có sức cuốn hút nhiều danh sĩ và du khách gần xa đến đây để thăm thú, thưởng ngoạn. Ngay trong những năm đầu thế kỷ XX, ngoài việc khẩn trương xúc tiến chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho kế hoạch khai thác thuộc địa ở cả Việt Nam và xứ Thanh (như xây dựng hệ thống đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng...), thực dân Pháp còn cho tiến hành ngay việc đầu tư xây dựng Sầm Sơn thành một trung tâm nghỉ dưỡng và tắm biển lý tưởng để phục vụ chủ yếu cho bộ máy thống trị ở Việt Nam và cả Đông Dương. Chỉ trong vòng một số năm trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, ngoài việc cho xây dựng nhanh chóng trục đường 8 (nay gọi là đường 47) nối liền thị xã Thanh Hóa với Sầm Sơn dài 16km và hai trục đường ven biển cùng một loạt công trình kiến trúc ven đại lộ và trên dãy núi như nhà Ái hữu dây thép (tức nhà Bưu điện), nhà của sở Lục Lộ, nhà của sở Đoan (để thu thuế), nhà biệt thự của Phủ Toàn quyền, của Công sứ Ninh Bình, của tòa sứ Thanh Hóa và những biệt thự sang trọng theo phong cách Tây Âu được làm ở những vị trí đắc địa đẹp đẽ nhất trên dãy núi cùng hàng chục tư thất của các quan chức và gia đình giàu có ở nơi khác đến... Ngoài ra, thực dân Pháp còn cho xây dựng cả một đồn binh để bảo vệ cho các quan chức khi về đây nghỉ mát, thư giãn và hưởng lạc.

Không phải chỉ có những học giả người Việt viết bài giới thiệu để ca ngợi Sầm Sơn, mà ngay cả những học giả người Pháp cũng từng có những cuốn sách và bài viết dành riêng một số trang để giới thiệu về Sầm Sơn - một địa điểm tắm biển và nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất ở Đông Dương.

Trong sách Le Thanh Hoa, học giả Robe Quain đã nhận xét: “Bãi biển Sầm Sơn (là nơi) có người nghỉ mát đông nhất trên bờ biển Đông Dương”. Và theo ông: “Bãi tắm này tốt nhất để phục hồi sức khỏe, thích hợp với sự nghỉ ngơi, không phải là loại bãi biển thông thường”. Còn ở cuốn sách “Thanh Hóa đẹp tươi” - một cuốn sách hướng dẫn du lịch, xuất bản năm 1922, tác giả H.LeBreton đã có một số trang viết để dẫn dắt du khách đến Sầm Sơn - nơi nghỉ mát và tắm biển tuyệt vời nhất để rồi ngắm cảnh, dạo chơi, tìm hiểu ở những kỳ quan trên dãy núi gắn liền với những truyền thuyết và huyền thoại thú vị như hòn Cổ Giải, Đầu Voi, Trống Mái... Ngay từ lúc ấy (tức là năm 1922, khi cuốn sách được phát hành rộng rãi), H.LeBreton còn chỉ dẫn cho du khách khi đến Sầm Sơn, ngoài tắm biển, nghỉ ngơi và du ngoạn ở trên núi cũng nên dành thời gian để thăm cửa sông Mã (tức Cửa Hới) - một điểm nhấn cũng rất đáng để du ngoạn. Và theo ông, tại làng Triều - Thanh - Lộc có đền thờ Lệ Hải Bà Vương (tức Bà Triệu Thị Trinh - nữ anh hùng kiệt hiệt chống lại nhà Đông Ngô hồi năm 248 làm toàn Châu Giao náo động - PT), còn Hải Thôn (Quảng Tiến nay) là một cảng cá và thương mại lớn có nhiều tàu thuyền neo đậu...

Có thể nói, trong suốt nửa đầu của thế kỷ XX, Sầm Sơn đã có sự “thay da, đổi thịt” trông thấy. Từ vùng đất còn khá “trinh nguyên, lặng lẽ” như các làng biển nghèo khác ở trong tỉnh, trong nước, Sầm Sơn đã trở thành một địa điểm du lịch, tắm biển và nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất Đông Dương. Nhưng, dưới màn trời nô dịch của thực dân Pháp, Sầm Sơn - cái “đô thị ăn chơi, nghỉ mát” nổi tiếng ấy chỉ dành riêng để phục vụ cho tầng lớp thống trị và những kẻ giàu sang, phú quí. Còn đa số tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ và lam lũ quanh năm thì lấy đâu tiền bạc để mà đến đây hưởng lạc. Và cũng ngay tại Sầm Sơn ngày ấy, từ làng núi Sầm thôn đến các làng ven biển của tổng Cung Thượng, phần lớn nhà cửa của cư dân chỉ là những ngôi nhà bé nhỏ, đơn sơ như những túp lều được dựng lên từ những cồn cát và thân đất cao phía nội đồng. Đó chính là sự tương phản rõ ràng mà du khách ở nơi khác đến vẫn dễ dàng nhận ra ở đây. Trong bức tranh toàn cảnh của Sầm Sơn kỳ thú, lung linh, huyền ảo vẫn còn đó những mảng màu tăm tối, xám xịt. Chính vì vậy mà ở thời đại người Pháp khai mở cái gọi là “văn minh”, “tân tiến” ấy, tại Sầm Sơn, nhiều nhân sĩ, trí thức có lòng yêu nước, thương nòi khi đến đây thăm thú, dạo quanh vẫn không thể kìm nén nỗi niềm xót xa, cay đắng trước nghịch cảnh vừa nêu. Và cũng có những người đã mượn những bài thơ vịnh cảnh ở Sầm Sơn để gửi gắm kín đáo niềm tâm sự thủy chung của mình với nước non.

