(vhds.baothanhhoa.vn) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Điều đó buộc các doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp để trụ vững và tìm ra những hướng đi mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp du lịch lao đao mùa dịch Covid-19 (Bài 1): Đau đầu giữ người hay cho nghỉ

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Điều đó buộc các doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp để trụ vững và tìm ra những hướng đi mới.

Vấn đề giữ người hay cắt giảm nhân sự để bớt áp lực trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay đang làm đau đầu những người đứng đầu doanh nghiệp. Lựa chọn nào cũng đầy khó khăn. Doanh thu giảm sút, thậm chí không có doanh thu, thêm vào đó là nhiều khoản cần chi trả. Giữ lại thì không đủ tiền để trả lương, nhưng nếu cho nghỉ, việc tuyển nhân viên, chất lượng lao động sau khi dịch bệnh đi qua được dự báo sẽ rất khó khăn.

Khách sạn Vinpearl Thanh Hoá đã ra thông báo chính thức về việc tạm thời đóng cửa.

Cố gắng giữ lao động

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu sụt giảm, thậm chí có doanh nghiệp rơi vào cảnh nợ nần nghiêm trọng, gây sức ép không hề nhỏ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Việc cho nhân viên nghỉ việc luân phiên, nghỉ hẳn hoặc đơn vị tạm dừng hoạt động, đến nay đã không còn nằm ở các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, mà ngay cả một số doanh nghiệp lớn cũng buộc phải đưa ra những phương án tương tự.

Trước hết, phải kể đến khối lữ hành, ngoài không khai thác được tour là các khoản thiệt hại do việc hoàn - huỷ tour, tiền đặt cọc trước đó... Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Vietrantour cho biết: Sau một thời gian cân nhắc, chúng tôi chỉ có thể cố gắng cho nhân viên làm việc hết tháng 3. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2020, toàn bộ nhân viên Vietrantour Thanh Hoá sẽ buộc phải nghỉ việc, và công ty sẽ hỗ trợ một phần lương cho nhân viên đến khi quay trở lại làm việc. Đây cũng là giải pháp để giữ lại lực lượng lao động khi hoạt động trở lại. Mặt khác, nếu cho nhân viên nghỉ hẳn trong giai đoạn hiện nay, họ cũng không thể xoay sở được sang công việc khác.

Mặc dù không khai thác được tour, song, để nhân viên có việc làm và ổn định cuộc sống, “cầm cự” lực lượng lao động chờ qua dịch, nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn cố gắng triển khai công việc bình thường cho nhân viên. Tuy nhiên, công việc chủ yếu là thực hiện việc hoàn - huỷ tour cho khách, cũng như làm việc với các đối tác cung cấp dịch vụ liên quan đến vấn đề này.

Đối với khối doanh nghiệp dịch vụ khách sạn, nhà hàng, một số đơn vị đã phải cho nhân viên nghỉ việc, đóng cửa tạm thời, số còn lại buộc giảm giờ làm. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, tạm dừng hoạt động các cơ sở cung cấp dịch vụ, những nơi tập trung đông người. Do đó, đến nay khối khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu “đóng băng”.

Nhằm trấn an tinh thần người lao động trước thông tin liên tục về tình trạng nhiều khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cắt giảm nhân viên, Khách sạn Mường Thanh Thanh Hoá đã thông báo sẽ giữ ổn định mức lương, tuy nhiên sẽ giảm số ngày làm trong tháng từ 26 ngày xuống còn 22 ngày/nhân viên. Theo đó, tổng số tiền lương của cán bộ nhân viên sẽ phải cắt giảm một phần. Hiện tại, ngoài những khách công vụ, các chuyên gia có lịch lưu trú lâu dài, khách sạn không thể đón thêm khách, nguồn thu giảm nghiêm trọng.

Nhiều doanh nghiệp không có doanh thu

Với tình hình khó khăn như hiện nay, một bộ phận người lao động đã buộc nghỉ việc không lương. Thậm chí những vị trí như quản lý, trưởng bộ phận một số đơn vị cũng buộc “nghỉ phép”, cắt giảm ngày làm. Đáng nói hơn cả là lực lượng gần 300 hướng dẫn viên trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó phần lớn là hướng dẫn viên tự do, không có việc làm, không có thu nhập càng không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Do đó, việc cắt giảm giờ làm hay nhận được lương hỗ trợ vẫn được xem là một điều may mắn.

Mới đây, trên mạng xã hội, đơn vị lữ hành TransViet “gây bão” khi công bố bức tâm thư gửi toàn thể nhân viên, khích lệ tinh thần cũng như chia sẻ kế hoạch “ngủ đông” của lãnh đạo đơn vị. Trong bức tâm thư có đoạn: “Tuần tới, có những bạn sẽ tạm chia tay cuộc sống văn phòng để được điều động lên các farm - các nhà máy của Viet Healthy, tạm thời làm những công việc của người nông dân thực thụ. Có những bạn sẽ được phân công thường trực tại các văn phòng để luân phiên giữ vững nhịp đập hoạt động của công ty - đón bắt tất cả cơ hội phục hồi có thể quay lại bất cứ lúc nào. Có những bạn sẽ được phân công tạm thời ở những công việc mới tại các công ty thành viên khác, và cũng có một số bạn phải tạm về quê chờ kết thúc dịch.

Trong giai đoạn hiện nay, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch cũng không thể làm gì khác ngoài trông chờ vào dịch bệnh kết thúc. Cho nhân viên nghỉ việc hay cắt giảm giờ làm chỉ là phương án bất đắc dĩ khi không thể xoay xở sang một hướng khác tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra vẫn là tìm hướng cho doanh nghiệp có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn, thêm vào đó là vấn đề nhân lực, đảm bảo chất lượng của đội ngũ này, ổn định một phần đời sống để họ tiếp tục gắn bó với đơn vị sau khi dịch bệnh kết thúc là chuyện không hề dễ.

Theo ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Thanh Hoá, hiện tại hiệp hội vẫn chưa thống kê được số lao động mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 vì tình hình biến động từng ngày. Rất nhiều doanh nghiệp thời gian qua không có doanh thu, chứ chưa nói đến lợi nhuận. Thậm chí một số doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc đóng cửa, dừng hoạt động tạm thời. Giải pháp bây giờ là làm sao vừa hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế nhưng vẫn bảo toàn nhân viên bằng cách hỗ trợ lương. Quan điểm của hiệp hội là nên cố gắng giữ lại lao động, nhưng điều này thì tùy vào nguồn lực của mỗi đơn vị.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]