(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước những thiệt hại rõ rệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành du lịch, các chuyên gia lĩnh vực du lịch cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp nên bình tĩnh, coi đây là cơ hội cải tổ, sàng lọc năng lực và đòi hỏi sự năng động của các doanh nghiệp để có thể sẵn sàng bứt phá sau dịch bệnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp du lịch lao đao mùa dịch Covid-19 (Bài cuối): Sẵn sàng bứt phá sau đại dịch

Trước những thiệt hại rõ rệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành du lịch, các chuyên gia lĩnh vực du lịch cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp nên bình tĩnh, coi đây là cơ hội cải tổ, sàng lọc năng lực và đòi hỏi sự năng động của các doanh nghiệp để có thể sẵn sàng bứt phá sau dịch bệnh.

Đừng nên chỉ nhìn vào mặt tối

Trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, khi nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã buộc cho nhân viên nghỉ việc, đóng cửa tạm thời hoặc cắt giảm phần lớn nguồn nhân lực, thì Công ty CP Dạ Lan (TP Thanh Hoá) vẫn thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn lực cũng như đời sống cho CBNV đơn vị. Theo đó, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng, ban, bộ phận, công ty đã thực hiện cắt giảm các khâu hoặc chi phí không cần thiết, tối giản chi phí trong hoạt động, kể cả thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, không để lao động không có việc làm và không có thu nhập cũng như nghỉ việc. Trong thời điểm khó khăn, tạm thời tất cả các bộ phận cho tăng số ngày nghỉ của CBNV lên 2 ngày/tuần, một số bộ phận tổ chức sự kiện có thể nghỉ 3 ngày/tuần, đồng thời thực hiện việc đảo/đổi nhân sự giữa các bộ phận để đảm bảo không có người nghỉ quá nhiều, người lại nghỉ ít.

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Công ty CP Dạ Lan cho biết: Ngay sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cách ly toàn xã hội, công ty đã có những điều chỉnh kịp thời về nhân lực. Theo đó, ngoài nhà máy và bên dự án, tất cả các đơn vị như nhà hàng, trung tâm tổ chức sự kiện đều tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động sau khi phục hồi dịch, tại mỗi nhà hàng đều bố trí từ 5 - 10 người đến dọn dẹp, bảo trì, bảo dưỡng hàng ngày. Đối với bộ phận văn phòng như: Thi đua, ISO, an toàn, truyền thông, dự án... có thể đăng ký làm việc tại nhà với mục tiêu kết quả cụ thể. Không để tình trạng trì trệ khi hoạt động trở lại.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đây được xem là thời điểm thách thức đối với ngành du lịch cả nước nói chung, Thanh Hoá nói riêng. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh lạc quan cho rằng, sau khi dịch bệnh kết thúc, ngành du lịch sẽ phục hồi một cách ngoạn mục trong một thời gian ngắn. Do đó, giai đoạn này cần được xem là cơ hội để Thanh Hoá nghiên cứu cơ cấu lại thị trường khách, củng cố sản phẩm, sàng lọc doanh nghiệp...

Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tìm cho mình những biện pháp để vượt qua khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch bệnh, sẵn sàng các điều kiện, nguồn lực phát triển sau dịch. Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO Hà Nội - Trương Quốc Hùng cho rằng, đây là thời điểm để các doanh nghiệp triển khai các hoạt động đào tạo, tăng cường liên kết, hợp tác, tìm kiếm thị trường, tìm giải pháp, đề xuất tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị hành trang hoạt động có hiệu quả sau dịch. Thời gian tới, CLB sẽ xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội viên. Trước mắt, CLB sẽ phối hợp cùng một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị khảo sát, đánh giá, xây dựng điểm đến an toàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, thu hút du khách, nhằm góp phần kích cầu du lịch nội địa ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.

Theo dự báo, ngay sau khi dịch bệnh kết thúc, ngành du lịch sẽ có bước phát triển ngoạn mục.

Sẵn sàng để không bỏ lỡ một “cuộc chơi” mới

Hiện Tổng cục Du lịch đã bắt đầu tính toán các thiệt hại và lên kế hoạch ứng phó với suy giảm. Theo Tổng cục du lịch, hiện Việt Nam cùng các nước đang nỗ lực đối phó với những thách thức từ dịch Covid-19. Hiện nay, một số chuyên gia y tế thế giới dự báo, dịch Covid-19 có thể được đẩy lùi hoàn toàn sớm nhất là sau mùa hè 2020, nên Tổng cục Du lịch cũng đưa ra kịch bản khi dịch Covid-19 kết thúc vào mùa hè, thì đến những tháng cuối năm nay, các hoạt động du lịch mới có thể trở lại. Các doanh nghiệp du lịch cũng không nên chủ quan trong việc chuẩn bị điều kiện, nguồn lực, sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển đầy thử thách mới.

Khó khăn, thách thức càng lớn sẽ mang đến cho các doanh nghiệp có khả năng thực sự những cơ hội để vươn lên phát triển một cách bứt phá, khẳng định được vị trí trong hoạt động. Do đó, mặc dù hiện nay các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh đóng cửa. Tuy nhiên, nhiều đơn vị xem đây là thời gian “nghỉ giải lao” để thực hiện việc bảo dưỡng, bảo trì hệ thống máy móc, sửa chữa cơ sở vật chất một cách tốt nhất. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các phương án, gói phục vụ hấp dẫn để sẵn sàng hợp tác với các đơn vị dịch vụ.

Theo ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: HHDL sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Trước hết đó là phối hợp với Sở VH,TT&DL, đơn vị chức năng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Đồng thời đấu mối với HHDL Việt Nam thực hiện kích cầu, tổ chức các đoàn famtrip, tổ chức công nhận các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá là điểm đến an toàn. Đặc biệt chú trọng xúc tiến, kết nối với những thị trường du lịch kết nối bằng đường hàng không.

Trong tình hình hiện nay, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Thanh Hoá đang rất nỗ lực để nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết “nhiệm vụ kép”, là vừa ưu tiên phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cũng đang tiếp tục được thảo luận, nhất là giãn, hoãn nộp thuế.

Có thể nói rằng, những khó khăn trong hoạt động du lịch sẽ chưa thể dừng lại, bởi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, không dự đoán được thời điểm kết thúc. Nếu tình hình dịch bệnh càng kéo dài thì khó khăn sẽ càng nghiêm trọng hơn. Ở thời điểm “chống dịch như chống giặc” hiện nay, việc cần làm của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh là tập trung phòng, chống dịch bệnh, tránh để tổn thất về mặt con người, vừa nỗ lực duy trì các điều kiện, nguồn lực ở mức cầm cự và chống chịu, sau đó là cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng thời cơ, phục hồi kinh tế ngay sau dịch bệnh đi qua.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]