Điển hình trong số đó là cụ Phan Bội Châu - một chí sĩ yêu nước tên tuổi ở trong nước từng có mặt ở Thanh Hóa vào năm 1902 để liên kết đồng chí theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Và khi ghé thăm Sầm Sơn, nhìn cảnh non xanh, nước biếc cụ đã xúc cảm làm nên bài thơ đầy nỗi niềm tâm sự:

“Qua cảnh Sầm Sơn chẳng nỡ rời

Bồng lai kia cũng thế mà thôi

Non xanh bát ngát cây chen đất

Bể bạc mênh mông sóng lẫn trời

Chú lái đầu thuyền hì hục chở

Cô Đầm bãi bể nhởn nhơ chơi

Non sông dáng cũ non sông cũ

Chạnh mối tang thương khóc dở cười”

(Trích ở sách “Toàn tập Phan Bội Châu” của GS. Trương Thâu)

Theo sự cho biết của Vương Duy Trinh thì “Bấy giờ (có thể cũng là năm 1902 - PT), thơ của các quan chức (sáng tác về Sầm Sơn - PT) tất nhiên là nhiều, trong đó không phải là không có những bài được truyền tụng sôi nổi”. Và một số bài thơ hay họa về Sầm Sơn hồi ấy đã được Vương Duy Trinh tập hợp để giới thiệu trong sách Thanh Hóa kỷ thắng (biên soạn năm 1903, phần viết về Sầm Sơn) như:

- Bài xướng của danh sĩ Vương Tứ Đại - người Hà Nội làm việc ở bên tòa phán sự:

“Bể rộng ai đào để đắp non

Vết chân Thầy Độc để nay còn.

Lô xô sườn núi nhà thưa mái,

Khấp khểnh chân mây đá mấy hòn.

Mặt hải trong veo dòng nước biếc,

Đầu thềm sáng vặc bóng trăng tròn.

Lân la trong cõi non cùng nước,

Mà tấm lòng riêng vẫn sắt son”.

- Bài họa của Phạm Liệu, người Quảng Nam - quan huyện Nga Sơn:

“Có lạ gì đâu nước với non,

Lạ vì có cảnh có người còn.

Bể trông ra thế chừng to lượng,

Núi được như đây đã mấy hòn.

Trời đất mở mang ba mặt tỏ,

Gió trăng đưa đẩy mấy thu tròn.

Nước non rày tới trong cao mãi,

Đằm thắm cùng nhau giữ tấc son”.

- Bài họa của một sư ông:

“Cảm mối duyên gì với nước non,

Đà lâu hay mới dấu chân còn.

Bể sâu dài rộng bao nhiêu thước,

Núi nọ kìa đây mấy chục hòn.

Đá dựng cây xanh lùa gió mặn,

Sóng xô cát bạc lấn trăng tròn.

Có thầy có cảnh thêm vui vẻ

Non nước thề cùng mảnh sắt son”.

- Và một bài họa về Sầm Sơn của một tác giả vô danh khác:

“Tự thuở non trên bể dưới non,

Người còn, còn bể núi non còn.

Mênh mông bể rộng dò chi thước,

Rải rác non trăm lánh một hòn.

Gió quét hơi nồng lòng khách mặn,

Trăng soi đất lệch bóng ai tròn.

Non xanh nước biếc người trong trắng

Thu thập đem về một nét son”.

(Cả bốn bài thơ trên được trích dẫn theo bản dịch của Phan Bảo).

Trong số 4 bài thơ thi họa về cảnh trí Sầm Sơn đã dẫn trên thì bài thơ số 3 của Sư Ông (không có tên) lại có người (như Ưng Quả - tác giả bài viết về Sầm Sơn vào năm 1944) lại cho rằng đó là bài thơ do chính Vương Duy Trinh sáng tác, không biết có đúng hay không? Nhưng rõ ràng, tác giả của các bài thơ trên đều mượn việc họa cảnh Sầm Sơn để gửi gắm tình cảm thủy chung của mình với non sông, đất nước một cách thật tài tình, kín đáo. Đây có thể được xem là những tín hiệu mở đầu của dòng thơ yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Rồi trong đợt triều dâng tháng 8, năm 1945 lịch sử, Đảng đã lãnh đạo toàn dân ta xua tan ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến. Và từ đây Sầm Sơn lại cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới Độc lập - Tự do với sức mạnh vô địch. Đến đầu năm 1947, thực hiện lời kêu gọi “Tiêu thổ kháng chiến” của Đảng và Hồ Chủ tịch, người Sầm Sơn đã nhanh chóng san phẳng tất cả những công trình nhà cửa, biệt thự mà Pháp xây dựng để chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược trở lại của chúng. Cũng vì thế, Sầm Sơn, từ địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng đã nhanh chóng biến thành “một pháo đài” lợi hại đáng tin cậy để ngăn chặn sự tấn công, đổ bộ của kẻ thù xâm lược từ biển vào, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vùng hậu phương Thanh Hóa suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp (1946 - 1954).

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (7/1954), Sầm Sơn đã vinh dự được chọn làm địa điểm đón tiếp hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Và cũng từ đây, vấn đề du lịch và nghỉ mát ở Sầm Sơn từng bước được phục hồi. Mặc dù phải tập trung vào việc phục hồi kinh tế và hàn gắn những vết thương chiến tranh, sau hòa bình lập lại, nhưng Đảng, Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa vẫn có sự chú ý đầu tư xây dựng ở Sầm Sơn được một số nhà nghỉ, khách sạn, trạm điều dưỡng và khu giao tế... để bước đầu có thể phục vụ kịp thời nhu cầu nghỉ mát, điều dưỡng, tắm biển cho cán bộ và nhân dân ở miền Bắc nói chung và Thanh Hóa nói riêng.

Đặc biệt trong chuyến về thăm Thanh Hóa (tháng 7/1960), Hồ Chủ tịch có nghỉ dưỡng tại đền Cô Tiên, rồi cùng kéo lưới với ngư dân xóm Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay thuộc khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn). Trong thời gian về thăm Sầm Sơn năm 1960, Bác nhắc nhở chỉ bảo: “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”. Nghe theo lời chỉ dạy của Hồ Chủ tịch, du lịch Sầm Sơn đã có sự phục hồi và chuyển mình rõ nét.

Từ năm 1960 đến 1964, bình quân mỗi năm ở Sầm Sơn đã có từ 4, 5 vạn lượt người ở miền Bắc và trong tỉnh về nghỉ mát, tắm biển. Song, từ lúc đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân trên miền Bắc (1965 - 1972), hành trình du lịch của Sầm Sơn lại tạm lắng để nhường chỗ cho cuộc chiến sinh tử này. Và chỉ sau khi “Mỹ cút, ngụy nhào”, nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất (1975), nhất là khi công cuộc đổi mới - hội nhập - mở cửa được thực thi nhanh chóng từ 1986 trở đi thì hành trình du lịch Sầm Sơn mới có sự chuyển động và bứt phá ngoạn mục. Nhưng cũng phải tới năm 1989, khi hè du lịch Sầm Sơn được phát động với khẩu hiệu “Sức khỏe, kinh tế, bạn bè” thì từ đây sự nghiệp phát triển du lịch ở Sầm Sơn mới từng bước có sự phát triển toàn diện, nhanh chóng.

Đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho đô thị Sầm Sơn tăng tốc và bứt phá toàn diện, bền vững trong thời đại hội nhập, phát triển, vào ngày 9/6/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chính thức phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng thị xã Sầm Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Đến nay, bộ mặt của thành phố du lịch Sầm Sơn đã có sự thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh, sạch đẹp một cách thật rõ ràng. Với việc nhanh chóng xây dựng, mở mang, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị (như hệ thống đường sá, điện, nước...) và nâng cấp, cải tạo toàn bộ cơ sở nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng và các công trình dịch vụ du lịch cùng việc khai thác có hiệu quả sân Golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC, hoặc khu du lịch sinh thái Vạn Chài..., thành phố Sầm Sơn đã có đầy đủ những điều kiện thuận lợi để đón tiếp tất cả mọi đối tượng du khách trong nước, trong tỉnh và quốc tế đến đây để tắm biển, nghỉ dưỡng và tham quan du lịch một cách thỏa mãn đầy ấn tượng tốt đẹp.

Và giờ đây, với những gì đã có, đã làm, Sầm Sơn càng ra sức phấn đấu trở thành một đô thị du lịch trọng điểm có tầm cỡ quốc gia, quốc tế, để Sầm Sơn lúc nào cũng là một địa chỉ gặp gỡ, hẹn hò của du khách gần, xa.

Phạm Tấn


Phạm Tấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]